Sự cố khiến cho sông Gâm bị ô nhiễm nặng. Ông Vũ Ngọc Lưu, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, hiện vẫn chưa đánh giá được mức độ thiệt hại của tai nạn về môi trường này.
Chiều 5/1, bể chứa chất thải chì, kẽm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn CKC (thị trấn Pác Miầu, Bảo Lâm, Cao Bằng) bất ngờ vỡ tấm bê tông đáy, khiến hàng trăm nghìn m3 nước và bùn thải chì, kẽm tràn ra môi trường, chảy xuống sông Gâm, theo báo Lao Động đưa tin.
Toàn bộ khối sình độc hại phủ tràn một lưu vực sông, tiếp tục theo dòng phát tán xuống hạ nguồn, theo các dòng nhánh ngấm vào đất, nước.
Trao đổi trên Vnexpress, TS Phạm Khang, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Kim loại nặng lẫn vào nước và đất sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các sinh vật và thậm chí là cả con người“.
Giải thích về cơ chế tác động tới con người, TS Phùng Chí Sỹ cảnh báo, bùn thải chì, kẽm chất khi ra môi trường có thể tích tụ trong rau, tôm, cá… rất nguy hiểm khi con người ăn vào. Nguồn nước nhiễm bùn thải cũng tác động tới con người khi tắm giặt.

Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chì có thể nhiễm vào cơ thể qua đường hô hấp khi hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì; qua đường tiêu hóa thông qua ăn, uống, qua tay; qua da khi tiếp xúc kéo dài; qua nhau thai, sữa mẹ nếu người mẹ bị ngộ độc chì.
Người bị ngộ độc chì tùy mức độ sẽ bị hủy hoại, thoái hóa tế bào thần kinh, thiếu máu, suy thận, tăng huyết áp, giảm chức năng sinh sản, dị dạng thai, ức chế nội tiết, giảm tăng trưởng xương, co thắt ruột.
Đối với kẽm, mặc dù đây là vi chất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu hàm lượng vượt quá mức cần thiết sẽ gây hại. Hấp thụ quá nhiều kẽm làm ngăn chặn sự hấp thu đồng và sắt. Còn ion kẽm tự do trong dung dịch là chất có độc tính cao đối với thực vật, động vật không xương sống, và thậm chí là cả động vật có xương sống, theo thông tin tổng hợp từ Wikipedia.
Hiện việc giải quyết hậu quả của sự cố vẫn dừng ở mức khắc phục, hạn chế thấp nhất mức độ lây lan của kim loại độc đến môi trường sinh thái và cuộc sống người dân.
Công ty TNHH CKC (xóm Lạng Cá, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) là thành viên của Công ty CP Khai thác chế biến Khoáng sản Việt (VMPCO), ngành nghề hoạt động chính là khai thác chế biến khoáng sản, với gần 400 nhân sự bao gồm công nhân Việt Nam và chuyên gia Trung Quốc. Theo thông tin từ trang web của VMPCO, hiện tại nhà máy chế biến chì kẽm CKC là đơn vị sản xuất chì kẽm số 1 Việt Nam với 2 dây chuyền tuyển luyện với tổng công suất 2.400 tấn/ngày. Vùng nguyên liệu gồm các mỏ Bản Khun, Chè Pẻn, Phiêng Mường, Tổng Ngoảng, Bản Trang. Nhà máy của Công ty CKC cách TP Cao Bằng 150 km, cách Hà Nội hơn 300 km. |
Phan A tổng hợp
Xem thêm: