Nhằm vực dậy nền kinh tế Nhật Bản vốn đang trì trệ, lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố chính sách lãi suất -0,1% đối với các khoản tiền mà các định chế tài chính gửi tại Ngân hàng Trung ương.

Chính sách lãi suất âm sẽ có hiệu lực từ ngày 16/2,  nhằm thực hiện mục tiêu lạm phát đề ra là 2% trong thời gian sớm nhất. Chính sách này được áp dụng nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại dùng tiền dự trữ để cho doanh nghiệp vay, nhằm đảo ngược tình trạng kinh tế suy giảm, kích thích tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Đồng thời BOJ cũng cam kết sẽ tiếp tục tăng cung tiền với tốc độ 80.000 tỷ Yên mỗi năm (tương đương 666 tỷ USD), thông qua mua vào trái phiếu chính phủ Nhật, các quỹ ETF và đầu tư vào các quỹ tín thác bất động sản.

Với quyết định này, đã có tác động mạnh tới các thị trường, trên thị trường ngoại hối, đồng Yên mất giá 2% so với đồng USD xuống ngưỡng 120 Yên đổi 1 USD, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2014. Tại thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei 225 tăng mạnh 3% ngay sau công bố.

Trước đó, Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng quốc gia Đan Mạch cũng đã từng cắt giảm lãi suất xuống dưới mức 0% trong những năm gần đây, và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) là ngân hàng lớn đầu tiên thực hiện chính sách lãi suất âm vào năm 2014.

Hiện tại, lãi suất âm ở Nhật và châu Âu chỉ áp dụng cho tiền gửi của các ngân hàng khác tại các ngân hàng trung ương, chưa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng BOJ muốn học hỏi kinh nghiệm từ các ngân hàng Trung ương ở châu Âu khi BOJ đang chật vật đẩy mức lạm phát lên mục tiêu 2%/năm trong bối cảnh các số liệu kinh tế Nhật Bản yếu hơn dự báo gây lo ngại cho triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Thành Long

Xem thêm: