Vào khoảng 11h30 ngày 20/3, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một móng cầu, khiến 2 nhịp cầu bị sập xuống nước.
Anh Lượng, một người dân sống gần hiện trường kể lại trên báo Vnexpress: “Chúng tôi nghe tiếng ầm rất lớn từ phía sông, quay ra thì thấy một phần cầu đã đổ sập xuống nước. Có 2 người lóp ngóp dưới đó nhưng được cứu luôn rồi”.

Theo ông Đặng Mạnh Trung – một viên chức tỉnh Đồng Nai, sà lan chở vật liệu xây dựng được tàu kéo từ Sài Gòn lên Đồng Nai. Khi tới cầu Ghềnh, sà lan đã tông vào mố cầu số 2, kéo 2 nhịp bị gãy. Trong đó, nhịp số 2 rơi hẳn xuống sông Đồng Nai, còn nhịp số 3 vẫn còn một phần dính ở mố.

Ông Trung cho hay, lúc xảy ra sự cố, trên cầu có 3 người đi xe máy nhưng chưa rơi xuống sông. Còn 2 tài công sà lan và tàu kéo bị rơi xuống nước nhưng được người dân cứu, tuy nhiên, cả 2 người này đang bỏ trốn.



Cầu Ghềnh là cầu nối giữa đường bộ và đường sắt, có đường ray xe lửa chạy giữa cầu nên nhịp cầu bị sập làm cho các thanh sắt, đường ray xe lửa bị bật văng, rơi xuống sông.

Sự cố đã khiến toàn bộ các đoàn tàu chạy hướng Sài Gòn – Hà Nội và ngược lại đều phải ngưng hành trình qua cầu Ghềnh khiến giao thông đường sắt bị gián đoạn. Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đã chọn phương án: lấy ga Biên Hòa là ga cuối của tuyến vận chuyển hành khách Bắc – Nam thay ga Sài Gòn, ga Hố Nai (huyện Trảng Bom) sẽ hỗ trợ ga Biên Hòa.
Ông Đỗ Quang Văn – Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, trong ngày 20/3, có khoảng 1.500 hành khách xuất phát từ ga Sài Gòn. Trong buổi trưa cùng ngày, Trung tâm vận tải hành khách công cộng và Sở GTVT đã cho một số xe khách đưa khoảng 350 hành khách xuống ga Biên Hòa, sau đó sẽ tiếp tục lên tàu đi theo lịch trình. Đồng thời, những xe này sẽ đưa khách từ Biên Hòa về Sài Gòn.

Theo ông Văn, ga Sài Gòn vẫn bán vé bình thường, đến giờ sẽ có xe buýt đưa hành khách xuống ga Biên Hòa rồi lên tàu đi tiếp. Tuy nhiên, thời gian có thể trễ hơn bình thường ít nhiều. Nếu hành khách không có nhu cầu đi tàu nữa có thể trả lại vé, không mất phí.

Trong thời gian này, ngành đường sắt tiếp tục thực hiện phương án trung chuyển hành khách bằng xe khách. Hiện, sự cố tại cầu vẫn đang tiếp tục được khắc phục.
Hòa An tổng hợp
Xem thêm:
- Thuốc nổ gây ra vụ nổ lớn ở Hà Đông là loại thường dùng để chế tạo bom
- Mỗi người Việt đang “gánh” 23 triệu đồng tiền nợ công
- Bước tiến mới: Đại Kỷ Nguyên Hồng Kông chính thức phát hành thu phí