Trừ thuỷ đài nằm trong khuôn viên công ty cấp nước gần vòng xoay Dân chủ được giữ lại, 7 thủy đài đang được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) lên kế hoạch tháo dỡ. Tất cả được xây dựng trong thời gian từ năm 1965-1969, có tuổi thọ từ 47-51 năm.
Theo Sawaco, 7 thủy đài được tháo dỡ nằm ở các địa điểm sau: góc đường Lê Đại Hành – Ba Tháng Hai (Q.11), gần Trung tâm Văn hóa Q.5, hẻm 198 Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh), đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận), đường Phạm Phú Thứ (Q.6), đường Hoàng Diệu (Q.4).
Riêng thủy đài ở khu vực gần Công trường Quốc tế được giữ lại.

Mặt bằng của 7 thủy đài sau khi tháo dỡ có diện tích khoảng 12.724m3, được dự kiến sử dụng làm nơi chứa nước phòng cháy chữa cháy; xây các trạm châm clo, nâng cao chất lượng nguồn nước.
Sở Xây dựng TPHCM cho hay thành phố có 103 thủy đài, tập trung nhiều ở các quận 3, 5, 9, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, theo báo Người Lao Động.
8 thủy đài khổng lồ hình chiếc nấm trên được xây dựng từ năm 1965 đến 1969, nằm chung một hệ thống, kết cấu bêtông cốt thép với tổng dung tích trên 49.000 m3.
Các thủy đài được thiết kế với mục đích ổn định nguồn nước cho các khu vực ở xa nhà máy nước Thủ Đức (hoàn thành năm 1966) như Gò Vấp, quận 11, quận 6…
Về nguyên lý hoạt động, buổi tối, khi người dân ít sử dụng sẽ dư ra một lượng nước lớn. Phần nước dư này sẽ tự động bơm lên các thủy đài. Khi ban ngày, nếu thiếu nước, thủy đài sẽ tự động mở van để bơm nước trở lại vào mạng lưới cung cấp. Theo đó, cơ cấu và nguyên lý hoạt động như hệ thống hầm chứa, nhưng ở độ cao 30m.

Theo Báo Người Lao Động, tình trạng bỏ phí 8 thủy đài khổng lồ được đề cập đến từ tháng 7/2006. Tại thời điểm trên, lãnh đạo SAWACO cho biết tất cả các thủy đài này từ khi xây dựng xong đến nay chưa từng được sử dụng và đều có hiện tượng rò rỉ, để phục hồi phải thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu việc cải tạo.
Đối với các thủy đài hư hỏng không sửa chữa được, lãnh đạo Sawaco hứa sẽ phá bỏ để xây dựng lại nhằm mục đích điều hòa áp lực mạng lưới cấp nước cũng như bổ sung nguồn nước chữa cháy cho thành phố.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, các dự kiến trên đều không được thực hiện. Đến tháng 10/2015, Sawaco đề xuất UBND TP phương án tháo dỡ 7 thủy đài, chuyển đổi thành các bể chứa trung gian, trạm bơm tăng áp, trạm châm bổ sung hóa chất clo cho mạng lưới cấp nước, giữ lại một thủy đài hình nấm để làm di tích, truyền thống cấp nước.
Hiện Sawaco đang lên kế hoạch tháo dỡ 7 trong 8 thủy đài khổng lồ nói trên.
‘Phập phồng’ lo sợ dưới chân thủy đài
Theo thông tin từ báo Người Lao Động, khoảng tháng 3/2009, thủy đài ở địa chỉ 179, phường 9, Q.11 bị đổ sập. Do đổ sập giữa đêm khuya nên không có ai bị thương. Thủy đài trên cao khoảng 10 m, kích thước bồn nước khoảng 3 m x 3 m.
Tháng 9/2015, bà Phạm Thị Bé (63 tuổi) bị một mảnh bê tông bằng viên gạch rơi từ thủy đài (nằm trên đường Tô Ký, gần cầu vượt Quang Trung, quận 12), bất ngờ rơi xuống. May thay, vị trí rơi cách bà đứng 3 bước chân nên không xảy ra chấn thương. Bên dưới chân thủy đài này là một tiệm sửa xe và một vựa ve chai.


Tương tự, thủy đài dưới chân cầu vượt Quang Trung (Q.12) có nhiều lỗ thủng lớn trên tấm đan dưới bồn nước, chân thủy đài có nhiều chỗ bị nứt nghiêm trọng. Tuy nhiên, do đất chật chội, người dân vẫn cất nhà ở bên dưới.
2 trong số 3 thủy đài cao 15m ở phường Tăng Nhơn Phú A, Q.9 đã bị gãy một cột.


Ngoài ra, thủy đài ở khu vực đường Hoàng Diệu (Q.4), đường Lê Đại Hành (Q.11), đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận)… liên tục bị rơi sỏi, cát, vữa xuống, nhất là vào mùa mưa.
Nếu xảy ra sự cố, chưa kể lượng nước lớn chứa trong mỗi thủy đài, chỉ tính riêng khối lượng bê tông cũng đủ gây ra tai nạn.
Phan A tổng hợp
Xem thêm: