Đối với kế hoạch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), xưa nay giới quan sát hay bình luận “chống tham nhũng mất Đảng, không chống thì mất nước,” ý ở đây là tình trạng tham nhũng trong bộ máy ĐCSTQ đã rộng khắp, nếu chống triệt để thì chính quyền sẽ không còn; còn nếu không chống thì Trung Quốc sẽ tiêu vong. Ở đây thực ra chỉ đúng một nửa, lịch sử Trung Quốc hàng ngàn năm luôn thay đổi triều đại liên tục, chính quyền cũ mất chính quyền mới lại dựng lên, nhưng Trung Quốc thì vẫn còn đó, đời đời như thế.
Sau ba năm ông Tập Cận Bình nắm quyền đã dùng chính sách đả hổ chống tham nhũng để thanh trừng tập đoàn Giang Trạch Dân, nếu lúc đầu giới quan sát nhận định đây chỉ là “màn kịch”, “đổi thang không đổi thuốc”, thế nhưng cho đến nay không khó để thấy hành động chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình là hoàn toàn nghiêm túc.
Từ khi ông Tập Cận Bình xử lý ông Chu Vĩnh Khang, quy tắc “hình không tới Ủy viên Thường vụ” tồn tại trong nhiều thập niên trước đã phá bị bỏ, trò chơi trong nội bộ ĐCSTQ đã thay đổi. Từ quan sát tình hình có thể dễ dàng nhận thấy, trọng tâm trong cuộc quyết đấu sinh tử giữa phe cánh của ông Tập Cận Bình và tập đoàn Giang Trạch Dân là vì cái kiếp nạn mang tính hủy diệt xã hội Trung Quốc do tập đoàn Giang Trạch Dân gây ra trong quá trình bức hại Pháp Luân Công suốt 16 năm qua.
Đây không chỉ là vấn đề ông Tập Cận Bình không muốn bị mang tiếng oan vì hành vi tàn bạo trước đây của tập đoàn Giang Trạch Dân. Trước tội ác tày trời mổ cướp tạng sống của học viên Pháp Luân Công, bất cứ một con người có lương tri bình thường nào cũng có trách nhiệm và mong muốn kết thúc nó. Như báo Đại Kỷ Nguyên trước đây từng chỉ ra: “Trở thành người nắm quyền lực ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình phải gánh sứ mệnh trong bước chuyển mình lịch sử của dân tộc Trung Hoa. Hành động của ông Tập không thể tiếp tục như những lãnh đạo trước đây, có thể thấy nhất cử nhất động của ông Tập từ khi lên nắm quyền đều mang tính cứu nguy cho Trung Quốc.” Nhiều hành động cho thấy ông Tập Cận Bình đang phá bỏ những khuôn khổ cố hữu để đi theo con đường riêng của mình.
Khi ông Tập Cận Bình hạ ông Chu Vĩnh Khang, phe truyền thông của ông Giang Trạch Dân tại hải ngoại đã đua nhau đưa thông tin uy hiếp cho rằng “chống tham nhũng mà đánh vào Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là chạm vào cái gốc sinh tồn của ĐCSTQ.” Tuy điều này giống như tiếng kêu sợ hãi khi tập đoàn Giang Trạch Dân phải đối diện cục diện bị thanh trừng, nhưng thực tế ở đây phản ánh một sự thực: Trong cuộc quyết đấu giữa phe cánh ông Tập Cận Bình và tập đoàn Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đang đi về hướng bị giải thể.
Ngày nay, không chỉ ông Chu Vĩnh Khang ngã ngựa, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng ngã ngựa, hơn hết là kế hoạch chống tham nhũng đang đánh vào ông Tăng Khánh Hồng và hổ già cuối cùng là ông Giang Trạch Dân.
Nhân vật số hai của phái Giang Trạch Dân là cựu Phó Chủ tịch nước và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Tăng Khánh Hồng đã trở thành mục tiêu của ông Tập Cận Bình hiện nay, đây cũng là vấn đề đi ra ngoài khuôn khổ ứng xử trong nội bộ của ĐCSTQ trước đây. Những động tác thăm dò của ông Tập Cận Bình với ông Tăng Khánh Hồng đang được dư luận đặc biệt chú ý.
Bước thăm dò đầu tiên là vào tháng Hai năm nay, khi trên trang mạng của Ủy ban Kỷ luật Trung ương (UBKLTW) có bài viết ký tên Tập Hoa với tựa đề “Xử lý vấn đề tác phong của ‘lõa quan’ Tăng thân vương”. Bài viết được phổ biến rộng rãi, được giới quan sát cho rằng đây là cách mượn xưa nói nay nhằm ám chỉ ông Tăng Khánh Hồng. “Thời báo Kim Dung” (Financial Times) khi đó đã bình luận dường như UBKLTW ra hiệu ngầm chuẩn bị “đả hổ” ngay tại Trung Nam Hải.
Cách nói ám chỉ Tăng Khánh Hồng với giới vua chúa bằng từ “vương mũ sắt” (Thiết mạo tử vương, tước vị được đãi ngộ đặc biệt có nguồn gốc vào thời nhà Thanh) xuất hiện sớm nhất trên Nhân dân Nhật báo vào ngày 15/1/2015 với bài viết “Hủ bại không có ‘vương mũ sắt’, chống hủ bại không triệt để”. Trên trang “Tổ học tập” (học tập tiểu tổ) của Weixin từng tiết lộ, cụm từ “vương mũ sắt” là do đích thân ông Tập Cận Bình đưa ra. Nhà Xã hội học Hà Thanh Niên trong bài viết “Nhân dân Nhật báo dùng từ ‘vương mũ sắt’ để ám chỉ ai?” đã cho rằng, cách ám chỉ của Nhân dân Nhật báo chỉ có ông Tăng Khánh Hồng và ông Giang Trạch Dân là có đủ tư cách.
Bước thăm dò thứ hai với ông Tăng Khánh Hồng là vào ngày 16/11 vừa qua khi bút danh Tập Hoa lại có bài viết “Sau khi đánh hổ già, ngày tốt lành của Mã Vân đang ở phía sau” (Mã Vân hay Jack Ma là Chủ tịch Tập đoàn Alibaba). Bài báo nhắc đến vấn đề gần đây đã hạ hai “hổ trùm” ở Bắc Kinh và Thượng Hải và rồi lại tiếp tục nhấn mạnh lại “vương mũ sắt” như tín hiệu ám chỉ việc chống tham nhũng đang tiếp cận rất gần ông Tăng Khánh Hồng.
Sau bài báo trên trang mạng của UBKLTW ám chỉ ông Tăng Khánh Hồng vào hồi tháng Hai, vị thư ký của ông Tăng Khánh Hồng chuyên thay mặt trả lời phỏng vấn báo chí, khi đó đã lên tiếng bác bỏ thông tin thay cho ông Tăng Khánh Hồng với sự giận dữ cho rằng thông tin “khoa trương nhảm nhí”, “đặt chuyện cho có”…
Gần đây, trên Nhật báo Bắc Kinh có bài viết tổng kết những tư tưởng trị quốc của ông Tập Cận Bình từ sau Đại hội 18 đến nay gồm: Trung Quốc mộng, 100 năm, chiến lược đại phát triển, bốn toàn diện, và hiện đại hóa. Bên cạnh đó bài báo còn đề cập đến kế hoạch “đả hổ”, “diệt ruồi”, “săn cáo” của ông Tập Cận Bình nhận được sự hưởng ứng ủng hộ của đông đảo người dân, và nhấn mạnh “buông cung không thể thu tên”… Những ngôn từ tiếp tục là thông tin nhằm truyền đạt đến ông Tăng Khánh Hồng.
Phản ứng của ông Tăng Khánh Hồng từ ban đầu là giận dữ bác tin đồn nhảm đến nay là nhận tội và xin tha thứ (như một bài viết trên báo Cầu Thị trước một tuần khi ông Lệnh Kế Hoạch ngã ngựa). Có thể thấy ông Tăng Khánh Hồng đang bước từng bước đến gần nhà ngục Tần Thành.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: