Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 19/11 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Biển Đông sắp đón bão số 9 có cường độ và quỹ đạo khó lường

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 19/11, cơ quan dự báo quốc tế phát bản tin cảnh báo về áp thấp nhiệt đới mới hình thành phía Đông Nam Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới 15 m/s, gió giật 23 m/s (tương đương cấp 7-8, giật cấp 9).

Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km sau đó tăng tốc lên 20 km/h, đổi hướng sang Tây Tây Bắc và có khả năng mạnh lên thành bão.

Dự báo, đêm 21 rạng sáng 22/11, áp thấp nhiệt đới này sẽ vượt qua Philippines, tiến vào phía nam Biển Đông và chuyển hướng vào khu vực Nam Trung Bộ gần giống với hướng di chuyển của bão số 8 (bão Toraji).

Lúc này ở phía Bắc có một đợt không khí lạnh tăng cường mạnh nên hướng di chuyển của bão chủ yêu theo hướng giữa Tây và Tây Bắc, phạm vi ảnh hường từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

bien dong sap don bao so 9 co cuong do va quy dao kho luong
Ảnh mây vệ tinh áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, kết hợp không khí lạnh tăng cường nên khu vực này có mưa diện rộng. Đợt mưa kéo dài khoảng 2-3 ngày (từ đêm 22 đến ngày 24) với lượng nước phổ biển 150-200 mm.

(Xem thêm)

Gần 4.000 công nhân Hậu Lộc đình công vì cho rằng bữa ăn chưa đảm bảo

Báo Zing thông tin, sáng 19/11, gần 3.800 công nhân Công ty TNHH Ny Hoa Việt (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đến công ty nhưng không làm việc. Đây là ngày thứ 3 công nhân đình công để đòi quyền lợi.

Trước đó, vào khoảng 11h30 ngày 17/11, công nhân xuống nhà ăn sau ca làm việc. Tại đây, đa số công nhân cho rằng chất lượng bữa ăn chưa đảm bảo nên đồng loạt ngưng việc tập thể.

Khoảng 3.800 công nhân công ty may đình công nhiều ngày liền. (Ảnh: Phúc Ngư/Thanh Niên)

Các công nhân còn phản ánh nhiều vấn đề khác như công ty sử dụng quy định nghỉ phép năm và chấm công tại các xưởng chưa hợp lý.

(Xem chi tiết)

6 trường hợp không được bồi thường bảo hiểm tai nạn giao thông

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 và Điều 13 Nghị định 103/2008, chủ phương tiện ôtô, xe máy phải tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và sẽ nhận được bồi thường khi xảy ra tai nạn nếu không thuộc 6 trường hợp sau:

  1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại.
  2. Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
  3. Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe.
  4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
  5. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
  6. Chiến tranh, khủng bố, động đất.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Nghị định 103/2008, để được nhận tiền bảo hiểm cho phương tiện, bạn phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

  1. Tài liệu liên quan đến xe, lái xe.
  2. Các giấy tờ chứng minh thiệt hại về người và tài sản.
  3. Tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo hồ sơ để được hưởng bồi thường.

Ngoài ra, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Điều 4 Thông tư 126/2008/TT-BTC:

  • Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 50.000.000 đồng/1 người/1 vụ tai nạn.
  • Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 30.000.000 đồng/1 vụ tai nạn.
  • Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do ôtô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 50.000.000 đồng/1 vụ tai nạn.

Trục vớt chiếc thuyền chở 26 tấn axit clohydric chìm dưới sông Đồng Nai

VnExpress đưa tin, sáng 19/11, ông Trịnh Tuấn Liêm – Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai xác nhận, 26 tấn hóa chất chìm dưới sông Đồng Nai qua khu vực bến thủy nội địa Nhất Nam (phường An Bình, TP. Biên Hòa) đã được trục vớt.

Sự cố không gây rò rỉ hóa chất ra khu vực sông, môi trường xung quanh không bị ảnh hưởng.

Theo thuyền trưởng Nguyễn Văn Bé, khi sự cố xảy ra, Nhà máy hóa chất Biên Hòa đã điều xe chuyên dụng đến hút axit clohydric trong các bình nhựa loại 5.000 lít. Hiện, ông đang cho người trục vớt thuyền lên sửa chữa.

truc vot chiec thuyen cho 26 tan axit clohydric chim duoi song dong nai
Chiếc thuyền chở hàng tấn hóa chất tạm bợ, không khác gì một chiếc ghe đánh cá. (Ảnh: Người Lao Động)

Về nguyên nhân chìm tàu, ông Phan Văn Dũng (Công ty CP Nhất Nam) – đơn vị quản lý bến thủy nhận định, khả năng khi thủy triều xuống, thuyền viên không kịp xử lý khiến thuyền va vào đá gây thủng.

truc vot chiec thuyen cho 26 tan axit clohydric chim duoi song dong nai
Các thùng lớn đựng axit đã được trục vớt, rút hết hóa chất. (Ảnh: Người Lao Động)

(Xem thêm)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News