Ngày 31/3, đã diễn ra Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015. Trong đó, đáng quan ngại là chi phí không chính thức đang tăng lên cả về tần suất, quy mô, muốn phát triển thì cần phải cải cách.

Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng được công bố, tiếp theo lần lượt là Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai…

TP.Hồ Chí Minh đứng vị trí thứ 6, còn Hà nội đứng thứ 24. Đứng cuối là Đăk Nông, trên đó là Hà Giang, Lai Châu…

Đà nẵng vẫn dẫn đầu nhờ công khai, minh bạch

Đà Nẵng, Đồng Tháp và Quảng Ninh đã có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ; tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 là Vĩnh Phúc và Lào Cai.

Đà Nẵng giữ vững được vị trí thứ nhất năm thứ ba liên tiếp. Cộng đồng DN cũng đánh giá cao các tỉnh Đồng Tháp, Quảng Ninh, Lào Cai và Vĩnh Phúc đã có sự tiến bộ vượt bậc trong năm vừa qua. Các DN ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hoá… và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Qua từng năm, PCI đã định hình là một tập hợp tiếng nói có trọng lượng, xây dựng và đầy tha thiết của các DN về môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam.

Có rất nhiều mô hình tốt như chương trình đánh giá mức độ hài lòng của DN về các sở ngành, huyện thị tại Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang…; mô hình hỗ trợ DN khi đăng ký kinh doanh và đặt lịch hẹn qua tổng đài 1080 tại TP. Hồ Chí Minh; mô hình trung tâm hành chính công hiệu quả với nút bấm hài lòng của DN tại Quảng Ninh, Đà Nẵng; mô hình Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tại Quảng Ninh, Quảng Nam; mô hình café DN tại Đồng Tháp, Tuyên Quang…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ted Oisius,  Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam nói “Điều tích cực thể hiện qua báo cáo PCI năm nay là chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam đang duy trì xu hướng cải thiện, các tỉnh nhóm đầu có xu hướng bứt phá lên. Đăng ký DN, tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến khả quan.”

65% doanh nghiệp phải chi phí không chính thức

Tuy nhiên, vấn đề chi phí không chính thức còn phổ biến, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là những trở ngại cho sự phát triển của các DN Việt Nam.

“Điểm số về chi phí không chính thức giảm và đã có xu hướng giảm mấy năm qua. Điểm số giảm đi chứng tỏ chi phí không chính thức đang tăng lên cả về tần suất và quy mô, đây là xu hướng đáng quan ngại”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã nói.

Báo cáo PCI 2015 chỉ ra các xu hướng đáng quan ngại như có đến 11% doanh nghiệp được khảo sát cho biết chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức, 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến.

Cũng theo báo cáo này, 39% cho rằng các tỉnh thành ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, 49% cho rằng các tỉnh thành ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước, và 56% cho rằng ưu đãi các công ty lớn là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều tra PCI 2015 cũng cho thấy để tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, 65% DNNVV thường xuyên chi trả chi phí không chính thức và 75% DNNVV cần tới mối quan hệ để tiếp cận thông tin.

Cũng liên quan đến tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, chỉ 51-56% DNNVV cho biết có thông tin về chính sách ưu đãi và 20 – 30% DNNVV nói có sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều DNNVV thông báo kết quả kinh doanh ảm đạm. Trong đó, 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ, và 16% doanh nghiệp vừa thông báo kết quả kinh doanh thua lỗ.

Thành Long

Xem thêm: