Chuyên mục ĐIỂM TIN CHIỀU ngày 14/10 xin gửi tới quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Trường mầm non ở Gia Lai đóng cửa 10 ngày để dập dịch tay chân miệng

Gần 300 học sinh của Trường Mầm non 1/5 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai, Gia Lai) phải nghỉ học 10 ngày để tránh sự lây lan của dịch tay chân miệng.

Báo Gia Lai đưa tin, từ ngày 12/10, toàn bộ học sinh Trường Mầm non 1/5 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) phải nghỉ học 10 ngày do dịch tay chân miệng lây lan nhanh.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 1/10, trường phát hiện 2 ca nhiễm đầu tiên với dấu hiệu sốt nhẹ và nổi mụn ở chân, tay. Các trường hợp này đã được báo cho phụ huynh và chuyển tới trạm y tế xã.

Ngoài ra, trường tiếp tục theo dõi, dọn vệ sinh và phun thuốc dập dịch nhưng số học sinh nhiễm bệnh vẫn liên tục tăng nhanh. Tính đến ngày 12/10, đã có 34/277 học sinh của trường mắc bệnh.

truong mam non o gia lai dong cua 10 ngay de dap dich tay chan mieng
Giáo viên nhà trường tổng vệ sinh trường lớp sau khi trường đóng cửa. (Ảnh: Tiền Phong)

Theo Vietnamnet, tại Phòng y tế huyện Ia Grai (Gia Lai), số ca bệnh tay chân miệng trên tăng mạnh. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, huyện có hơn 40 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Ia Yok.

Hiện tại, có 7 học sinh bị nhiễm bệnh nặng được khám tại Bệnh viện Binh đoàn 15; một em đang phải nằm điều trị nội trú với dấu hiệu sốt cao. Số ca mắc bệnh còn lại được hướng dẫn điều trị tại nhà.

(Xem chi tiết)

TP. HCM đặt kế hoạch giảm kẹt xe với 96.000 tỷ đồng trong 3 năm

Thành phố HCM đặt kế hoạch xây 49 cầu, làm 190 km đường bộ, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu… với tổng nguồn lực tập trung là hơn 96.000 tỷ đồng.

UBND TP. HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2020. Tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình là hơn 96.000 tỷ đồng, theo báo Zing.

Theo đó, từ đây đến năm 2020, TP. HCM dự kiến sẽ phấn đấu làm mới và đưa vào sử dụng gần 190 km đường bộ và 49 cây cầu. Khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đến năm 2020 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại. Số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông kéo giảm 5% mỗi năm.

Kẹt xe đang là vấn đề nan giải tại TP.HCM. (Ảnh: Nguoidothi)

Cụ thể, TP. HCM đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn. Ở giai đoạn đầu (đến hết năm 2018), TP. HCM sẽ làm mới và đưa vào sử dụng 33,5km đường bộ và 14 cây cầu; tăng mật độ đường giao thông lên 2,06km/km2; tỉ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,97% đất đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 9,6% nhu cầu giao thông; giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm trước đó.

Đồng thời, ở mỗi giai đoạn, TP. HCM đều đặt mục tiêu giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm trước đó.

(Xem chi tiết)

Website Ngân hàng Hợp tác xã VN bị tấn công, Hacker ra giá 100.000 USD

Hacker vừa tấn công website Ngân hàng Hợp tác xã VN và để lại thông báo sẽ bán 275.000 dữ liệu khách hàng với giá 100.000 USD ngay trên trang vào tối 13/10.

Cụ thể, vào tối 13/10, website Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã bị tấn công không thể truy cập được. Haker để lại dòng thông báo trên trang với nội dung:

“Trang web đã bị hack bởi Sogo Nakamoto. Tôi có toàn bộ cơ sở dữ liệu khách hàng sử dụng dịch vụ trực tuyến, WHM (Web Host Manager – PV) của ngân hàng. Bạn sẽ có thể kiểm soát toàn bộ 275.000 người dùng trực tuyến sử dụng ACH (Automated Clearing House) và  1,3 tỷ USD “,

Sau phần giới thiệu, kể tấn công ra giá  100.000 USD  cho 275.000 thông tin đầy đủ của người dùng và quyền kiểm soát trang web (WHM). Người mua buộc phải thanh toán bằng Bitcoin hoặc Bitcoin Cash trước, theo báo Zing.

Thông điệp rao bán dữ liệu người dùng mà kẻ tấn công để lại trên website Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. (Ảnh: Zing)

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức,chuyên gia an ninh mạng tại Mỹ chia sẻ, việc hacker tấn công vào một trang ngách đã đủ khẳng định hệ thống của ngân hàng đã có lỗ hổng. Khi đã có một lỗ hổng, sẽ có nhiều chuyện không lường trước được xảy ra. Tuy vậy thông điệp rao bán dữ liệu người dùng do hacker để lại chưa thể xác minh có thật hay không.

Cũng theo ông Đức, cách tấn công này khai thác lỗ hổng Xmlrpc.php đã có từ lâu của WordPress.

Điều này cho thấy Ngân hàng Hợp tác xã đang sử dụng chung nền tảng website thông thường mà không có giải pháp phát triển công cụ riêng. 

(Xem chi tiết)

Ngồi ở Sài Gòn vẫn mất nửa tỷ đồng từ cuộc điện thoại giả danh công an Đà Nẵng

Nghe thông báo có bưu phẩm chuyển đến và có giấy nhận tiền, bà Ánh từ chối vì không quen biết người gửi. Tuy nhiên, nhóm lừa đảo vẫn “cuỗm” được nửa tỷ của bà bằng chiêu giả danh số điện thoại công an Đà Nẵng, đòi chuyển tiền để xác minh tài khoản ngân hàng.

VnExpress đưa tin, đầu tháng 10, bà Ánh (59 tuổi, ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5) nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là nhân viên bưu điện, báo có bưu phẩm ngoài Đà Nẵng gửi vào kèm giấy nhận tiền. Lúc này, bà Ánh trả lời không giao dịch và cúp máy.

Ngay sau đó, một cuộc gọi khác liên lạc với bà. Lần này, người đàn ông nhận là trung úy Lê Thạnh Nam, công tác tại công an Đà Nẵng cho biết vừa bắt băng tội phạm, trong đó có kẻ khai đã chuyển tiền mua bán ma túy vào tài khoản của bà.

Nhớ lại cuộc gọi trước đó, bà Ánh khẳng định không liên quan, có sự nhầm lẫn. Tuy nhiên, người gọi điện đến tỏ vẻ nghiêm trọng. “Trung uý” doạ sẽ bắt bà để điều tra nếu không hợp tác.

Anh ta yêu cầu bà chuyển tất cả tiền của mình vào tài khoản an toàn của cơ quan điều tra. Sau khi xác minh nếu bà không liên quan sẽ được chuyển trả. Ngoài ra, bà không được nói với ai vì có thể làm lộ bí mật điều tra.

Tin lời kẻ gian, chiều cùng ngày bà đến 3 ngân hàng chuyển tổng cộng hơn 500 triệu đồng vào tài khoản được cung cấp. Sau nhiều ngày không thấy hồi âm từ “cảnh sát”, bà nghi mình bị lừa nên đã đi trình báo.

Qua xác minh, lực lượng xác định tài khoản nhận tiền của nạn nhân là Khưu Văn Khang và tiếp tục điều tra, xử lý.

Theo Infonet, liên tiếp trong các ngày 5 và 6/10, công an Đà Nẵng nhận hơn 20 cuộc điện thoại của người dân từ Hà Nội, TP. HCM, Ninh Bình, Quảng Ninh… phản ánh có người xưng là cán bộ đơn vị này thông báo việc họ đang bị điều tra, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản. Hiện có hơn 40 người trình báo, nhận là nạn nhân.

ngoi o sai gon van mat nua ty dong tu cuoc dien thoai gia danh cong an da nang
Chiêu trò lừa đảo giả danh số điện thoại công an để chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: VnExpress)

Các đối tượng đóng giả nhân viên bưu điện để liên hệ qua số máy bàn của nạn nhân, thông báo về việc nợ cước điện thoại, có bưu phẩm hoặc nợ tiền ngân hàng. Mục đích để lấy số điện thoại di động, thông tin cá nhân.

(Xem chi tiết)

Chuyên mục kính chúc quý độc giả một buổi chiều nhiều may mắn và yêu thương!

———–

DKN.TV
Quý độc giả có thể tải ứng dụng “DKN.TV” trên điện thoại di động để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News