Nhờ kỹ năng PCCC cơ bản và sự bình tĩnh, ông bố đã có cuộc giải cứu người con trai út thoát khỏi đám cháy gián tiếp qua những cuộc điện thoại suốt 2 tiếng ồng hồ nguy kịch.

Nửa ngày sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina trên đường Võ Văn Kiệt (quận 8, TP HCM), Trần Thanh Tùng, 22 tuổi, vẫn còn nguyên cảm giác hoảng loạn.

Rạng sáng nay, khi được đưa về nhà cô chú ở tạm, Tùng chỉ uống chút sữa rồi trằn trọc tới 6h mới có thể chợp mắt, theo Ngôi Sao.

Tùng khóc khi gặp lại cô ở phía dưới tòa nhà. (Ảnh: Ngôi Sao)

Nằm thiếp đi, cảnh tượng những cánh tay kêu cứu vẫy liên hồi trên tầng cao lại ám ảnh Thanh Tùng. Cậu đã khóc trong khoảnh khắc đặt chân xuống mặt đất vì thấy mình may mắn và vì thương những người còn kẹt lại bên trên.

Thanh Tùng là một trong số những người may mắn thoát khỏi đám cháy tại chung cư Carina. Cậu là người Hà Nội nhưng đã sinh sống và học tập tại TP HCM được ba năm. Rạng sáng 23/3, khi đang ngồi làm việc, Tùng phát hiện mùi khét phát ra từ phía cửa. Nghi có thiết bị điện bị chập, cậu kiểm tra hết lượt nhưng không thấy gì.

Vài phút sau, mùi khét nồng nặc hơn. Tùng mở cửa quan sát rồi vội vàng đóng lại vì khói đen cuộn lên. Cậu mang theo ví, điện thoại, dự định thoát ra ngoài bằng cửa chính nhưng không kịp.

Thanh Tùng có tiền sử khó thở nên đặc biệt nhạy cảm với khói. Cậu choáng nhẹ vì khói đen ùa vào phòng và hoảng loạn do chưa từng trải nghiệm trường hợp tương tự. Trong lúc tâm lý bất ổn, Tùng đã gọi điện cho bố của mình, anh Tam Khoa, đang sống tại Hà Nội và cùng với sự chỉ dẫn của bố, cậu đã thoát hiểm an toàn.

Ông Khoa cùng hai con trai. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông Khoa cho hay, cách đây 5 năm, gia đình ông mua một căn hộ tại tầng 11, chung cư Carina Plaza. Hai vợ chồng ông sống ở Hà Nội, các con trai (22 và 24 tuổi) đang sống và học tập ở TP.HCM, theo Vietnamnet.

Khoảng 1 giờ 30 sáng nay, ông nhận được điện thoại của con trai lớn nói rằng chung cư đang bị cháy. Người con trai này đi ra ngoài về muộn nên đang ở phía dưới sân chung cư, trong khi đó người em 22 tuổi bị mắc kẹt trên phòng ở tầng 11.

Khi nghe thấy giọng con trai rất hoảng hốt, ông Khoa cho biết việc đầu tiên ông cần làm là giúp con mình thật bình tĩnh.

Ông bắt đầu gọi điện cho người con trai 22 tuổi đang mắc kẹt. Ông Khoa khuyên con lấy khăn nhúng nước và bịt vào mũi để không hít phải khí độc. Sau đó người bố này hướng dẫn con quan sát nhanh xung quanh xem khói và lửa thế nào, nếu có thể hãy chạy nhanh xuống thang bộ.

“Khi con bảo không thể xuống được bằng thang bộ, tôi lập tức bảo con trai chạy ngay vào nhà, đóng chặt cửa. Sau đó, con phải dùng khăn nhúng nước, một chiếc khăn buộc vào tay, số còn lại thì nhét vào các kẽ cửa, ngăn khói tràn vào phòng. Tôi tiếp tục khuyên con chạy ra ban công, đóng chặt cửa’, ông Khoa kể lại.

Anh Tam Khoa và Tùng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Lúc này, điện thoại di động của Tùng sắp hết pin. Anh Khoa giữ liên lạc với con bằng các cuộc gọi ngắt quãng, chừng 10-15 giây. Tùng làm theo lời bố, sử dụng giẻ nhúng nước nhét vào các khe cửa ngăn khói độc rồi chạy ra ngoài ban công, chốt cửa lại. Anh Khoa không quên dặn con bật đèn pin điện thoại để thu hút sự chú ý của lực lượng cứu hộ. Hai giờ sau, Tùng được đưa xuống mặt đất bằng thang đứng theo lối ban công. Chờ cậu phía dưới là anh trai và các cô, chú.

Anh Khoa như “ngồi trên đống lửa” suốt hai tiếng đồng hành cùng con trai. Mỗi lúc Tùng thể hiện sự hoảng loạn, anh dặn con bình tĩnh, giữ chặt khăn bịt miếng để không hít phải khói độc. Ngay khi sự việc xảy ra, anh lái xe xuyên đêm từ Yên Bái về Hà Nội, sẵn sàng bay vào TP HCM nếu cần thiết.

Chuyện xảy ra cho tới lúc này vẫn khiến cho mọi thành viên trong gia đình của anh Tam Khoa và Thanh Tùng chưa hết bàng hoàng. Họ tin rằng chỉ có may mắn mới giúp cho Thanh Tùng còn sống.

Nhắc đến vụ cháy rạng sáng ngày 23/3, bà Trần Thanh Hạnh – vợ của ông Tam Khoa chia sẻ, đêm qua vì hủy chuyển công tác nên bà về nhà ở Hà Nội tắt điện thoại và đi ngủ. Bà không ngờ, lúc này, chồng và con phải chiến đấu với vụ hỏa hoạn khủng khiếp ấy.

Nội dung doạn chia sẻ của chị Thanh Hạnh khiến nhiều người đọc xót xa. (Ảnh: Facebook)

“Có lẽ đêm qua, con tôi là người may mắn trong số những nạn nhân xấu số. Tôi rất cảm ơn chồng đã bên con trong lúc cháu cần nhất. Có lẽ người để tôi phải dành lời cảm ơn nữa là các lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Họ đã chiến đấu với giặc lửa trong nhiều giờ đồng hồ để cứu những người còn mắc kẹt trong tòa nhà”, bà Hạnh nói.

Hoàng Kỳ