Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 25/7 xin gửi tới quý độc giả những tin đáng chú ý sau:

“Nữ sinh bị cưa chân” thỏa ước mơ đỗ Đại học Luật TP. HCM với 24,5 điểm

Em Lê Thị Hà Vi (lớp 12A5, trường THCS&THPT Đông Du, tỉnh Đắk Lắk) không gục ngã khi bị cưa bỏ chân phải do sự tắc trách của bác sĩ tuyến huyện. Việc Hà Vi đỗ ĐH Luật TP. HCM là kết quả xứng đáng cho chuỗi ngày nỗ lực theo đuổi đam mê.

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Hà Vi lựa chọn khối C là tổ hợp đăng ký xét tuyển Đại học. Kết quả, em đã đạt số điểm 24,5 (chưa tính điểm cộng), trong đó: Ngữ văn 7,75 điểm, Lịch sử 9 điểm và Địa lý 7,75 điểm.

Sau khi có điểm, Hà Vi đã xuống TP. HCM dự thi phần thi năng lực của trường ĐH Luật TP. HCM. Và em đã tự tin vượt qua kỳ thi, chính thức trở thành tân sinh viên của ngôi trường nơi em mơ ước.

“Nữ sinh bị cưa chân” thỏa ước mơ đỗ Đại học Luật TP. HCM với 24,5 điểm
Hà Vi chính thức trở thành tân sinh viên trường ĐH Luật TP. HCM. (Ảnh: Dân Trí)

Địa lý là môn nữ sinh này yêu thích và học tốt nhất khi ngay từ lớp 11, em đã đoạt huy chương Bạc trong kỳ thi Olympic do Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức. Kết quả lần này khiến Vi chưa thực sự hài lòng.

Sắp tới, Vi sẽ xuống TP. HCM theo học, việc này cũng khiến cô bé lo lắng và trăn trở nhiều. Sau 2 năm tập luyện, em đã quen đi lại bằng chiếc chân giả nhưng vẫn mong sức khỏe của bản thân tốt hơn để có thể hoàn thành tốt chặng đường dài sắp tới.

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Sáng 25/7, bác sĩ Hoàng Công Lương xác nhận với Báo Lao Động về việc đã bị Sở Y tế Hoà Bình thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Bị thu hồi chứng chỉ, hàng ngày bác sĩ Lương vẫn đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình làm việc nhưng không trực tiếp điều trị.

Ông Đỗ Đình Vận – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết theo quy định thì khi bác sĩ Lương bị khởi tố, Sở Y tế sẽ tạm thu hồi Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bác sĩ Lương bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Vào năm 2017, khi cơ quan điều tra có quyết định khởi tố vụ án và bị can, bác sĩ Lương vẫn chưa bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Thời gian đó, Hoàng Công Lương vẫn công tác bình thường tại Đơn nguyên thận nhân tạo.

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại phiên xét xử sáng ngày 17/5. (Ảnh: Sức khỏe cộng đồng)

Luật sư Trần Hồng Phúc, bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương, cho biết không đưa ra ý kiến gì khi chưa tận mắt nhìn quyết định của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình.

Theo bà Phúc, khi bản án chưa có hiệu lực thì Hoàng Công Lương vẫn là một công dân bình thường. Với một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa thể xác định họ có tội hay không. Chỉ đến khi tòa án ra phán quyết cuối cùng thì mới có thể xác định chính xác họ phạm tội gì.

Người Việt ở Attapeu tạm an toàn sau sự cố vỡ đập thủy điện tại Lào

Đến trưa 25/7, 15 hộ người Việt sinh sống ở tỉnh Attapeu (Lào) đã tạm an toàn sau thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện Xe Pian-Xe NamNoy. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp như di dân để đảm bảo an toàn khi nước dâng nhanh.

Theo hãng thông tấn KPL (Lào), tỉnh Attapeu là vùng thiên tai khẩn cấp, chịu tác động trực tiếp từ thảm họa vỡ đập thủy điện Xep Pian-Xe NamNoy. Đây là khu vực có nhiều người Việt sang sinh sống, chủ yếu buôn bán, khai khoáng, chế biến gỗ…

Về tình hình người Việt tại Attapeu sau sự cố vỡ đập, sáng hôm nay (25/7) Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thông tin, hiện 15 hộ người Việt sống tại tỉnh Attapeu đều an toàn. Tuy nhiên, các hộ người Việt đều trong khu vực ngập, bị cô lập nên chưa thể xác minh danh tính từng người. Trong khi đó, phía Lào cũng chưa đưa ra số liệu gì.

