Liên quan đến vụ việc một cơ sở chế biến cà phê bị phát hiện dùng lõi pin để nhuộm đen cà phê ở tỉnh Đắk Nông rồi đem ra thị trường tiêu thụ gây hoang mang dư luận, đại diện Bộ NN&PTNT nhận định đây là vụ việc đặc biệt nguy hiểm và sẽ bị đề nghị xử lý nghiêm.

Chia sẻ trên Dân Việt, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng việc sử dụng pin để nhuộm cà phê ở Đắk Nông dù là một vụ việc đơn lẻ mới bị phát hiện, nhưng hành vi vi phạm lại có tính chất đặc biệt nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Tiệp cho rằng việc sử dụng pin làm chất phụ gia nhuộm màu cho cà phê gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dùng khi nó chứa nhiều hóa chất độc hại như kim loại nặng như chì, thủy ngân…

Cà phê nhuộm đen bằng lõi pin: Vụ việc đặc biệt nguy hiểm, sẽ bị xử lý nghiêm
Lực lượng chức năng Đắk Nông bắt quả tang một cơ sở trộn phế phẩm cà phê với bột than từ lõi pin. (Ảnh: Dân Việt)

Thực tế, trước đó đã có một số cơ sở sản xuất cà phê bị phát hiện trộn phụ gia như bột bắp, đậu nành… để chế biến nhưng ở mức độ có vi phạm phải sửa chữa để đảm bảo điệu kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, việc trộn bột than từ lõi pin vào chế biến cà phê nhưng không ghi nhãn rõ ràng là không minh bạch và là hành vi gian lận thương mại.

Chính vì vậy, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh đây là một vụ việc có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín và thương hiệu của sản phẩm cà phê Việt Nam.

Về cách thức xử lý vụ nhuộm đen cà phê bằng lõi pin ở Đắk Nông, ông Tiệp cho biết hiện nay chế tài xử lý của Việt Nam rất nghiêm khắc.

Theo đó, vụ việc có thể bị áp dụng xử lý theo khoản 6 điều 6 của Nghị định 178 xử phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị hàng hoá vi phạm đối với cá nhân và 7 lần tổng giá trị đối với doanh nghiệp có hàng hóa vi phạm.

Đồng thời cở sở sản xuất sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 3-6 tháng và buộc tiêu huỷ toàn bộ các sản phẩm vi phạm, thậm chí có thể áp dụng khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi để xử lý phạt tiền cũng như hoàn thiện hồ sơ để truy cứu trước pháp luật.

Tại buổi họp báo chiều 18/4, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết quá trình điều tra đến nay cơ quan công an xác định bà Nguyễn Thị Thanh Loan (chủ cơ sở sản xuất cà phê kém chất lượng ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp), ông Nguyễn Xuân Bảo (có quan hệ như vợ chồng với bà Loan) và ông Ngô Hồng Sơn có hành vi dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và than pin đập nhuyễn) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê rồi đóng bao.

Cơ quan công an đã thu giữ 21.265 kg phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì. Ngoài ra còn có 40 lít dung dịch, 35 kg pin bị đập dẹp, 192 kg lõi, nắp và vỏ pin. Các đối tượng khai đã tiêu thụ khoảng 3 tấn cà phê “bẩn” về tỉnh Bình Phước.

Nguyễn Trang