Trong khi các thị trường chứng khoán mới nổi tăng chậm lại, cổ phiếu ở các thị trường kém phát triển hơn, trong đó có Việt Nam, sẽ tăng trưởng vượt trội, Bloomberg dẫn nhận định của Công ty Quản lý quỹ Tdra Fonunder AB (Thụy Điển).

Cổ phiếu tại các thị trường cận biên như Ai Cập, Việt Nam thường có xu hướng chống đỡ tốt hơn cổ phiếu của các quốc gia đang phát triển khi thị trường vào giai đoạn thoái trào bởi các nhà đầu tư trong nước vẫn là những người nắm giữ chính, theo Jon Scheiber, CEO của Quỹ Tundra Fonder AB, đơn vị đang quản lý danh mục đầu tư giá trị 400 triệu USD.

Dù các thị trường cận biên không tránh khỏi tác động các chính sách của Tổng thống Donald Trump và lạm phát Mỹ đang tăng tốc, nhưng Tundra Fonder vẫn ưa nhắm đến các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và dân số lớn, đồng thời có tiềm năng bắt kịp với các nền kinh tế phát triển hơn, ông Scheiber cho biết.

Quỹ Tundra Sustainable Frontier Fund, hiện do Tundra Fonder quản lý, đã sinh lời 6,8% từ đầu năm đến nay, cao hơn tỷ suất sinh lời của 97% quỹ cùng loại, theo số liệu của Bloomberg. Các cổ phiếu của Ai Cập, Việt Nam và Pakistan chiếm đến 60% danh mục tài sản do quỹ này nắm giữ.

Cũng theo số liệu Bloomberg, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn FPT (FPT) và Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) nằm trong số các cổ phiếu có tỷ trọng cao trong danh mục của quỹ này.

Các thị trường chứng khoán mới nổi đã tăng mạnh hơn các thị trường cận biên trong vài năm qua, nhưng chỉ số MSCI Frontier Market (thị trường cận biên) không giảm mạnh bằng chỉ số MSCI Emerging Markets (thị trường mới nổi) khi thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm mạnh trong 2 tuần từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2 vừa qua.

Cụ thể, trong đợt “bão chứng khoán” vừa qua, chỉ số theo dõi thị trường cận biên chỉ giảm 6%, thấp hơn mức giảm 10% của thị trường mới nổi.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg tại Karachi (Pakistan) hôm 19/2 về lý do lạc quan đối với các thị trường cận biên trong năm nay, Shamoon Tariq – Phó giám đốc đầu tư của Tundra Fonder AB, cho biết, ở một mức độ nào đó các thị trường này gần như miễn nhiễm với các cú sốc lớn ở thị trường quốc tế, khi các nhà đầu tư trong nước nắm giữ khoảng 80% đến 85% cổ phiếu tại các thị trường cận biên.

Cổ phiếu của Pakistan, Ai Cập, Bangladesh và Sri Lanka chỉ giảm nhẹ trong đợt lao dốc gần đây của thị trường chứng khoán toàn cầu, nhưng do thanh khoản của nhiều thị trường trong số này kém, nên các nhà đầu tư cần nhìn vào dài hạn.

Một Phó giám đốc đầu tư khác của Tundra Fonder AB là Jon Scheiber cho biết các tổ chức hàng đầu đang tiếp tục nhắm đến các quốc gia như Pakistan vì họ “đang tìm kiếm lợi suất cao, tìm kiếm một cái gì đó mới và thú vị, như khi họ tìm thấy giá trị trong các thị trường mới nổi và phát triển.

Ông Scheiber cho rằng các nước như Việt Nam và Pakistan đang tăng trưởng nhanh nhờ có xuất phát điểm thấp về phát triển kinh tế, nên các nước đó có tiềm năng bắt kịp các nước khác, tương tự những gì đã xảy ra ở các nước như Nga và Brazil trong 20-30 năm qua.

“Giá cổ phiếu tại Việt Nam đã trở nên “hơi đắt nhưng chủ yếu tập trung tại các cổ phiếu blue chips”, ông Scheiber nói, cho rằng ngoài cổ phiếu của một vài công ty có thị giá cao nhất, các cổ phiếu còn lại ở thị trường này vẫn hấp dẫn trong dài hạn.

Theo Bloomberg, Tundra Fonder hiện có văn phòng nghiên cứu ở Karachi và TP. Hồ Chí Minh và tận dụng sự hiện diện ở 2 thành phố này để nghiên cứu kỹ các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất.

Quang Minh