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã lên phương án bảo hộ người Việt bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đập. Số điện thoại bảo hộ công dân tại Lào là 008562096106775 hoặc tại Việt Nam 0084981848484.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Nước mênh mông ở tỉnh Attapeu chỉ ít giờ sau sự cố vỡ đập. (Video: NBC)

Hiện, bà con người Việt ở Attapeu vẫn sống trong lo lắng và chuẩn bị tinh thần di dời đến nơi an toàn trong tình huống khẩn cấp.

Chủ cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ ở TP. HCM bị tuyên án 3 năm tù

Chiều 25/7, TAND quận 12 (TP. HCM) đã tuyên phạt Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh) 3 năm tù giam, 2 bảo mẫu khác nhận án treo. 

Sáng 25/7, Tòa án nhân dân quận 12 (TP. HCM) xét xử sơ thẩm vụ án 3 bảo mẫu Phạm Thị Mỹ Linh (44 tuổi), Nguyễn Thị Đào (24 tuổi) và Phạm Như Huỳnh (19 tuổi) về tội hành hạ người khác. Nạn nhân trong vụ án là hơn 24 trẻ được gửi tại cơ sở mầm non Mầm Xanh.

Chủ cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ ở TP. HCM bị tuyên án 3 năm tù
Phạm Thị Mỹ Linh – chủ cơ sở Mầm Xanh tại phiên tòa sáng 25/7. (Ảnh: Thanh Niên)

Theo cáo trạng, Phạm Thị Mỹ Linh tốt nghiệp cao đẳng ngành giáo dục mầm non và mở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP. HCM. Do số lượng trẻ gửi vào cơ sở ngày càng nhiều nên Linh thuê Nguyễn Thị Đào và Phạm Như Huỳnh về làm bảo mẫu, dù 2 người này không có trình độ.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, Linh, Huỳnh và Đào đã nhiều lần dùng các vật dụng như dao, roi, chai nhựa để doạ nạt và hành hạ trẻ.

Chủ cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ ở TP. HCM bị tuyên án 3 năm tù
(Ảnh: Thanh Niên)

Tại phiên tòa, Linh khai đánh đập 14 cháu, trong đó có cháu bị đánh nhiều lần, vào những ngày khác nhau. Chủ cơ sở Mầm Xanh cũng thừa nhận dùng bình nước, nắp nồi, dao gõ lên đầu và dùng tay chân để đánh các cháu.

Phạm Như Huỳnh khai nhận, nhằm mục đích “dằn mặt” các cháu nên dùng dao hăm dọa. Giải thích lý do cầm dao dí vào mặt các cháu bé, Huỳnh nói: “Khi đang nấu ăn thì phát hiện 2 bé cắn nhau nên bị cáo chạy lên xem, quên là mình đang cầm dao trên tay chứ không muốn xâm phạm các bé”.

Nguyễn Thị Đào khai nhận việc bạo hành các bé là làm theo yêu cầu của Linh.

Giữ quyền công tố tại phiên toà, đại diện VKS phát biểu quan điểm về vụ án cho rằng, Linh có vai trò chủ mưu, thường xuyên đánh các bé ở vùng trọng yếu.

Việc này lặp đi lặp lại hàng ngày nên Linh trở thành “gương” cho 2 nhân viên làm theo… Với quan điểm này, VKS đề nghị mức án dành cho Linh từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù.

Riêng Đào và Huỳnh cũng nhiều lần hành hạ các trẻ. Tuy nhiên, họ là người làm công ăn lương, ít hiểu biết pháp luật; trong đó Đào đang nuôi con nhỏ, còn Huỳnh phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi… nên chỉ cần áp dụng 1-2 năm tù treo.

Chủ cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ ở TP. HCM bị tuyên án 3 năm tù
Đông đảo người dân ngồi phía ngoài theo dõi phiên tòa qua màn hình.

Chiều cùng ngày, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở) 3 năm tù; Nguyễn Thị Đào nhận mức án 2 năm tù treo, với thời gian thử thách là 4 năm; Phạm Huỳnh Như nhận mức án 1 năm 6 tháng tù cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 3 năm. Ngoài ra, bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh còn phải bồi thường tiền cho các nạn nhân, theo Đời Sống & Pháp Lý.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một buổi chiều thư giãn!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News