Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 26/8 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

Bộ GD-ĐT vào cuộc xác minh cách đánh vần lạ cho học sinh lớp 1

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một cô giáo hướng dẫn cách dạy con lớp 1 đánh vần “lạ” khiến nhiều phụ huynh hoang mang khó hiểu. 

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Ngày 26/8, liên quan đến sự việc trên, ông Tạ Ngọc Trí – Phó vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Vụ sẽ vào cuộc xác minh clip được đăng tải trên mạng xã hội, theo VTCnews.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, đây cũng không phải chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD-ĐT đang xác minh và sẽ sớm có thông tin về việc này.

Trong đoạn clip được phụ huynh ghi lại, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết trong từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách đánh vần này vẫn khiến các bậc phụ huynh thấy “ngờ ngợ” và có vẻ khác thường.

Cụ thể, theo nội dung clip được chia sẻ, giáo viên này đang đứng trên bục giảng, hướng dẫn các vị phụ huynh dạy con em mình đánh vần các từ “k”, “qu” theo chương trình mới đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”.

Chỉ ngay sau khi được đăng tải vài giờ, đoạn clip ngay lập tức gây xôn xao dư luận, thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều ý kiến bày tỏ sự hoang mang và lo ngại không biết đây thực sự có phải là chương trình giáo dục mới được áp dụng không.

Nhiều phụ huynh vô cùng hoang mang. (Ảnh chụp Facebook).

Một người dùng Facebook tên là Nguyen Hoa bày tỏ sự hoang mang:” Tại sao âm k đọc thành cờ vậy làm sao học sinh viết đúng chính tả đây trời vậy hai chữ này chỉ dùng một chữ đúng là ca còn ka không có nghĩa gì hết”

Nhiều phụ huynh vô cùng hoang mang. (Ảnh chụp Facebook).

Theo Vietnamnet thông tin, bài giảng trong clip trên là cách đánh vần theo chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, đây là chương trình được áp dụng ở nhiều trường học miền núi.

Quảng Trị cần hơn 500 phòng học, Quảng Ngãi thiếu trầm trọng giáo viên

Năm học mới tới gần nhưng cảnh thiếu phòng học, không có giáo viên đứng lớp đang là thực trạng đáng lo ngại ở nhiều huyện của tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi.

Huyện miền núi Quảng Ngãi thiếu giáo viên đứng lớp

Theo chủ trương của ngành Giáo dục, từ năm học 2018 – 2019, các huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi không được ký hợp đồng lao động với giáo viên ngoài biên chế. Hậu quả, nhiều huyện miền núi của tỉnh này đang thiếu trầm trọng giáo viên đứng lớp, khi số giáo viên trong biên chế không đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy tại các điểm trường.

Theo Petrotimes, huyện Tây Trà có khoảng 5.900 học sinh ở 3 cấp học. Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy cần thêm 41 giáo viên ngoài biên chế (mầm non cần 16, Tiểu học 15 và Trung học cơ sở 10). Giờ không được phép ký hợp đồng với các giáo viên, huyện không biết phải giải quyết thế nào.

Tương tự, huyện Trà Bồng cũng gặp khó khi thiếu tới 47 giáo viên đứng lớp, trong đó có 8 giáo viên tiếng Anh và 5 giáo viên Tin học.

Quảng Trị cần hơn 500 phòng học, Quảng Ngãi thiếu trầm trọng giáo viên
Nếu không được phép ký hợp đồng để có thêm giáo viên, nhiều điểm trường bán trú sẽ phải giảm quy mô giảng dạy. (Ảnh: Petrotimes)

Ông Trần Minh Diệp, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng lo lắng, nếu không được ký hợp đồng để bổ sung số giáo viên còn thiếu thì buộc phải giảm quy mô bán trú để đưa giáo viên về các điểm trường còn thiếu.

“Làm vậy là đi ngược với chủ trương chung của ngành và sẽ kéo chất lượng giáo dục đi xuống. Tuy nhiên nếu không làm vậy, các điểm trường sẽ không có giáo viên đứng lớp”, ông Diệp băn khoăn.

Quảng Trị thiếu 560 phòng học

Không gặp khó khăn vì thiếu giáo viên như Quảng Ngãi nhưng Quảng Trị lại đang thiếu trầm trọng phòng học tại nhiều điểm trường. Năm học mới, học sinh ở vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới vẫn phải học trong các phòng học tạm.

Quảng Trị cần hơn 500 phòng học, Quảng Ngãi thiếu trầm trọng giáo viên
Quảng Trị vẫn đang thiếu 560 phòng học khi bước vào năm học 2018-2019. (Ảnh: Dân Trí)

Theo Báo Dân Trí, trong hè 2018, tỉnh Quảng trị đã xóa được 18 phòng học tạm. Đồng thời, sử dụng 74 tỷ đồng để sửa chữa trường, lớp, xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học… Tuy nhiên, tỉnh này vẫn đang còn thiếu hơn 560 phòng học, 733 phòng bộ môn, 252 phòng ở công vụ cho giáo viên, 253 nhà vệ sinh cho giáo viên và 236 nhà vệ sinh cho học sinh…

Không bắt buộc học sinh ở TP. HCM có đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học

Ngành Giáo dục TP. HCM đang vận động học sinh lớp 2 còn bộ sách giáo khoa lớp 1 sẽ tặng cho thư viện trường rồi chuyển đến các em có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết trên VnExpress, các trường không bắt buộc học sinh phải có đầy đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học. Phòng Giáo dục được yêu cầu mang sách đến tận nơi cho các em, đặc biệt ở các trường ngoại thành.

Những ngày vừa qua, phụ huynh khắp cả nước phải chạy đôn, chạy đáo mua sách giáo khoa. Sợ con không có sách để học, nhiều phụ huynh phải “đặt gạch” ở cửa hàng, tìm mua sách trên mạng hoặc mua tạm sách cũ cho con. Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở các vùng nông thôn, miền núi… mà ở ngay Hà Nội và TP. HCM.

Báo Tiền Phong đưa tin, tình trạng khan hiếm một số đầu sách năm nay diễn ra căng thẳng hơn những năm trước. Đặc biệt là các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 10, lớp 6.

Không bắt buộc học sinh ở TP. HCM có đủ sách giáo khoa ngay từ đầu năm học
Tình trạng khan hiếm sách giáo khoa xảy ra đối với các lớp đầu cấp. (Ảnh: Zing)

Ông Đỗ Thành Lâm – Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục tại TP. HCM cho biết, việc thiếu sách chỉ là cục bộ ở một số lớp đầu cấp, chủ yếu là lớp 1.

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–


Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News