Việt nam có 70% dân cư, tương đương khoảng 60 triệu người sống ở nông thôn, gắn bó nghề nông với thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn. Nhưng đối với nông dân ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, miền trung thì lại càng khó hơn, mặc dù họ rất cần cù, chăm chỉ, nhưng vẫn khó vươn lên làm giàu được. Đại Kỷ Nguyên đã làm một phóng sự ảnh nhỏ để tìm lời giải cho sự khó khăn này.
Nông nghiệp vùng trung du vẫn con trâu đi trước, cái cày theo sau
Trung du Bắc bộ, nơi còn nhiều rừng cọ đồi chè, nắng chói sông Lô, trong tiềm thức người Việt Nam là một vùng quê trù phú. Đến nay kinh tế đã khá hơn, nhưng thực sự người dân còn khá vất vả, sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn nhỏ lẻ, manh mún, người dân nơi đây chủ yếu sản xuất thủ công, với năng suất lao động rất thấp.
Đầu năm 2016, phóng viên Đại Kỷ Nguyên đã đến Phú Thọ tìm hiểu thực trạng đời sống người nông dân nơi đây.





Chăn nuôi vẫn theo mô hình tự nhiên như hàng ngàn năm trước




Vậy đâu là nguyên nhân nghèo khổ?
Người dân nơi đây quanh năm nghèo khó, nếu vụ mùa 2016 này có thuận lợi cũng chỉ giải quyết được cái ăn, chứ không giải quyết được cái nghèo. Theo tâm sự của người dân, gia đình ông Thanh được tính là khá giả trong thôn, có nhà xây mái bằng, sân xi măng, nhà 5 người, mẹ già và 2 con đang đi học. Hai vợ chồng là lao động chính, còn tất cả nhà đều tham gia lao động từ chăn trâu, cắt cỏ, nuôi lợn, nuôi gà, làm ruộng lúa, trồng ngô, khoai sắn, trồng chè, trồng bạch đàn… Lúa, ngô, khoai sắn thì để lại ăn, để nuôi lợn, gà, còn các sản phẩm khác từ nông nghiệp mỗi năm bán được khoảng 80 triệu đồng, trừ vốn mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu…, thì lãi khoảng 60 triệu. Chia 5 người được thu nhập bình quân 12 triệu/người, tương đương 1 triệu đồng/tháng. Nếu khỏe mạnh không có ốm đau thì cũng đủ sống, cuộc sống như vậy được tính là hạng cao của thôn rồi. Hai năm nữa đứa lớn của anh Thanh học xong phổ thông, nếu thi đỗ đại học thì sẽ về Hà Nội học, lúc đó rất khó khăn về kinh tế. Ở làng số lượng người đi học đại học, học cao đẳng nghề rất ít, chủ yếu đi lao động ở miền Nam và đi xuất khẩu lao động. Nói chung là nông dân không có tiền để đầu tư cho con của họ học nghề đến nơi đến chốn được, vì vậy tương lai vẫn khó thoát đói nghèo.
Chúng ta không nên đổ cho hoàn cảnh tự nhiên, vì trung du, đồi cao, rừng núi điều kiện canh tác khó khăn nên nghèo. Nhiều nước châu Á, cũng hoàn cảnh điều kiện tương tự nhưng có mức sống gấp mấy chục lần ở Việt Nam.
Vấn đề ở đây là năng suất lao động quá thấp, do công cụ lao động bằng cày, bừa, cuốc, dao quắm, liềm… là những công cụ lao động mà trên thế giới chỉ còn ở các bảo tàng dân tộc. Sức lao động bằng trâu và sức người, chưa áp dụng cơ giới, máy móc.
Thứ hai là, chia đất nông nghiệp theo kiểu công bằng thời bao cấp, nên mỗi hộ có hàng chục mảnh đất các loại, ở các vị trí khác nhau; khiến cho ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ, rất khó áp dụng máy móc và đầu tư thâm canh lớn.
Tư tưởng tự cấp tự túc, chưa hướng đến sản xuất hàng hóa; chưa tập trung thâm canh; khó khăn trong vốn đầu tư để phát triển sản suất… cũng là những lý do làm cho năng suất thấp, thu nhập thấp, dẫn đến nghèo khó.
Năm 2016 nếu nông nghiệp vùng trung du Việt Nam bước vào Cộng đồng ASEAN với cung cách làm ăn thế này, với công cụ lao động thế này, với trâu cày và sức người thế này thì sẽ rất khó cạnh tranh và hội nhập.
Thành Long
Xem thêm:
- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Độc quyền làm trì trệ nền kinh tế
- Hoa hậu Thế giới 2015: Những người đẹp đến vì hòa bình của nhân loại