Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 9/11 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Sau 20 viên kim cương, Cần Thơ trả tiếp 70 triệu đồng tiền phạt cho chủ tiệm vàng Thảo Lực

Ngày 9/11, Báo Dân Trí thông tin, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã ký quyết định huỷ bỏ một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước đó đối Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều).

Theo ông Nam, “đơn đề nghị nhận lại tài sản” ngày 3/11 của ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng); xác minh của Công an TP. Cần Thơ và ý kiến của Sở Tư pháp là căn cứ để chính quyền TP xem xét không xử phạt và trả lại tài sản.

Ông Lê Hồng Lực – chủ tiệm vàng Thảo Lực. (Ảnh: Dân Trí)

Theo Báo Người Lao Động, tiệm vàng Thảo Lực được huỷ bỏ hình thức xử phạt 70 triệu đồng đối với hành vi “kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ”. Đồng thời, huỷ bỏ hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu 20 viên cương và 19.910 viên hột đá. Tổng mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính áp dụng với tiệm vàng này cũng giảm từ 295 triệu đồng thành 225 triệu đồng.

Do tiệm vàng Thảo Lực đã từng đóng đủ 295 triệu đồng nên sẽ được trả lại 70 triệu tiền phạt cùng số kim cương, hột đá nói trên.

Cận cảnh mẫu sedan VinFast LUX A2.0 vừa về tới Việt Nam

Báo Thể Thao 247 cho biết, chiều nay 9/11, chiếc xe VinFast đầu tiên đã bất ngờ được đưa về Việt Nam, thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Chiếc xe VinFast đầu tiên được đưa về là mẫu sedan LUX SA2.0, chiếc xe được vận chuyển bằng container và chính thức lộ diện tại khu vực Vinhome Riverside, Long Biên, Hà Nội. Ngay lập tức, chiếc xe đã thu hút sự chú ý của hầu hết người dân xung quanh.

chiếc SUV của VinFast là Lux SA2.0 xuất hiện đã thu hút rất nhiều sự chú ý của người dân Việt Nam. (Ảnh: Autopro)

Theo một số nguồn tin cho biết, đây chính là chiếc xe mẫu đã từng được trưng bày tại Paris Motor Show hồi đầu tháng 10 vừa qua. (Xem chi tiết)

Hà Nội thu phí vào nội thành với ôtô, bỏ qua xe máy

Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của TP. Hà Nội xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030”.

Báo Tiền Phong dẫn lời giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Hà Nội không thu phí vào nội thành đối với xe máy. Bởi đến năm 2030, TP sẽ dừng xe máy từ vành đai 3 trở vào.

Theo đó, TP dự kiến thu phí với ôtô nhưng sẽ phân ra đối tượng có phạm vi mức độ khí thải gây ô nhiễm, phạm vi thu phí ở khu vực nào.

Ông Viện cho biết, việc tổ chức thu phí phân theo vùng nhằm đảm bảo sự đi lại cho nhân dân trong nội đô và kết nối với các tỉnh, thành lân cận.

Theo Báo Dân Trí, Hà Nội đặt mục tiêu thu phí phương tiện vào nội đô không phải để tăng thu ngân sách mà để người dân lựa chọn tuyến đường đi hợp lý, vừa đảm bảo nhu cầu đi lại và yêu cầu tổ chức giao thông của TP. (Xem thêm)

Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM yêu cầu hủy quyết định miễn nhiệm

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ông Trần Quang Nam – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp tới UBND thành phố, yêu cầu hủy bỏ quyết định miễn nhiệm của Hội đồng quản trị (HĐQT) nhà trường.

Theo ông Nam, quyết định miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng với ông tại cuộc họp ngày 30/10 là không đúng quy định và trái luật. Các điều lệ đưa ra chỉ quy định trình tự, thủ tục và thẩm quyền không công nhận hiệu trưởng đại học tư thục; không có quy định nào liên quan đến việc miễn nhiệm hiệu trưởng (miễn nhiệm chỉ áp dụng tại đại học công lập).

Mặt khác, những lý do HĐQT nêu ra tại cuộc họp là không có căn cứ. Bởi trong tờ trình ngày 27/1/2016 gửi UBND TP.HCM và Sở GD&ĐT TP. HCM đề nghị công nhận hiệu trường, HĐQT đã thừa nhận ông Nam tốt nghiệp học vị tiến sĩ tại Trường Business School Lausanne (Thụy Sĩ).

Ông Nam hoàn thành chương trình tiến sĩ và được cấp bằng vào tháng 9/2007 – trước khi Bộ Giáo dục ban hành quy định về “trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp”, nên không thể nói ông chưa đạt đủ điều kiện “hiệu trưởng trường đại học phải có trình độ tiến sĩ”, theo Báo Người Lao Động.

Ngoài ra, việc quy kết ông “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý” là vô căn cứ. Lý do là Phó chủ tịch HĐQT thường nhân danh HĐQT để điều hành hoạt động, trong khi Luật Giáo dục đại học và các điều lệ không quy định chức năng, quyền hạn của “Thường trực HĐQT”.

Ông Nam cũng trình bày rằng, việc HĐQT tổ chức cuộc họp bất thường nhằm ‘đấu tố’ vắng mặt hiệu trưởng là không đảm bảo các quy định của pháp luật, là điều không nên làm trong giáo dục.

Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP. HCM cũng đưa ra nhiều sai phạm khác như bổ nhiệm phó hiệu trưởng khi không có đề nghị của hiệu trưởng; HĐQT hiện có 8 người, không đảm bảo quy định phải có số lượng thành viên là số lẻ (ít nhất 7 thành viên); Phó chủ tịch HĐQT bị nghi nhiều lần chiếm dụng con dấu cản trở hoạt động điều hành của hiệu trưởng…

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV

Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News