Mục lục bài viết
Nhân và quả, mối quan hệ giữa hai bên rốt cuộc là gì? Chính là mối quan hệ cân bằng lẫn nhau.
Chúng ta có thể lý giải từ một góc độ khác, nhân và quả chính là âm và dương. Có ngày thì chắc chắn sẽ phải có đêm. Nếu có một mùa đông lạnh giá, nhất định sẽ có một mùa xuân ấm áp. Hai cái này đều là bổ sung và ảnh hưởng lẫn nhau.
Ngoài sự cân bằng, nhân quả còn có quy luật “bảo tồn” nữa. Nói cách khác, một người bình thường đã làm việc gì thì sẽ nhận được kết quả đó. Kết quả này dù tốt hay xấu đều do các bên liên quan chịu trách nhiệm.
Nếu gieo nhân lành thì ắt sẽ được quả lành, còn gieo nhân ác thì cuối cùng cũng chỉ có thể nhận lấy quả ác mà thôi. Cái gọi là “mùa xuân gieo một hạt kê, mùa thu thu lại vạn hạt” chính là đạo lý này. Bản thân “xuân gieo thu gặt” tự nó chính là nhân quả.
Con người càng lớn tuổi càng không được cho phép mình phạm sai lầm. Chỉ cần đi sai một bước, kết quả sau đó đều nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, chứ đừng nói đến gánh chịu hậu quả.
Khi ở tuổi 50, nếu chúng ta có những hành động này, sẽ bị báo ứng vào năm 60 tuổi, vậy nên phải hết sức cẩn thận.
1. 50 tuổi không hiếu thuận với cha mẹ, 60 tuổi sẽ bị con cái bỏ rơi

Cái gọi là “người hiếu thuận sẽ sinh con hiếu thuận, người ngỗ nghịch sẽ sinh con ngỗ nghịch”.
Nếu bạn là một đứa con hiếu thuận, thế thì con cháu của bạn sẽ không kém đi đâu được. Ngược lại, nếu bạn là đứa con bất hiếu, nói không chừng bạn cũng sẽ bị con cái bỏ rơi khi về già.
Có những người trung niên, khi ở tuổi 50, liền không tôn trọng cha mẹ già, thậm chí còn gây khó dễ cho họ. Hành vi này của bạn sẽ tiêm nhiễm vào đầu con cái, về sau chúng cũng sẽ áp dụng một bộ những thứ này với chính bạn.
Một người khi đã bước vào tuổi trung niên, sức khỏe và tinh lực không còn tốt như trước nữa, lúc này họ muốn được sống những ngày tháng an yên, vui vẻ lúc tuổi già. Nhưng điều không ngờ là, những năm cuối đời, người cản trở sự ổn định của họ không phải người ngoài mà chính là con cái của họ.
Lúc này họ sẽ kết tội con cái bất hiếu thế này thế nọ, nhưng họ lại quên mất một điều rằng, ngày trước chính họ cũng từng đối xử với cha mẹ mình y chang, vậy thì giờ sao có thể đòi hỏi con cái phải hiếu thuận với họ đây?
2. 50 tuổi dính phải nợ nần, 60 tuổi sẽ gặp xui xẻo lớn
Đối với những người trung niên trên 50 tuổi, có một đề nghị với bạn thế này: Đừng tùy tiện gánh các khoản nợ dài hạn.
Có những người trung niên không hiểu, rằng con cái cần phải mua nhà để kết hôn, thân là cha mẹ giúp chúng gánh một khoản nợ nhất định, điều đó không ổn sao? Chỉ có thể nói, mỗi người đều có lựa chọn của mình, còn kết quả thế nào thì tự mình gánh lấy. Nhưng có một sự thật chắc chắn rằng, khi đã bước vào tuổi trung niên mà còn cõng trên lưng khoản nợ lớn, cũng bằng như đẩy gia đình vào cảnh bi kịch.Tôi từng chứng kiến một người đàn ông trung niên khi gần 50 tuổi gánh trên lưng khoản nợ 600 triệu. Một ngày khi sắp nghỉ hưu, ông đột nhiên ngã bệnh, bởi trong nhà không có tiền, thành ra vì để xoay sở được tiền nhập viện, phải thế chấp ngôi nhà.
