Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 9/3 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Đào nền nhà rường cổ, lão nông ở Huế tìm thấy 3 hiện vật quý hiếm

Ngày 8/3, ông Nguyễn Văn Ng. (69 tuổi, trú ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế) cho biết, ông vừa đào thấy 3 bức tượng bằng đồng dưới nền nhà.

Trước đó, phát hiện nền ngôi nhà rường cổ được thế hệ ông nội để lại bị hư hỏng nơi gần chỗ ngủ, ông Ng. đã đào lên để sửa lại.

Trong lúc đào nền cũ, ông Ng. bất ngờ phát hiện 3 bức tượng bị chôn lấp dưới đất gồm: Một bức tượng Phật di lặc, một tượng hình gà trống và một chiếc bình cổ. Tất cả đều được làm bằng đồng, 3 bức tượng này đều khắc chữ Hán phía dưới đáy và có khối lượng khá nặng.

Các chữ Hán khắc dưới đáy các cổ vật. (Ảnh: ANTT)

Một nhà nghiên cứu về lịch sử chia sẻ, qua quan sát chữ Hán dưới các bức tượng gửi bằng hình ảnh thì đây là những bức tượng được làm từ Trung Quốc, thời triều Minh và Thanh. Trong đó, chiếc bình cổ hình hồ lô bát tiên có bốn chữ Hán khắc dưới đáy là Đại Minh Tuyên Đức, tức chiếc bình được đúc từ thời Nhà Minh, dưới thời vua Tuyên Đức (khoảng năm 1425-1435).

Ông Nguyễn Văn Ng. cho biết, khi biết ông đào được cổ vật, nhiều nhà sưu tập đồ cổ đã đến hỏi mua nhưng ông không bán dù với giá nào. Thân sinh ông trước đây là thợ kép chuyên làm lăng mộ cho các vua nhà Nguyễn nổi tiếng một thời.

“Trước khi qua đời, cụ di huấn mọi đồ cổ trong gia đình không được bán mà phải giữ gìn cho con cháu, nên tôi không bán bất cứ cổ vật nào”, ông Ng. nói.

Được biết, hiện ngoài ngôi nhà rường cổ bằng gỗ tuổi đời hơn 100 năm, ông Ng. còn đang giữ 2 bộ trường kỷ cổ, một chiếc chậu rửa mặt bằng sứ, 6 đôi đũa có đầu bằng ngà voi, 6 bức tranh và nhiều bát sứ do một vị vua nhà Nguyễn ban tặng cho bố ông trong quá trình sửa sang các lăng mộ.

Chiếc chậu rửa mặt bằng sứ mà gia đình ông Ng. đang lưu giữ. (Ảnh: ANTT)

Chuyện người bán vé số có điểm thi công chức ‘cao ngất’ ở miền Tây

Mấy ngày qua, người dân ở miền Tây xôn xao chuyện 1 người đàn ông xuất thân trong gia đình nghèo khó, hằng ngày đi bán vé số kiếm tiền mưu sinh lại có điểm thi rất cao trong kỳ thi tuyển công chức tại tỉnh Sóc Trăng.

Đó là anh Kim Thái (38 tuổi, ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, Sóc Trăng). Theo kết quả vừa được Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng công bố, anh Kim Thái thi 5 môn đạt 213 điểm và được cộng thêm 20 điểm ưu tiên dành cho ứng viên dân tộc Khmer.

“Cùng tham gia thi tuyển vào vị trí công chức hành chính tổng hợp của Văn phòng UBND huyện Long Phú có 3 người nhưng một thí sinh vắng mặt. Tôi đạt tổng cộng 233 điểm, người còn lại đạt 204 điểm”, anh Kim Thái chia sẻ.

Được biết, anh Kim Thái sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em thuộc dân tộc Khmer. Từ nhỏ Kim Thái đã khát khao được đi học để thay đổi cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thái thi vào ngành sư phạm, trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng.

Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau hai năm theo học, anh Thái phải nghỉ, về nhà làm nông phụ giúp gia đình.

Đến năm 2001, anh Thái lập gia đình với chị Ung Thị Thu Hằng. Cưới vợ, có con nhưng đất đai lại ít nên hàng ngày ngoài việc đồng ruộng, anh Thái còn đi bán vé số dạo. Quyết tâm thay đổi số phận, anh Thái cố gắng chắt chiu, dành dụm tiền cho vợ đi học lớp sơ cấp dược và y sỹ.

Hàng ngày anh Thái lầm lũi đi bán vé số mưu sinh nhưng vẫn dành thời gian đi học đại học. (Ảnh: Vietnamnet)

Khi vợ tốt nghiệp về làm nhân viên y tế của một trường tiểu học gần nhà cũng là lúc anh Thái bắt đầu đăng ký học đại học từ xa chuyên ngành Luật của Trường Đại học Cần Thơ. Ước mơ của anh là có cho mình tấm bằng đại học.

“Tôi chọn ngành Luật chứ không phải ngành khác vì có thể giúp đỡ, tuyên truyền kiến thức pháp luật cũng như hòa giải những mâu thuẫn cho bà con trong xóm, nhất là các gia đình Khmer không hiểu biết gì về pháp luật”, anh Thái thật thà bày tỏ.

Người đàn ông dân tộc Khmer kể, trong quá trình học đại học anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế. Nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm anh cũng tốt nghiệp đại học vào năm 2015, với tấm bằng loại khá.

“Khi đi học tôi gặp đủ khó khăn. Mỗi khi học tập trung ít thì 1 tuần, nhiều thì 5 tuần liên tục. Trong thời gian vừa học vừa kiếm tiền mưu sinh, tôi tranh thủ lúc bán vé số mang theo tài liệu để trưa ghé quán cà phê võng nằm học.

Nhiều người thấy tôi đi bán vé số nhưng mang cái ví lớn quá, họ nói chắc tiền nhiều lắm, thiệt tình trong đó toàn tài liệu à”, anh Thái cười nhớ lại.

Đến cuối năm 2017, khi hay tin Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỳ thi tuyển công chức, anh Kim Thái liền đăng ký thi tuyển.

“Trong lúc bán vé số tôi cũng tranh thủ ôn luyện tin học, ngoại ngữ, kiến thức chung và chuyên ngành để tham gia kỳ thi tuyển công chức cuối năm 2017.

Khi thi xong, tôi tự tin mình sẽ đạt điểm cao nên lúc biết điểm thi, tôi không quá bất ngờ. Chỉ có vợ và con gái thì reo hò, chúc mừng ”, anh Thái tâm sự.

Trong những ngày chờ nhận quyết định chính thức của Sở Nội vụ Sóc Trăng về việc tuyển dụng công chức, anh Thái vẫn tiếp tục bán vé số và tham gia Ban bảo vệ dân phố – TT Long Phú với vai trò Phó ban và được khen thưởng 3 lần.

“Hiện tại, tôi rất tự tin mình sẽ làm tốt nhiệm vụ công chức nếu được bố trí công việc”, anh Thái nói.

Noi theo tính hiếu học từ cha, con gái của anh Kim Thái cũng là học sinh xuất sắc, được tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen nhiều năm liền.

Xuất hiện khỉ hoang đến quấy phá, trêu ngươi người dân Hà Nội

Nửa tháng nay, khỉ hoang đến bắt gà, trêu chó, phá hoại đồ đạc… khu dân cư thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khiến nhiều người dân ở đây gặp phiền toái.

Người dân tại khu dân cư ngõ 3 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phản ánh, từ ngày 20/2 (tức mùng 5 Tết), họ bị con khỉ hoang từ đâu đến quấy phá dù chưa xác định được có một hay hai con. Khỉ sống trên mái nhà và chạy khắp trong khu dân cư để tìm kiếm thức ăn.

Các hộ dân tại đây đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý bởi trong khu dân cư có nhiều trẻ em nên không an toàn. Họ còn đánh thuốc mê, bả chuột vào thức ăn để khống chế. Có người bức xúc, tình trạng này kéo dài họ sẽ thuê người đặt bẫy hoặc tiêu diệt khỉ.

Trong sáng 8/3, phường sở tại đã cử cán bộ xuống địa bàn xác minh sự việc và báo cơ quan kiểm lâm để giải quyết theo thẩm quyền. (Chi tiết)

Hà Nội: Tá hỏa khi mộ người thân bị di dời mà không được thông báo

Không chỉ phần mộ liệt sỹ bị chuyển đi, hàng chục gia đình khác cũng tá hỏa khi mộ người thân ở nghĩa trang xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị di dời mà không được thông báo.

Chị Nguyễn Thị Thúy Ngần (40 tuổi, trú tại p.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai) kể, ngày 21/12/2017, gia đình chị đi thắp hương tảo mộ cho ông nội ở nghĩa trang xã Thanh Liệt. Khi đến nơi, ngôi mộ đã bị di dời, tại hiện trường bãi đất bị đào xới cùng đống phế liệu ngổn ngang.

Không chỉ phần mộ liệt sỹ bị mất, hàng chục gia đình khác cũng tá hỏa khi mộ người thân bị di dời mà không được thông báo. (Chi tiết)

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả 1 ngày vui vẻ và làm việc hiệu quả!

———–

Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News