Đó là lời chia sẻ chân thành của một người mẹ. Cô chợt nhận ra rằng mình phải là người mẹ có trách nhiệm và nuôi dạy con tốt hơn nữa…

Vào tối chủ nhật, khi cơm canh đã được dọn lên bàn.

Tôi gọi con gái: “Ăn cơm nhé”.

“Chờ con một chút” – con bé đáp.

Và sau đó…

Tôi ăn trước. Mấy phút sau, con bé bước tới, liếc mắt nhìn cái bàn rồi hỏi: “Cơm của con đâu?”, kèm theo một vẻ mặt tức tối.

Tôi đã bị sốc.

Nét mặt của con bé, và câu hỏi, rõ ràng là nói với tôi: “Mẹ phải xới một bát cơm cho con. Tại sao mẹ không xới cơm cho con vậy?”

Con bé 7 tuổi, có một đôi tay bình thường. Con bé rõ ràng có thể tự xới cơm, tại sao lại cho rằng tôi đương nhiên phải xới cơm cho nó?

Tôi ngay lập tức tìm được lý do. Mặc dù vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình không được thay con làm quá nhiều việc, để nó học cách chịu trách nhiệm cho bản thân, nhưng tôi cũng như rất nhiều bà mẹ khác, có những việc đã vô tình làm thay cho con nhiều hơn một chút.

Trước đây, tôi luôn xới cơm cho con, đến nỗi con bé cho rằng xới cơm là việc mà mẹ phải làm cho nó.

Vì vậy, con bé không những không cảm thấy biết ơn vì tôi đã luôn xới cơm cho nó trong một thời gian dài như vậy, mà ngược lại, bởi vì hôm nay tôi không xới cơm cho con bé thì nó quay lại bất mãn với tôi.

Đúng vậy, nếu trong suy nghĩ của con trẻ là ‘xới cơm là việc mẹ phải làm cho nó’, thì con bé làm sao lại phải biết cảm kích đây?

Tôi nhận ra rằng điều này dung túng cho con gái cái cảm giác ‘cảm thấy đáng được hưởng thụ’, cảm thấy người khác thiếu nợ mình cái gì, hoặc là cho rằng người khác nhất định phải đối xử đặc biệt với mình.

Người có khuynh hướng này thường cho rằng người khác (nhất là người thân) nên đáp ứng những điều mà họ muốn.

Người khác đáp ứng được, họ sẽ cảm thấy rằng đó là những gì mọi người nên phải làm cho họ, và họ không biết là mình cần phải cảm ơn người đó.

Còn nếu người khác không đáp ứng, họ lại cho rằng họ quá tệ rồi, sau đó sẽ sinh tâm bất mãn và oán hận.

Trẻ cũng vậy, coi sự đáp ứng của cha mẹ là điều bắt buộc thì khi không được đáp ứng sẽ sinh tâm bất mãn và oán hận. (Ảnh: jpninfo.com)

Người ‘cảm thấy đáng được hưởng thụ’ mạnh mẽ có thể trở thành một “con sói mắt trắng”.

***

Cách đây không lâu, tôi nhìn thấy một bài viết trên mạng, người chủ topic tê là Tiểu A. Tiểu A lên 10, cha mẹ lần lượt qua đời.

Chị gái 20 tuổi đem anh ta về nuôi nấng thành người, rồi cho anh ta đi học đại học, sau này anh ta thi đậu vào làm công nhân viên chức.

Chị gái làm việc trong nhà máy, anh rể bày một cái sạp nhỏ ở cổng trường, cũng rất vất vả để gồng gánh chi tiêu cho cả nhà. Giờ chị gái đã nghỉ hưu, tiền hưu mỗi tháng là 1.800 NDT.

Con trai của chị gái, cũng là cháu trai của Tiểu A thi đậu vào đại học kiến trúc nước ngoài, học phí đắt hơn các trường đại học trong nước rất nhiều. Thu nhập của nhà chị giảm mạnh, chi tiêu đột nhiên tăng lên. Tài chính nhanh chóng trở nên eo hẹp, căng thẳng. Chị gái muốn tiểu A mỗi tháng đưa lại 1.000 NDT để làm tiền dưỡng lão (Thực tế có thể là phụ vào chi phí sinh hoạt cho cháu trai đi học đại học).

Tiểu A mặc kệ, lại còn thuyết phục chị đừng cho cháu đi học đại học kiến trúc đắt giá.

Quá bất ngờ về hành động của em trai, người chị trong cơn tức giận đã tuyên bố rằng sẽ kiện Tiểu A ra toà nếu như Tiểu A không trả tiền nuôi dưỡng.

Tiểu A tức tối nói, chị gái chỉ nuôi anh ta lớn, đối với anh ta chẳng được như đối với cháu, thậm chí là không tốt. Anh ta lấy ví dụ như năm 2003, khi anh ta đang học đại học, mỗi tháng chị gái chỉ cho anh ta vẻn vẻn 300 NDT chi phí sinh hoạt. Trong lời nói rất nhiều bất mãn với chị gái, không hề có một chút biết ơn nào.

Chị gái đưa anh ta về nuôi dưỡng thành người, còn cho anh ta đi học đại học, Tiểu A đáng lẽ nên phải cảm kích trong lòng, nhớ ơn đền đáp mới phải. Thế mà anh ta lại còn cho rằng anh rể và chị gái làm thế còn chưa đủ.

Chị gái đưa anh ta về nuôi dưỡng thành người, Tiểu A đáng lẽ phải nhớ ơn đền đáp, thế mà anh ta còn cho rằng như thế chưa đủ. (Ảnh minh họa: spiritai.com)

***

Tôi không thông thạo về luật pháp, tôi không biết cậu em này có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ phụng dưỡng chị gái hay không. Nhưng từ nhân tình đạo nghĩa mộc mạc mà nhìn, nhận một giọt nước ân tình cũng phải dùng cả tấm lòng biết ơn như dòng thác lớn mà đáp đền, huống chi là mười năm nuôi dưỡng, rồi đi học đại học, lập thân lập nghiệp đều là anh chị vất vả lo cho. Đến lúc chị gặp khó khăn, anh ta lấy lý do gì mà bàng quan mặc kệ?

Tôi đặt mình vào vị trí của người chị mà cảm thấy thương cảm. Mang theo em trai rồi xuất giá về nhà chồng đã là điều không dễ dàng. Nhiều năm cực khổ để rồi nuôi lớn một “con sói mắt trắng” vô ơn bạc nghĩa, thật đúng là điều bất hạnh.

Tôi cũng không muốn nuôi dưỡng con gái thành một “con sói mắt trắng” như vậy. Tôi nuôi dạy con gái với trách nhiệm của một người mẹ, không nghĩ đến hồi báo từ con gái. Nhưng nếu khi con bé lớn lên lại cho rằng tôi thay thế nó làm mọi thứ đều là chuyện đương nhiên, thì nếu một ngày nào đó tôi làm ít đi, hoặc là không làm, chắc chắn nó sẽ quay lại oán hận, ghét bỏ tôi…

Nếu như điều này xảy ra, đó lại là bất hạnh của tôi rồi.

Vì vậy, tôi nói với con bé: “Mẹ vừa mới suy nghĩ lại, có thể trước đây mẹ vẫn luôn giúp con xới cơm, khiến con nghĩ rằng xới cơm cho con là điều đương nhiên mẹ phải làm. Mẹ thấy rằng như vậy là rất không tốt. Bắt đầu từ hôm nay, xới cơm sẽ việc của con tự mình làm, nên là con tự xới cơm cho mình nhé!”.

Kể từ đó, tôi càng cảnh giác hơn, thường vẫn tự hỏi liệu mình có phải là đang làm giúp con bé quá nhiều chăng, và nhắc nhở bản thân không được thay thế con bé làm phần việc của nó. Ngoài ra tôi cũng đem một số công việc nhà phân công để nó đảm nhiệm như một thành viên trong gia đình.

Kể từ đó tôi càng cảnh giác để bồi dưỡng lòng biết ơn cho con. (Ảnh minh họa: woman.excite.co)

Khi chúng tôi làm việc, tôi cũng thường nhờ con giúp đỡ, để nó hiểu được khó khăn của lao động, dạy con bé biểu đạt lòng biết ơn. Nếu như con bé biểu đạt sự cảm kích, nó sẽ nhận được càng nhiều, nếu như nó không cảm thấy biết ơn, lần sau tôi sẽ lại không giúp nó làm những điều ấy. Ngoài ra, tôi cũng giảm bớt sự đầy đủ vật chất, để con bé hiểu được không phải là nó muốn gì thì đều sẽ có được.

Tôi thấy rất nhiều cha mẹ không biết rằng mình đang vô tình nuôi dưỡng nên một “con sói mắt trắng”. Họ càng thay con làm nhiều việc, khi lên lớp hoặc trên đường đi học về, cặp sách của trẻ là do cho mẹ mang cho, trẻ yên tâm thoải mái tay không bước đi, áo đến thì đưa tay, cơm đến  thì há mồm, không cần làm việc nhà, chỉ cần học tốt, hưởng thụ vật chất quá mức đủ đầy, có nhiều học sinh tiểu học còn có cả điện thoại hoặc máy vi tính…

Đây đều là dung túng con trẻ cảm thấy ‘đương nhiên được hưởng thụ’.

Hôm nay trẻ cho rằng bạn nên mua cặp sách và mua điện thoại di động cho nó, ngày mai nó sẽ lại cho rằng bạn phải tìm công việc, mua xe, mua nhà. Nếu một ngày nào đó bạn không đáp ứng được mong muốn của nó, nó sẽ sinh tâm oán hận với bạn.

Vụ kiện kia chính là cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ. Dạy trẻ học cách chịu trách nhiệm, hiểu được lời cảm ơn quan trọng đến nhường nào. Một đứa trẻ biết nói lời cảm ơn, nó sẽ biết cảm kích người đã thay nó làm, trân trọng tất cả mọi thứ mà nó có, hiểu được rằng tất cả những gì mình có ở hiện tại chính là hạnh phúc.

Vậy nên, người làm cha mẹ chúng ta hãy nên ghi nhớ rằng: Nếu như bạn không muốn nuôi dưỡng con thành “con sói mắt trắng”, vậy thì tuyệt đối không nên thay trẻ làm quá nhiều việc.

Theo cmoney
Mây Trắng biên dịch