Hôm 25/4 vừa qua, các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã tổ chức các hoạt động để kỷ niệm một sự việc mang tính lịch sử diễn ra 16 năm trước.

Hai ngày trước ngày 25/4/1999, khoảng 40 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh, đã bị các lực lượng an ninh địa phương đánh đập và bắt giữ. Việc này đã gây sốc cho các học viên của môn tập thiền Trung Quốc truyền thống này – đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc sử dụng các biện pháp nặng tay như vậy đối với Pháp Luân Công kể từ khi môn tập được giới thiệu ra công chúng năm 1992.

Các học viên đã đề nghị cảnh sát Thiên Tân trả tự do cho những học viên này, nhưng cảnh sát bảo họ đi tìm gặp chính quyền cấp cao hơn ở Bắc Kinh. Vì thế, các học viên Pháp Luân Công ở trên khắp Trung Quốc đại lục – tổng số khoảng 10.000 người – đã đi đến Phòng Thỉnh nguyện Trung ương để trình bày vào ngày 25/4/1999.

Cảnh sát, có thể là đã lên kế hoạch trước, chỉ đường cho họ đến những con phố xung quanh Trung Nam Hải, trụ sở trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cuối cùng, ông Chu Dung Cơ, cựu Thủ tướng Trung Quốc, đã nói chuyện với một số người đại diện của các học viên, và hứa rằng những người bị giam ở Thiên Tân sẽ được trả tự do và rằng Đảng không phản đối Pháp Luân Công. Sau đó các học viên Pháp Luân Công đã lặng lẽ rời đi. Trước khi về họ còn nhặt rác và đầu mẩu thuốc lá của cảnh sát vứt trên những vỉa hè mà họ đứng.

Nhưng lời hứa đó đã không giữ được lâu – cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp môn tập này vào ngày 20/7 năm đó – nhưng giây phút mà các học viên đã thương lượng ôn hòa và thành công với chính quyền tàn bạo nhất trong lịch sử này vẫn được ghi nhớ cho đến ngày nay.

Từ Bắc Mỹ, Australia, Châu Âu đến Châu Á, việc kỷ niệm ngày 25/4 đã diễn ra dưới các hình thức như mít-tinh, tuần hành, thắp nến và biểu tình ở trước trụ sở Lãnh sự quán Trung Quốc ở địa phương đó. Họ cùng nhau nói lên một tiếng nói: “Hãy chấm dứt cuộc đàn áp”.

San Francisco, Mỹ

Bà Wang, từng sống ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đã kể lại những gì bà đã trải qua ở bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc: “Vào ngày 20/4/1999, chúng tôi được kể rằng nhiều học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân đã bị bắt giữ một cách bất hợp pháp và thậm chí còn bị cảnh sát đánh đập gây thương tích nghiêm trọng. Chúng tôi đều biết rằng Pháp Luân Đại Pháp dạy người ta tu tâm và lương thiện, và rằng môn tập chỉ có thể đem lại lợi ích cho mọi người và cho đất nước. Với thiện niệm và lòng tin tưởng vào chính quyền của mình, chúng tôi đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện và nói rõ tình hình thực tế của Pháp Luân Đại Pháp, hy vọng rằng những học viên bị bắt có thể được trả tự do”.

Mọi người đều ôn hòa, lý trí và đứng trật tự trên hè phố, bà Wang nhớ lại. “Những học viên Pháp Luân Công ở đó đã thực hiện việc khiếu nại một cách ôn hòa và lý trí chưa từng có”.

New Zealand

Ở trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Auckland hôm 25/4, bà Wang Jiuchun, trước kia từng là Phó Giáo sư tại trường Đại học Thanh Hoa, nói: “Tôi không thể phớt lờ việc những người bạn đồng môn bị bắt. Chân, Thiện và Nhẫn là những giá trị chỉ đạo họ, và tôi đã nhận được rất nhiều từ môn tập. Khi Pháp Luân Công bị vu khống, tất nhiên tôi phải đi làm rõ vấn đề”.

Xem thêm:

Hồng Kông

Trong cuộc mít-tinh kỷ niệm ngày 25/4 ở Hồng Kông, nhà lập pháp địa phương Leung Kwok-hung nói: “Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc là cuộc đàn áp chống lại tất cả. Những kẻ đàn áp cuối cùng sẽ bị truy tố, cũng như cựu Trưởng ban Chính trị và Luật pháp Chu Vĩnh Khang”.

Pháp

Benjamin Ismail, Trưởng bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên Xuyên Biên giới (RSF), một tổ chức theo dõi báo chí phi lợi nhuận có trụ sở ở Pháp, đã phát biểu tại sự kiện kỷ niệm này và tin rằng mọi người có thể giúp chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công bằng cách chia sẻ sự thật về vấn đề này. Ở Trung Quốc, điều quan trọng là người dân có phải có thể phá vỡ Vạn lý Hỏa thành của Trung Quốc và truy cập được những thông tin không bị kiểm duyệt về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp, đó là một vấn đề mà mọi người nên quan tâm đến.

Australia

Vào tối hôm 24/4, một cuộc thắp nến kỷ niệm đã được tổ chức ở trung tâm thành phố Brisbane. Một người qua đường, Reese Martin, đã ký tên vào bản kiến nghị sau khi biết được ý nghĩa của sự kiện kỷ niệm ngày 25/4 và việc thu hoạch nội tạng sống đang tiếp diễn ở Trung Quốc.

Mẹ của ông Martin đã từng dạy ở trường đại học tỉnh Hà Bắc một năm và bị bắt phải từ bỏ Cơ Đốc Giáo. “Bà là một người Australia nên bà có thể quay trở lại Australia. Nhưng họ thì không thể. Họ phải sống trong một cuộc đàn áp như thế. Điều đó là không đúng”.

Jenny Li, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Biên dịch: Chân Thành 

Xem thêm: