Kinh tế Việt Nam vừa trải qua một năm đáng nhớ với nhiều kỷ lục kinh tế được thiết lập, nhưng xen lẫn với đó là một số sự kiện đáng quên theo quy luật tương sinh tương khắc của vũ trụ.

Dưới đây là những sự kiện kinh tế tiêu biểu trong năm 2017 được Đại Kỷ Nguyên tổng hợp để độc giả có dịp nhìn lại một năm nhiều thăng trầm.

  1. Chứng khoán Việt Nam vào top thị trường tăng mạnh nhất thế giới

Không chỉ thiết lập mức đỉnh của 10 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam còn ghi dấu ấn với thế giới khi lọt vào top 4 thị trường tăng mạnh nhất trong năm qua.

Chỉ số VN-Index tăng 319,37 điểm, tương đương 48,04% trong cả năm 2017, khép lại năm qua ở mức 984,24 điểm – cao nhất trong 1 thập kỷ qua.

Mức tăng trên giúp VN-Index trở thành chỉ số có sức bùng nổ mạnh thứ tư thế giới, chỉ sau các chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường Argentina (tăng 77,7%), Mông Cổ (tăng 66,5%) và Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 48,2%).

Góp phần không nhỏ vào thành công của thị trường năm qua chính là dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại ước tính đã mua ròng lượng cổ phiếu trị giá hơn 25,89 nghìn tỷ đồng trên thị trường niêm yết của Việt Nam trong năm 2017.

2.Tăng tưởng GDP cao nhất trong 6 năm, vượt chỉ tiêu

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thị trường chứng khoán tăng mạnh như vậy. Hàn thử biểu này đã phản ánh phần nào sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam khi chỉ số GDP cả năm được công bố tăng 6,81%, vượt mức chỉ tiêu 6,7% được Quốc hội đề ra và cũng vượt mọi dự báo.

Giống với chứng khoán, tốc độ tăng trưởng GDP mạnh cũng có dấu ấn của “khối ngoại”. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kỷ lục 213,8 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp gần 73%. Đáng chú ý, xuất khẩu không còn phụ thuộc vào tài nguyên, mà ghi dấu ấn của các sản phẩm chế biến, chế tạo và nông sản, giúp hàng hóa xuất siêu gần 3 tỷ USD.

Các doanh nghiệp FDI năm qua đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam số tiền cao nhất kể từ năm 2009 là 35,88 tỷ USD và giải ngân số tiền kỷ lục 17,5 tỷ USD.

Vốn ngoại vào nhiều giúp Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ và nâng lượng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục gần 52 tỷ USD.

  1. Việt Nam thu hút lượng khách quốc tế kỷ lục, du lịch thu 510 nghìn tỷ đồng

Một sự kiện nữa mang dấu ấn của nước ngoài là lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm qua đạt mức kỷ lục gần 13 triệu lượt tăng gần 30% – mức tăng chưa từng có.

Ngoài ra, ngành du lịch còn phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 510.000 tỷ đồng, đóng góp tới 7% vào GDP.

Tổ chức Du lịch Thế giới xếp Việt Nam vào 6/10 nước phát triển du lịch nhanh nhất thế giới trong năm qua nhờ các tiêu chí như thủ tục nhập cảnh tốt hơn, môi trường du lịch tốt hơn.

  1. Việt Nam tổ chức thành công APEC, hàng trăm thỏa thuận được ký

Tuần lễ cấp cao APEC không chỉ là sự kiện chính trị nổi bật mà còn là sự kiện kinh tế đáng ghi nhớ của Việt Nam trong năm qua khi diễn đàn quốc tế này đã mang nhiều nguyên thủ và lãnh đạo doanh nghiệp lớn đến Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của đất nước.

Hàng loạt nguyên thủ quốc gia lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Việt Nam và có các bài phát biểu về chính sách kinh tế. Bên cạnh đó, đại diện nhiều tập đoàn lớn như Facebook, ExxonMobil, Walmart… cũng đến dự các diễn đàn về kinh doanh.

Trong tuần lễ này, Việt Nam đã chứng kiến 121 thỏa thuận với giá trị hơn 20 tỷ USD được ký kết, mở ra cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.

