Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 22/4 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Tàu SE8 trật bánh khỏi đường ray tại Bình Thuận

Đoàn tàu SE8 khởi hành từ Ga Sài Gòn đã trật bánh khi lưu thông qua tỉnh Bình Thuận, rất may lái tàu đã kịp thời xử lý an toàn và không có thiệt hại về người.

Vào chiều 21/4, Ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Chi nhánh Vận tại Đường sắt Bình Thuận đã xác nhận sự cố đường sắt này trên VnExpress.

Theo đó, đoàn tàu SE8 khởi hành từ ga Sài Gòn sáng 21/4 khi lưu thông qua địa phận tỉnh Bình Thuận đã xảy ra sự cố nghiêm trọng lúc 8h50.

Tàu SE8 trật bánh khỏi đường ray tại Bình Thuận. (Ảnh: Công Lý)

Khi đang lưu thông cách ga Suối Vận (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) khoảng 4 km thì bất ngờ toa số 6 tàu SE8 bị trật khỏi đường ray.

Lái tàu đã kịp thời xử lý an toàn và may mắn không có thiệt hại về người.

Hiện tại, các đoàn tàu Bắc Nam dừng tại Ga Bình Thuận và được trung chuyển bằng xe khách 30 chỗ đến Ga Suối Kiết (tỉnh Bình Thuận) để tiếp tục hành trình.

Các tàu được trung chuyển là SPT 2 và 4, SE7, bắt đầu trung chuyển lúc 12h. Việc trung chuyển nhằm không làm gián đoạn hành trình của khách.

Chỉ còn 2 ngày để gần 34 triệu thuê bao nộp ảnh chân dung

Chỉ còn 2 ngày nữa là tới 24/4, hạn cuối mà 3 nhà mạng lớn yêu cầu khách hàng nộp đầy đủ thông tin CMND và chụp ảnh chân dung để hoàn thiện thông tin chính chủ thuê bao.

Sau thời hạn này, nếu thông tin thuê bao chưa đầy đủ, các nhà mạng có thể thực hiện cắt dịch vụ với thuê bao theo quy định của Nghị định 49/2017/NĐCP, theo Zing.

Theo thống kê từ Bộ TT&TT, tính tới tháng 3/2018, vẫn còn khoảng 34 triệu thuê bao chưa đăng ký đầy đủ thông tin để phục vụ công tác quản lý viễn thông, hạn chế SIM rác và tin nhắn rác.

Lượng lớn người dùng tới bổ sung thông tin chủ thuê bao đã khiến nhiều điểm bán hàng của nhà mạng quá tải, khách hàng phải chờ khoảng 1 giờ mới tới lượt. (Ảnh:  Phúc Minh)

Chủ thuê bao có thể soạn tin nhắn TTTB gửi 1414 để thực hiện kiểm tra thông tin thuê bao. Nếu chưa chính xác, chủ thuê bao cần thực hiện việc bổ sung thông tin. Các nhà mạng cũng đã nhiều lần nhắn tin yêu cầu các thuê bao trong diện thiếu thông tin chính chủ phải bổ sung thông tin trước ngày 24/4.

Hiện cả ba nhà mạng đều hỗ trợ đăng ký thông tin chính chủ tại các đại lý, điểm bán hàng. Ngoài ra, một vài nhà mạng còn hỗ trợ chủ thuê bao bổ sung thông tin thông qua ứng dụng smartphone, email hoặc qua fanpage Facebook nhà mạng.

Xe buýt sách – trải nghiệm mới của người Sài thành

Sáng ngày 21/4, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Công ty Đường sách Tp.HCM cùng Sở Giao thông Vận tải thành phố đã giới thiệu bộ ba sản phẩm: xe buýt sách – mô hình thư viện thu nhỏ, trạm chờ xe buýt – mô phỏng trạm chờ hiện đại, trang bị kệ sách tại chỗ.

Nhiều người đã đến thăm quan mô hình mới lạ, độc đáo này.

Mô hình thư viện dựng theo xe buýt tuyến 08. Đây là tuyến khứ hồi xuất phát từ quận 8 và kết thúc ở làng đại học, quận Thủ Đức. Mỗi chuyến xe có mật độ khách lớn, chủ yếu là học sinh và sinh viên. Ban tổ chức đã quyết định thiết kế thư viện ngoài trời đặt tại đường sách, mang hình dáng và tên gọi như chuyến xe nhằm mục đích khuyến khích người trẻ hướng đến việc đọc và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, theo VnExpress .

Xe buýt chiều rộng 1,5 mét, chiều dài 6 mét tựa như mô hình thư viện mini. Bên trong xe có kệ đựng sách, bàn và ghế phục vụ đọc giả.
“Mô hình xe buýt rất thú vị. Tôi rất mong thành phố sẽ có thêm nhiều mô hình như này tại các nơi công cộng”, chị Hiệp (quận Phú Nhuận) đưa con nhỏ tham quan đường sách chia sẻ.
Chị Julia Klyuchnikova (người Nga) đưa con trai trải nghiệm mô hình xe buýt sách.
Bên trong mô hình buýt sách có các bảng thông tin giống hệt xe buýt thật.
“Tôi rất thích mô hình này vì nó tạo cảm giác thân quen cho chúng tôi, những người thường đi xe buýt hàng ngày đến trường”, Nguyễn Thị Hương, sinh viên năm hai Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM chia sẻ.
Nhiều cuốn sách kinh điển với nhiều chủ đề như Văn học, tiểu thuyết, lịch sử… được trưng bày trong xe buýt.
Xe buýt sử dụng hai ngôn ngữ là Tiếng Việt, Tiếng Anh để phục vụ nhu cầu đọc của người dân và khách tham quan.
Bạn trẻ thích thú chụp hình trong xe. “Xe buýt sách đã tạo lên một diện mạo mới đầy năng động, thân thiện và thiết thực với người yêu sách”, Cẩm Chi, sinh viên Đại học Luật Tp.HCM chia sẻ.
Cạnh xe buýt là mô hình nhà chờ với các kệ sách, băng ghế gỗ, mái che được thiết kế theo hình trang sách để người dân và du khách dễ dàng nghỉ ngơi.
Khu vực đầu đường còn có bảng tra cứu thông tin điện tử có link với trang website và fanpage của đường sách giúp người yêu sách theo dõi lịch tổ chức các sự kiện tại đây và thông tin cụ thể quyển sách nào được bán.

Theo Thể Thao & Văn Hóa, tiền thân của thư viện xe buýt sách là tủ sách Tín nhiệm được đặt tại đường sách trước đây. Tuy nhiên, nếu tủ sách chỉ là nơi để mọi người trao đổi sách thì xe buýt sách lại là mô hình thư viện mini. Bà Quách Thu Nguyệt – phó giám đốc công ty TNHH Đường sách, cho biết mô hình này sẽ tiếp tục được mở rộng tại trạm chờ ở các tuyến xe buýt trên toàn thành phố.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả một ngày cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc!

———–—

Đại Kỷ Nguyên News