Lòng tự trọng thực sự cần thiết trong các mối quan hệ xã hội ngày nay. Người có lòng tự trọng luôn biết giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình và hiểu được giá trị bản thân. Do đó, việc xây dựng đức tính này cho học sinh, đặc biệt là học sinh trung học sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo nên giá trị, làm nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động và giao tiếp.

Ai cũng biết rằng những năm tháng trung học cơ sở có ảnh hưởng quan trọng đến việc định hình nhân cách, thành công một con người. Dù tốt hay xấu, những kiến thức và cách ứng xử mà các em thiếu niên học được trong thời gian từ lớp 6 đến lớp 9 có thể theo các em suốt đời. Giáo viên chính là người gần gũi, giúp các em phát huy nền tảng tư tưởng và các hành vi tích cực, bao gồm cả việc xây dựng lòng tự trọng. Vì đây là một nhân tố vô cùng đặc biệt quyết định thành công, do đó, ngoài kiến thức các môn học, giáo viên nên quan tâm trang bị cho học sinh phẩm chất này. 

Lòng tự trọng là gì?

Hầu hết học sinh đều biết thuật ngữ này và ý nghĩa của nó, nhưng nếu yêu cầu tự đánh giá mức độ tự trọng của bản thân mình thì không hẳn ai cũng làm được. Trước khi nghĩ đến các hoạt động giúp xây dựng lòng tự trọng cho học sinh, giáo viên hãy hướng dẫn các em cách tự đánh giá. Kết quả thu được sẽ là tư liệu giúp giáo viên có cái nhìn ban đầu về từng học sinh, từ đó đánh giá và so sánh trong suốt năm học.

Nhìn chung, lòng tự trọng là sự thừa nhận giá trị của chính mình và yêu quý bản thân một cách đúng đắn. Đó là khả năng nhận thức rõ và hành động nhằm nuôi dưỡng, cải thiện và phát huy bản thân cũng như mối quan hệ với người khác.

istock
Lòng tự trọng giúp học sinh tự tin và yêu quý bản thân theo cách đúng đắn (ảnh: Mental Floss).

Chúng ta hãy cùng xem một số hoạt động mà giáo viên có thể áp dụng vào lớp học để giúp học sinh cảm thấy thoải mái, tự tin về chính mình. Những hoạt động này phù hợp nhất với học sinh cấp hai, nhưng vẫn có thể áp dụng cho các khối lớp khác nhau.

“Tôi Là” 

Đây là một trong những hoạt động phổ biến nhất giúp học sinh thuộc tất cả các khối lớp xây dựng lòng tự trọng. Phương pháp này yêu cầu chỉ dùng câu khẳng định và từ ngữ tích cực. Bởi vì giáo viên muốn khuyến khích học sinh suy nghĩ tích cực về những điều tốt đẹp của chính bản thân các em. Những điều tốt đẹp ấy sẽ không ngừng được củng cố trong tâm trí học sinh, và giúp các em nâng cao lòng tự trọng.

Suy nghĩ và và viết ra những điều tích cực về bản thân giúp học sinh nâng cao lòng tự trọng (ảnh: Mental Floss).

Dụng cụ cần chuẩn bị cho hoạt động gồm:

Một tờ giấy

Một cây bút bi hoặc bút chì

Một số tạp chí hoặc giấy nến

Kéo và hồ dán

Học sinh viết vào giấy một danh sách tự định nghĩa về bản thân. Ví dụ: “Tôi là một người chăm chỉ” và “Tôi là người chơi bóng rổ giỏi”. Mỗi câu phải bắt đầu bằng “Tôi là…”. Hãy khích lệ học sinh viết ra càng nhiều càng tốt những phẩm chất tích cực, tốt đẹp về bản thân mà các em có thể nghĩ đến.

Sau đó, các em có thể trang trí danh sách của mình bằng hình vẽ hoặc cắt dán các hình ảnh yêu thích từ tạp chí… Hãy dặn các em giữ lại danh sách này đến cuối năm học, hoặc có thể treo trong lớp nhằm mục đích nhắc nhở các em luôn suy nghĩ và hành động tích cực.

“Chúng Ta Là”

Để giúp các em tương tác tốt hơn với bạn học, giáo viên có thể sử dụng hoạt động sau đây. Đây là một hoạt động nhóm, tương tự hoạt động “Tôi Là” kể trên. Học sinh cùng nhau tìm kiếm các điểm tương đồng trong một nhóm và cùng hoàn thành danh sách gồm những mô tả cho thấy họ giống nhau.

Các thành viên thường khích lệ đông viên lẫn nhau khi làm việc nhóm (ảnh: We25).

Ví dụ về một mô tả phổ biến như “Chúng ta là con người,” nhưng sẽ có rất nhiều điều thú vị được phát hiện sau khi các nhóm tìm hiểu thêm về nhau, như  “Chúng ta đều rất hâm mộ [chương trình truyền hình…].” hay “Chúng ta đều là con thứ trong nhà.”, v.v. Tìm kiếm sự tương đồng dễ khiến nảy sinh tình bạn, và những người cùng chí hướng thường có xu hướng khích lệ lẫn nhau, điều này cũng sẽ giúp nâng cao lòng tự trọng ở mỗi cá nhân.

Điểm mặt đặt tên 

Một hoạt động khác là “Điểm mặt đặt tên”. Nó khá đơn giản: học sinh chỉ cần lập một danh sách các đặc tính nổi bật giúp các em trở thành một người bạn tốt hoặc một người chị/người anh em tốt. Hãy yêu cầu các em mô tả chi tiết lý do tại sao các em nghĩ mình phù hợp với những đặc điểm/mô tả tốt đẹp đó, đồng thời yêu cầu học sinh trình bày nhận thức của các em về tầm quan trọng của những đặc điểm đó đối với bản thân và mọi người xung quanh.

Những điều này có thể được viết vào một quyển sổ như nhật ký hoặc một tờ giấy. Giáo viên phải đảm bảo tính riêng tư và bảo mật của mỗi bài viết, như vậy học sinh mới có thể trung thực viết ra cảm nghĩ của chính mình.

Mục đích của hoạt động là nhằm giúp học sinh nhìn nhận tích cực hơn nữa về bản thân và hành vi của mình sau khi viết ra và/hoặc chia sẻ những điều tốt đẹp mà các em đã từng làm vì người khác. Các em có thể phát hiện những điều tốt về bản thân mà chính các em vẫn chưa biết đến. Đây cũng là một phương pháp hữu ích giúp học sinh bắt đầu suy nghĩ về hình mẫu mà họ muốn trở thành trong tương lai.

Vượt khó 

Một hoạt động khác dành cho lớp học có tên là “Vượt khó”. Giáo viên yêu cầu học sinh lập danh sách những sai lầm, thất bại và trở ngại trong cuộc sống. Sau đó đề nghị các em tự đưa ra những ý tưởng tích cực để vượt qua những trở ngại đó. Mục đích là nhằm tạo cơ hội cho học sinh tự đánh giá, giải quyết khó khăn và cải thiện bản thân.

Ví dụ, sau khi kể rằng “Em bị trượt bài kiểm tra toán” thì học sinh có thể đưa ra một phương án sửa chữa như “Em sẽ học chăm hơn để đạt kết quả tốt trong bài kiểm tra sau” hoặc “Em sẽ nhờ cô giáo kèm thêm về bài kiểm tra ấy”.

Một dạng khác của hoạt động này là yêu cầu từng học sinh lập danh sách những sai lầm, thất bại và trở ngại trong cuộc sống, sau đó để các em làm việc theo nhóm. Mỗi nhóm sẽ cùng nhau đưa ra các ý tưởng giúp từng cá nhân vượt qua trở ngại của mình.

Phỏng vấn 

“Phỏng vấn” là hoạt động cho phép học sinh làm việc theo cặp và phỏng vấn lẫn nhau. Các em phải đặt những câu hỏi nhằm hiểu thêm về người bạn đối diện, chẳng hạn như “Bạn thích màu gì?” hoặc “Nếu được lựa chọn, bạn muốn đến nơi nào và tại sao?”…

Hoạt động kết thúc bằng việc học sinh sẽ thay phiên nhau “giới thiệu” với lớp học về người bạn mà mình đã “phỏng vấn”. Giáo viên có thể chuẩn bị giúp học sinh một danh sách các câu hỏi đa dạng để sử dụng khi phỏng vấn. Mục đích của hoạt động này là kết nối học sinh với nhau ngay từ đầu năm học.

Thư gửi bản thân

Đây là một hoạt động thường ít được chú trọng, hay có lẽ thường bị cho là cũ kỹ, lỗi thời. Học sinh được yêu cầu viết một lá thư cho chính mình ở tương lai, trong đó mô tả chi tiết mọi điều các em ao ước, như cuộc sống tương lai, một bài thơ hay mục tiêu tương lai…Khi năm học kết thúc và nhận lại bức thư, học sinh sẽ dễ dàng so sánh, đối chiếu bản thân đã thay đổi như thế nào.

Những Bức Thư Tột Cùng
Viết thư rèn luyện nhiều tính tốt cho trẻ (ảnh: Lời sự sống).

Giáo viên có thể yêu cầu học sinh viết thư tay và niêm phong kín trong phong bì, và trao lại những lá thư ấy vào cuối năm. Giáo viên cũng có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến như FutureMe.org, dịch vụ này cho phép người dùng cài đặt lùi ngày gửi thư điện tử vào một ngày cụ thể bất kỳ, một, ba hoặc năm năm sau.

Kết luận

Các hoạt động xây dựng lòng tự trọng trong lớp học đều hữu ích cho tất cả học sinh. Thông qua những hoạt động này, giữa học sinh sẽ hình thành mối liên kết bền chặt, nhờ đó cải thiện hiệu quả làm việc nhóm và nâng cao năng lực thấu cảm của các em. Đồng thời, đây cũng là một phương pháp giúp xoa dịu sự ngại ngùng, lo lắng của học sinh khi tiếp xúc với người lạ. Các hoạt động tập trung vào nhận thức cá nhân có thể thúc đẩy kỹ năng tư duy, giúp các em tự đánh giá hành động của mình và nhận ra các đặc điểm hoặc thói quen cần cải thiện.

Theo Teach

Video xem thêm: Nhìn Hồng Kông ngẫm về đại lục

videoinfo__video3.dkn.tv||c4c3d8fc5__