Việt Nam hiện có gần 300 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hoạt động, nhưng gần 50 doanh nghiệp vừa bị rút giấy phép.

Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ngày 6/11 đã công bố danh sách 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động phần lớn là doanh nghiệp đang hoạt động ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động chủ yếu do vi phạm các quy định trong luật như: Không làm thủ tục đổi giấy phép; Doanh nghiệp không trực tiếp tổ chức hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này còn thuộc diện cho người khác mượn giấy phép để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; không thực hiện phương án bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi ra nước ngoài.

Bộ lao đông đề nghị các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép phải có báo cáo về thực trạng lao động của công ty, đồng thời vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục quản lý, hỗ trợ các lao động đang làm việc và chuẩn bị sang làm việc tại nước ngoài.

Các lao động đã trúng tuyển vẫn tiếp tục đúng quy trình và đợi ngày xuất cảnh, các lao động đang làm việc tại nước ngoài trực thuộc quản lý của doanh nghiệp phải được hỗ trợ như bình thường cho đến khi hết hợp đồng lao động về nước.

Thống kê cho thấy cả nước hiện có tổng cộng 296 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang hoạt động.

Quang Minh (th)