Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 30/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Trạm BOT đặt ‘nhầm’ và còn thu dư hơn 10 năm

Trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia chính thức thu phí từ 0h ngày 12/8/2016 đến nay và đã gây ra nhiều bức xúc.

Bộ Tài chính kiểm điểm cá nhân có liên quan đến việc tham mưu, ban hành, áp dụng, thỏa thuận vị trí thu phí bất hợp lý BOT Phước Tượng – Phú Gia, đầu tư tăng sai hơn 44 tỷ đồng tại dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ đèo Phước Tượng, Phú Gia.

Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư của BOT Phước Tượng – Phú Gia là liên doanh giữa Công ty TNHH BOT Hưng Phát, Công ty CP Xây dựng 699, Công ty TNHH kỹ thuật và xây dựng Q.L.K, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Thành.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.743 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ tháng 7/2013 đến tháng 9/2015, phương án tài chính thu hồi vốn cho nhà đầu tư với thời gian thu phí phê duyệt là 19 năm, 2 tháng. 

Tram BOT dat
Trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia.

Tuy nhiên, việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của Bộ GTVT có một số nội dung sai quy định và chưa phù hợp. Cụ thể tính trùng chi phí; tuyến dẫn hầm Phú Gia – Phước Tượng phải áp dụng nhóm II nhưng lại áp dụng nhóm III khiến tổng mức đầu tư tăng sai hơn 44 tỷ đồng; chuyển nhượng quyền vốn góp khi chưa đủ vốn theo tiến độ, chưa góp theo như cam kết và quy định; huy động vốn vay để thực hiện dự án không đúng cam kết tại hợp đồng BOT. 

Được biết, trạm thu phí BOT Phước Tượng – Phú Gia được dựng lên để thu phí hoàn vốn dự án hầm đường bộ Phước Tượng và hầm đường bộ Phú Gia (huyện Phú Lộc) nhưng lại đặt ngay miệng phía bắc hầm Hải Vân.

Do đó, các xe từ phía nam ra hầm Hải Vân để đi thị trấn Lăng Cô, không hề đi qua hai hầm trên vẫn phải đóng phí khiến nhiều người bức xúc. Cụ thể, rất nhiều phương tiện tham gia vận tải ở cảng Chân Mây hoặc đi du lịch qua các khu nghỉ mát, nhà hàng, khách sạn… ở thị trấn Lăng Cô (không sử dụng hầm Phú Gia, Phước Tượng) cũng đều bị thu phí một cách vô lý.

Video: Bộ Giao thông kiến nghị giữ BOT Cai Lây, giảm 60% phí

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Từ những điều chỉnh nêu trên, thời gian khai thác thu phí hoàn vốn của hợp đồng phải điều chỉnh giảm từ 19 năm, 2 tháng, 17 ngày xuống còn 8 năm, 6 ngày (giảm 11 năm, 2 tháng, 11 ngày) thu phí.

Ngoài ra, dự án này quản lý chi phí đầu tư của dự án khi lập, phê duyệt dự toán không đúng chế độ như đối chiếu khối lượng nghiệm thu thi công lớn hơn trong bản vẽ thi công và thiết kế… với tổng giá trị hơn 50,84 tỷ đồng.

Làm rõ việc nuôi vịt thả đồng phải đóng phí cho chính quyền

Ruộng đã đóng thuế nay chăn vịt trên đồng lại cõng thêm thuế mới. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều người nuôi vịt ở xã Ân Phong bức xúc vì phải ký hợp đồng với xã để thuê mặt ruộng chăn thả. Nhiều người cho rằng việc thu phí này không hợp lý, cần phải bãi bỏ.

Ngày 28/4, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch H.Hoài Ân (Bình Định) cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra xác minh thông tin người nuôi vịt ngoài đồng ở xã Ân Phong (H.Hoài Ân) phải nộp phí theo diện tích, gọi là phí “công đồng lạc túc”. Sau khi có kết quả kiểm tra, nếu thực tế người nuôi vịt khó khăn thì chính quyền sẽ có hướng giải quyết hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân, theo Thanh Niên.

Hiện nhiều người nuôi vịt ở xã Ân Phong bức xúc vì phải ký hợp đồng với xã để thuê mặt ruộng chăn thả. Nhiều người cho rằng việc thu phí này không hợp lý, cần phải bãi bỏ.

Trong khi đó, ông Hồ Văn Đương, quyền Chủ tịch xã Ân Phong, giải thích việc thu phí “công đồng lạc túc” nhằm tạo điều kiện để chính quyền dễ quản lý, điều tiết nước thủy lợi, người nuôi có trách nhiệm trong chăn thả, tránh chồng lấn địa bàn gây mất an ninh trật tự.

Xã Ân Phong có hơn 500 ha đất lúa sản xuất, sau khi nông dân gặt xong vụ, xã giao khoán thuê mặt ruộng cho các hộ nuôi vịt thả đồng với giá 1 ha khoảng 25.000 đồng/năm.

Mỗi năm, xã thu về khoảng 14 triệu đồng từ việc thu phí “công đồng lạc túc” để nhập vào nguồn ngân sách của xã, phục vụ công tác quản lý chung.

Chùm ảnh: Đường phố Hà Nội thông thoáng, yên bình trong dịp nghỉ lễ

Hình ảnh đường phố vắng tanh dịp nghỉ lễ đã không còn xa lạ. Đến hẹn lại lên, vào dịp 30/4 và 1/5 rất nhiều người dân tranh thủ tận hưởng cảm giác bình yên khoan khoái này ở Hà Nội.

Hà Nội lác đác vài bóng người, trong khi đó bình thường tuyến đường Tây Sơn này luôn trong tình trạng tắc nghẽn.
Hình ảnh yên bình, vắng lặng ở phố Nguyễn Lương Bằng.
Góc phố vắng tanh khiến những người “tha hương cầu thực” ở Hà Nội và sinh viên xa nhà nhớ quê da diết.
Ngày thường cầu vượt Nguyễn Chí Thanh – Kim Mã có bao giờ được thế này!
Nhiều người ao ước lúc nào đường phố Hà Nội cũng dễ thở như ngày lễ.
Có những lúc đường phố Kim Mã không có 1 bóng người.
Ngay cả phố Lê Duẩn nơi có Ga Hà Nội cũng thoáng đãng, yên bình.
Hình ảnh này chỉ có thể có trong những ngày lễ Tết ở Hà Nội.
Trước cổng đài VTV cũng “bình yên”đến lạ.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày cuối tuần vui vẻ!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News