  1. Giải cứu lợn

Ngược với việc chứng khoán lên cao nhất trong 10 năm, thị trường thịt lợn lại phải kêu cứu khi giá thịt xuống mức thấp nhất trong 10 năm, khiến Chính phủ phải phát động một cuộc giải cứu chưa từng có.

Đầu tháng 4, giá thịt lợn giảm không phanh và có lúc xuống tận 15.000 đồng/kg. Trung bình 1 con lợn người nông dân lỗ hơn 2 triệu đồng.

Thống kê tại thời đỉnh điểm khủng hoảng, đàn lợn của Việt Nam lên tới 70 triệu con. Tháng 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải phát động cuộc giải cứu lợn trên quy mô cả nước để giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung.

Ước tính đã có khoảng 900.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải treo chuồng và đứng trước nguy cơ phá sản.

  1. Xử nhiều đại án kinh tế

Năm 2017 ghi nhận việc xét xử nhiều đại án kinh tế, như vụ Hà Văn Thắm tại Oceanbank, vụ Châu Thị Thu Nga tại Công ty Housing Group.

Nổi bật nhất là vụ cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ chính trị, đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội, khởi tố và bắt giam ông Đinh La Thăng về hành vi tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều cán bộ cao cấp khác cũng bị xử lý kỷ luật liên quan đến kinh tế như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Nguyễn Văn Thiện.

  1. Bất cập tại nhiều dự án BOT

Tình trạng ách tắc xảy ra tại các trạm thu phí BOT từ Bắc vào Nam như Cai Lậy, Bến Thủy, Biên Hòa hay Quốc lộ 5. Hàng loạt trạm thu phí BOT đối mặt với việc trả tiền lẻ do người dân bức xúc vì tuyến đường họ không đi nhưng vẫn phải trả tiền, hoặc đường cũ thảm lại nhưng thu phí cả 2 tuyến cũ và mới.

Từ đây, những bất cập từ các dự án BOT đã lộ diện trong chỉ định thầu, đặt sai vị trí trạm, nâng thời gian thu phí.

Lần đầu tiên các dự án BOT được rà soát, kết quả đã giảm 100 năm thu phí tại 13 dự án BOT. Trong số 51 trạm thu phí BOT thì 45 trạm đã phải giảm phí.

  1. Kinh tế tư nhân nổi lên

Gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm qua, một con số cao kỷ lục cho thấy niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đang cải thiện vượt bậc.

Đầu tư của khu vực tư nhân trong năm 2017 đạt 676,3 nghìn tỷ đồng, vượt mức 594,9 nghìn tỷ đồng của khu vực nhà nước và mức 396,2 nghìn tỷ đồng của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Lần đầu tiên sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam trong năm qua đã có hẳn một nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để khu vực này trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Lãnh đạo chính phủ trong năm qua liên tục có các cuộc đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

  1. Thoái vốn nhà nước kỷ lục

Nhân lúc thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, các vụ thoái vốn đình đám của Vinamilk và Sabeco đã giúp ngân sách thu một lượng lớn vốn kỷ lục.

Tổng giá trị cổ phần hóa và thoái vốn trong năm qua đạt mức kỷ lục gần 350.000 tỷ đồng, vượt cả mục tiêu trung hạn đến năm 2020.

Với thương vụ Sabeco, hơn 343 triệu cổ phần, tương đương 53,59% vốn, đã được 2 nhà đầu tư mua toàn bộ, trong đó có Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có 49% cổ phần của tập đoàn ThaiBev của Thái Lan. Thương vụ này đã giúp nhà nước thu về gần 110.000 tỷ đồng.

Trước đó, Vinamilk bán ra 3,33% vốn nhà nước cho một tập đoàn Singapore, thu về 8.990 tỷ đồng.

  1. Khaisilk bán lụa có nguồn gốc Trung Quốc, lừa người tiêu dùng

Người tiêu dùng Việt Nam năm qua đã không khỏi bàng hoàng trước thông tin hãng lụa nổi tiếng Khaisilk bán hàng “Made in China”.

Trước điều tra của cơ quan chức năng, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ Tập đoàn Khải Đức đã thừa nhận nhập khăn Trung Quốc từ những năm 1990 rồi cắt nhãn và thay bằng nhãn “Made in Vietnam”.

Minh Tuệ