Từ ngày 1/7, mỗi lít xăng phải “cõng” thêm 1.000 đồng thuế môi trường nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, đạt mức kịch khung của thuế môi trường đối với xăng theo quy định hiện nay.

Trong một dự thảo vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất đồng loạt tăng thuế bảo vệ môi trường với nhiều mặt hàng, như xăng, dầu, mỡ nhờn, dầu nhờn… Riêng xăng, cơ quan này đề xuất tăng từ 3.000 đồng mỗi lít lên 4.000 đồng. Đây cũng là mức kịch khung của thuế môi trường với xăng theo quy định hiện nay. Còn dầu diesel, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thêm 500 đồng thuế. Còn lại, dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay, theo VnExpress.

Lý do được Bộ Tài chính lý giải khi đưa ra đề xuất tăng thuế xăng dầu là “thuế nhập khẩu giảm mạnh”, đồng thời giúp tăng thu gần 15.700 tỷ đồng mỗi năm.

Thuế nhập khẩu với xăng hiện áp dụng là 20% và với các loại dầu là 7%. Tuy nhiên, với các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, mức thuế ưu đãi sẽ về 10% với xăng và 0% với dầu. Theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách từ nhập khẩu xăng dầu đang liên tục giảm qua các năm khi một số nhà nhập khẩu chuyển sang nhập từ các thị trường có mức thuế ưu đãi.

Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng một năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng mỗi năm.

Nếu đề xuất của bộ Tài chính được thông qua, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng lên mức 57.300 tỷ đồng/năm. (Ảnh: Người Đưa Tin)

Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Cơ quan này dự kiến tăng biểu thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/7 nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Theo Bộ Tài chính, chi cho bảo vệ môi trường từ ngân sách tăng dần trong giai đoạn 2012-2016. Cụ thể, tổng chi cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng lập luận, việc tăng thuế môi trường sẽ góp phần giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và điều chỉnh mức thuế MFN (nguyên tắc tối huệ quốc) hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài ra xăng dầu là sản phẩm chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường (chì, lưu huỳnh, bezen…) ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nên việc tăng sắc thuế môi trường sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu thân thiện với môi trường như xăng sinh học E5.

Hoàng Kỳ