Chưa hết tháng Giêng mà các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, đặc biệt với những khách hàng VIP, khoản gửi lớn, kỳ dài hạn có thể lãi suất trên 8%, nhưng đối với kỳ hạn ngắn, cũng tăng lãi suất không kém.

Tăng huy động dài hạn 8%

Từ cuối tháng 2 đến nay, một số NHTM như Eximbank, SeABank, OCB… đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động với mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên từ 8-8,2%/năm, áp dụng cho đối tượng khách VIP, với số tiền gửi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trong hệ thống, được ghi nhận tại thời điểm hiện tại.

Theo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, có 3 nguyên nhân chính khiến một số NHTM áp dụng việc tăng lãi suất. Một là, do nhu cầu tín dụng tăng cao, từ đầu 2016 đến nay tín dụng trên địa bàn tăng trên 1%, trong khi thông thường mọi năm các tháng quý I tín dụng tăng trưởng âm.

Hai là, việc tăng lãi suất là giải pháp để các NHTM cân đối lại nguồn vốn và dư nợ, khi nhu cầu vốn trung và dài hạn có tỷ trọng lớn trong khi huy động ở các kỳ hạn này còn hạn chế.

Ba là, các NHTM phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn để chuẩn bị cho khả năng Thông tư 36/2014/TT-NHNN (hiện đang dự thảo) sẽ được áp dụng trong thời gian tới, khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể giảm từ 60% hiện nay xuống 40%.

Trong khi quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chỉ khống chế với các kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống, nên với các kỳ hạn dài, ngân hàng được thỏa thuận lãi suất theo thị trường.

Về phía Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành chỉ thị 01 yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm quy định về lãi suất, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ các vi phạm và sẽ xử lý nghiêm, nhưng có hiện tượng ngân hàng vẫn tiếp tục “đi đêm” lãi suất kỳ hạn ngắn. Theo đó, nhà băng sẽ mời chào và trả khoản chênh lệch lãi suất thông qua chương trình khuyến mại, bốc thăm đầu xuân.

Có thể ảnh hưởng tăng lãi suất cho vay?

Chia sẻ về định hướng điều hành lãi suất, tỷ giá năm 2016, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ chính sách Tiền tệ NHNN cho rằng nhiệm vụ giữ mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay đã là “một thách thức lớn.”

Ông Dũng cho biết tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9-11%/năm đối với trung, dài hạn.

Tuy nhiên năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn, cụ thể, với lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Hơn nữa mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 – 2015 (5,88%), như vậy nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng.

Việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.

Trong điều kiện thách thức như vậy, NHNN sẽ tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.

Trong bối cảnh sức khỏe của nền kinh tế chưa thực sự vững mạnh để chấp nhận mặt bằng lãi suất cho vay cao, cộng với việc NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 ở mức 18-20%, các ý kiến nhận định rằng các NHTM khó có thể tăng lãi suất đầu ra trong ngắn hạn. Vì làm vậy sẽ khó có thể thu hút khách hàng vay vốn, từ đó khó hoàn thành chỉ tiêu tín dụng cả năm…

Thành Long

Xem thêm: