Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 17/5 xin gửi đến quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Việt Nam đấu thầu quốc tế 8 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam

Quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2019.

Sáng 17/5, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Hội nghị thu hút 300 đại diện bộ ngành, địa phương và khoảng 100 nhà đầu tư trong nước, 50 nhà đầu tư quốc tế từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, theo VnExpress.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, Quốc hội đã có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017 – 2020. Trước mắt, Việt Nam sẽ đầu tư 11 dự án với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, thành, gồm 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, 8 dự án theo hình thức đối tác công – tư, hợp đồng BOT.

Chính phủ ưu tiên dự án cao tốc Bắc – Nam. (Ảnh: Dân Trí).

Báo Dân Trí đưa tin, ông Nguyễn Viết Huy – Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) – cho biết, hiện Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của 11 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông với tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Trong đó, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông là dự án nhóm A. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Ông Huy cho hay, quy trình đấu thầu quốc tế trải qua 2 bước: Thứ nhất, sơ tuyển quốc tế trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt. Thứ hai, tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình.

Theo ông Huy cũng,  hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã bán ra 80 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư, với nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc..; có dự án nhận được sự quan tâm của 13 nhà đầu tư. Trong 2 tháng tới, có thể nhiều nhà đầu tư khác sẽ tham gia.

(xem thêm)

Động đất 3,2 độ richter sát biên giới Việt Nam – Lào

Vị trí xảy ra trận động đất được xác định nằm sát biên giới Việt Nam – Lào thuộc khu vực xã Chung Chải, huyện Mường Nhé và nằm trên vết đứt gãy Điện Biên – Lai Châu.

Theo báo Tiền Phong, ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm quan sát động đất thành phố Điện Biên Phủ cho biết, trận động đất xảy ra vào lúc 23 giờ 37 phút 30 giây tối 16/5.

Tâm chấn của trận động đất được xác định tại tọa độ: 22,209 độ Vĩ Bắc, 102,378 độ Kinh Đông; độ sâu chấn tiêu là 15,7km, cường độ mạnh 3,2 độ richter, dư chấn kéo dài trong khoảng từ 3 đến 4 giây.

Tâm chấn động đất ở xã Chung Chải, huyện Mường Nhé và nằm trên vết đứt gãy Điện Biên. (Ảnh: TPO).

Vị trí xảy ra trận động đất được xác định nằm sát biên giới Việt Nam – Lào thuộc khu vực xã Chung Chải, huyện Mường Nhé và nằm trên vết đứt gãy Điện Biên – Lai Châu.

Cũng theo Trạm Quan sát động đất thành phố Điện Biên Phủ, với cường độ và thời gian rung lắc của trận động đất này người dân ở khu vực huyện Mường Nhé cảm nhận rất rõ các dư chấn. Tuy nhiên, động đất không gây ảnh hưởng nhiều đến các công trình nhà cửa, công trình xây dựng công cộng trên địa bàn.

Được biết, đây là trận động đất đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong năm 2019. Trong năm 2018 tại địa phương này đã xảy ra chín trận động đất với các cấp độ khác nhau, chủ yếu ở các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé, Điện Biên.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chốt phương án điều chỉnh giờ làm việc

Sau gần 20 ngày công bố tờ trình dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012, ngày 16/5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã điều chỉnh lại nội dung đề xuất về giờ làm việc.

Trao đổi với báo Lao Động, ngày 17/5, ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội) cho biết: “Bộ đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của người dân và các địa phương về đề xuất giờ làm việc nên đã tiếp thu. Trước đây, Chính phủ quy định giờ làm việc thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Bây giờ, chúng ta tiếp thu ý kiến thì quy định giờ làm việc có sự thống nhất tương đối, linh hoạt hơn đối với các thành phố lớn. Bên cạnh đó, quy định giờ làm việc ở các địa phương khác cần có những tính toán về địa lý, khí hậu…”.

“Đó là câu chuyện Nghị định trong tương lai chứ không phải thay đổi của dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi. Dự thảo công bố và bây giờ vẫn vậy”, ông Bình nhấn mạnh.

Ảnh minh họa.

Cụ thể theo báo VnExpress, phương án một của tờ trình được sửa lại như sau: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. 

(xem thêm)

Phát hiện quả bom dưới lòng suối ở Điện Biên

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên và UBND xã Pom Lót (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đang lên phương án di dời và hủy nổ quả bom vừa phát hiện ngày 15/5 tại khu vực suối Nậm Núa, địa phận bản Pom Lót, xã Pom Lót, theo TTXVN.

Sáng ngày 15/5, người dân bản Pom Lót, xã Pom Lót đi bắt cá tại khu vực suối Nậm Núa, gần cầu Pá Nậm (thuộc Quốc lộ 279, địa phận bản Pom Lót, xã Pom Lót) thì phát hiện quả bom. Qua xác minh, quả bom dài 1,2m, đường kính 40cm, bị ném xuống trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên đã cùng chính quyền xã Pom Lót tiến hành quây khu vực phát hiện quả bom và đặt biển cảnh báo nguy hiểm, canh gác nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

UBND xã đã cử anh em lực lượng dân quân tự vệ xuống trực 24/24 để cảnh báo cho người dân về tính nguy hiểm của quả bom; kiến nghị với UBND huyện cũng như Ban CHQS huyện Điện Biên sớm phối hợp với các cơ quan ban ngành để mang quả bom hủy.

Theo kế hoạch, ngày 19/5, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Điện Biên sẽ tiến hành đào và và đưa quả bom đi hủy nổ ở địa phận xã Mường Nhà, huyện Điện Biên.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều may mắn và yêu thương!

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News

Xem thêm: