Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch cho rằng nhiều bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp “sân sau”. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý nhà nước vừa “đá bóng, vừa thổi còi”.

Thảo luận ở hội trường về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa sáng nay (28/5), đại biểu Leo Thị Lịch đoàn Bắc Giang đã đề cập đến tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ.

Theo bà Lịch, việc các bộ, ngành không muốn buông bỏ doanh nghiệp vốn được coi là “sân sau” dẫn đến tình trạng không khách quan trong việc xây dựng chính sách, nhất là chính sách đối với môi trường hoạt động của doanh nghiệp nói chung, từ đó làm giảm hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, vừa tạo ra sự ỉ lại không chịu vươn lên của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đồng thời làm méo mó môi trường cạnh tranh và gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội: Nhiều bộ không muốn buông doanh nghiệp 'sân sau' vì lợi ích nhóm?
Đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch.

Về vấn đề bảo toàn vốn DNNN, đại biểu tỉnh Bắc Giang cho rằng hiện vẫn chỉ bảo tồn vốn tài sản trên sổ sách, còn giá trị thực tế giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết.

Bà Lịch đề nghị chính sách khấu hao cần nghiên cứu lại để “vốn bỏ ra tương đương một chiếc ô tô thì 10-20 năm sau vốn đó vẫn phải đủ giá trị mua chiếc xe tính năng tương đương”.

Theo báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ ngành, địa phương.

Kết quả giám sát cho thấy đã có 571 doanh nghiệp cổ phần hoá trong 6 năm qua, các chỉ số kinh doanh tại hầu hết DNNN đều tăng sau bán vốn nhà nước, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%… Đến cuối 2015, các tập đoàn tổng công ty nhà nước đã thoái vốn được gần 10.000 tỷ đồng, thu về hơn 11.000 tỷ đồng cho ngân sách.

Tuy nhiên, không phải việc cổ phần hoá ở mọi nơi đều diễn ra thuận lợi. Quá trình định giá doanh nghiệp tại một số đơn vị chưa theo đúng nguyên tắc thị trường, dẫn tới sai lệch nhằm trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước.

Đáng lưu ý, báo cáo chỉ ra rằng sai phạm, hạn chế trong bán vốn nhà nước không chỉ xảy ra tại doanh nghiệp mà Bộ quản lý, đại diện chủ sở hữu Nhà nước cũng chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra sai phạm tại DNNN thuộc quyền quản lý .

Nguyễn Trang