Khi đã bước sang tuổi 50, tốt nhất là bạn nên sống một cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản và thoải mái. Những thứ khác không cần phải gánh vác quá nhiều để tránh những tai ách không cần thiết.
3, 50 tuổi vắt kiệt thân xác, 60 tuổi chỉ có bệnh nằm một chỗ

Hơn mười năm trước, Vu Quyên, một cô giáo tại Đại học Phục Đán, Trung Quốc, đã qua đời. Trong cuốn sách “Những chuyện dở dang trong kiếp này”, cô thở dài rằng việc vắt kiệt thân xác để chạy theo danh lợi tiền tài quả thật là vô nghĩa.
Nữ giáo viên này cho biết, khi còn sức khỏe cô đã làm việc cật lực để có được công danh. Về sau, cô bị ung thư và vô phương cứu chữa, lúc đó cô mới cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên, trên đời lại không có thuốc hối hận.
Về sức khỏe, chúng ta cần phải có một nhận thức chung, đó chính là không thể vắt kiệt. Lúc cần phải nghỉ ngơi thì thì hãy nghỉ ngơi, đừng cố gồng mình để làm cho cố, bởi số tiền mà chúng ta kiếm được không đủ để chi trả cho các khoản điều trị y tế.
Nói một cách phũ phàng, một người trung niên phổ thông dù có làm việc chăm chỉ đến đâu, nếu không có nguồn lực, thì thu nhập hàng tháng của anh ta chẳng qua chỉ vài ba chục triệu. So với các khoản chi phí điều trị y tế lên tới con số hàng chục, hàng trăm triệu thì nó chẳng thấm vào đâu. Với những ai đã từng nhập viện sẽ cảm nhận điều này một cách sâu sắc.
Vậy nên, giữ gìn sức khỏe không chỉ vì lo nghĩ cho sức khỏe trong những năm cuối đời của bạn, mà còn vì tiền bạc của gia đình bạn nữa. Trong năm nay, chỉ cần bạn có sức khỏe tốt, không phải đến bệnh viện điều trị bệnh, được vậy thì bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền cho gia đình rồi.
Dưỡng thành lối sống lành mạnh, kết hợp chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến bạn thu được rất nhiều lợi ích.
4, 50 tuổi làm tổn thương người nhà, 60 tuổi sẽ cô độc đến cuối cuộc đời
Người trên 50 tuổi, tính khí ngày càng thất thường, đặc biệt rất dễ nổi nóng. Vì để phát tiết cơn nóng giận, họ thường sẽ tìm một mục tiêu, hoặc người thân trong nhà để trút giận.
Ban ngày, người trung niên vất vả ở ngoài kiếm tiền. Buổi tối, khi về đến nhà, họ thường sẽ trút cơn nóng giận lên người nhà, làm tổn thương bạn đời và để lại ấn tượng xấu cho con cái.
Khi này, sức khỏe bản thân còn tốt, không cần người khác giúp đỡ, tự nhiên muốn mắng chửi ai thì mắng. Tuy nhiên, thuận theo tuổi tác tăng dần, sức khỏe sụt giảm, lẽ nào chúng ta lại không cần đến sự hỗ trợ của người nhà hay sao? Chắc chắn là cần. Nếu đã như vậy, tại sao chúng ta lại làm tổn thương người nhà của mình?
Chớ cảm thấy rằng, nếu bạn làm tổn thương vợ con, thì mối quan hệ vẫn không thay đổi. Tổn thương một lần, có lẽ mối quan hệ vẫn như trước đây. Nhưng nếu tổn thương lần thứ hai, lần thứ ba thì mối quan hệ sẽ rạn nứt, còn như vẫn tiếp tục, thì mối quan hệ gia đình sẽ kết thúc luôn. Nếu đã như vậy, thử hỏi ta có thể không chú ý sao?.
Đối với người nhà, nếu không ngại thì hãy chân thành đối đãi, chứ đừng làm tổn thương. Bạn phải biết rằng tất cả những tổn hại đối với người nhà, đến cuối cùng đều sẽ quay lại với bạn, và đó là điều không thể tránh khỏi.
Theo Aboluowang
Vũ Dương biên dịch