Theo kết quả điều tra, doanh nghiệp Việt Nam tăng nhanh về số lượng nhưng quy mô ngày càng nhỏ đi.

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ngày 19/9 công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017. Theo đó, năm ngoái Việt Nam có tổng cộng 517.900 doanh nghiệp, tăng 51,6% so với năm 2012 .

Đáng chú ý, số doanh nghiệp lớn chỉ có 10.000 đơn vị, chiếm tỷ lệ 1,9% trong tổng số, trong khi số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm 98,1%.

Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày tăng nhanh cho thấy quy mô của doanh nghiệp Việt ngày càng teo tóp.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã phản ánh nhiều điểm hạn chế đối với khu vực doanh nghiệp, bao gồm xu hướng nhỏ dần về quy mô lao động bình quân/doanh nghiệp, sự manh mún của cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể.

Trong năm 2017, có đến gần 60% doanh nghiệp không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều đó cho thấy hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng cho rằng xu hướng hiện nay là quy mô doanh nghiệp đang nhỏ đi khi ứng dụng được khoa học công nghệ. Đặc biệt là trong tiến trình tiếp cận với Cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp được thành lập không cần nhiều đến lực lượng lao động. Đây là xu hướng chung của toàn cầu khi sử dụng máy móc, thiết bị thay thế lao động.

Tuy nhiên, bàn về lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, đại diện Vụ Thống kê công nghiệp cho rằng, với tốc độ bình quân số doanh nghiệp thành lập mới như hiện nay, Việt Nam rất khó đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Cụ thể, trong 2 năm 2016-2017, trung bình mỗi năm Việt Nam có 120.000 doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trung bình 4 năm tới, mỗi năm phải có thêm 130.000 doanh nghiệp thành lập mới và phải thực sự “sống khỏe”.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm 18,4% và lao động giảm 23,1% so với 2012. Trong giai đoạn 2012-2017, bình quân mỗi năm, khối doanh nghiệp nhà nước giảm 4% về số lượng doanh nghiệp và 5,1% về số lao động. Điều này cho thấy quá trình thực hiện cổ phần hóa vẫn còn khá chậm.

Số lượng doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 0,5% tổng số doanh nghiệp, nhưng sử dụng tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ doanh nghiệp. Xét về cơ cấu, vốn của doanh nghiệp nhà nước chủ yếu đi vay. Vốn chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 23,2%, trong khi tỷ lệ này của doanh nghiệp tư nhân là 30,7% và doanh nghiệp FDI là 39,6%.

Đáng chú ý, dù có vốn bình quân cao nhất với 3.000 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao gấp 97,5 lần doanh nghiệp tư nhân và 8,3 lần so với doanh nghiệp FDI, hiệu suất sinh lời trên tài sản năm 2016 của doanh nghiệp nhà nước lại có sự giảm sút, đạt 2,6%, thấp hơn mức 3,2% của năm 2011.

Đối với doanh nghiệp FDI, số lượng doanh nghiệp tăng tới 54% và lao động tăng tới 62,8% so với năm 2012. Kết quả này cho thấy, doanh nghiệp FDI thu hút nhiều lao động nhất trong 5 năm qua. Khu vực doanh nghiệp này cũng có doanh thu thuần tăng mạnh tới 134,5% so với năm 2011, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần.

Riêng năm 2016, lợi nhuận của các doanh nghiệp FDI là 327.400 tỷ đồng (chiếm gần 46% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp). Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp này thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250.900 tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010-2016.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đại diện Vụ Thống kê công nghiệp, là do chính sách thuế khác nhau trong các ngành kinh doanh. Các doanh nghiệp trong nước sử dụng lao động phổ thông nên thuế cao, trong khi khu vực FDI hoạt động trong các ngành áp dụng công nghệ cao được ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp này còn được miễn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nên số lượng đóng góp cho ngân sách nhà nước càng giảm hơn.

Nguyễn Trang (Tổng hợp)