Triển lãm “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” tại TP.HCM đưa ra lời quảng cáo “mang tính giáo dục, cải thiện sức khỏe và giúp con người chiêm nghiệm về sự sống”. Cha đẻ của công nghệ nhựa hoá xác người thật, Gunther von Hagens cũng tự hào nói rằng: “Với trẻ nhỏ, đây quả thật là hình thức giáo dục trực quan và sinh động hơn bao giờ hết”. Chúng ta hãy cùng phân tích xem triển lãm này giáo dục được những gì?

1. Giáo dục sinh học giải phẫu cơ thể người?

Triển lãm xác người nhựa hóa trưng bày 137 mẫu vật cơ thể người thật ở nhiều độ tuổi được nhựa hóa và “tạo hình” ở nhiều tư thế khác nhau: Từ ghê rợn với xác người chẻ đôi, tục tĩu với đôi nam nữ tình tự, đến vô nhân đạo với một người mẹ mang thai bị mổ bụng, các thai nhi nằm chỏng chơ và những bộ phận cơ thể bị cắt rời… khiến không ít người xem phải rùng mình, trẻ con hoảng hốt và khóc thét.

Thứ nhất, để phổ biến kiến thức về sinh học giải phẫu cơ thể người, hoàn toàn có thể dùng chất liệu nhân tạo, hoặc dựng video 3D cũng có tác dụng tương đương.

Để phổ biến kiến thức về sinh học giải phẫu cơ thể người, hoàn toàn có thể dùng chất liệu nhân tạo, hoặc dựng video 3D. (Ảnh: pixabay.com)

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT TP. HCM phát biểu: “Việc sử dụng xác người trong y học phục vụ trong giảng dạy được chấp nhận lâu nay. Nhưng nó rất khác với việc dùng xác người nhựa hóa, đem ra triển lãm. Việc nghiên cứu cơ thể người trong lớp học hay môi trường y khoa thì khác, nhưng việc đưa ra cộng đồng như thế thì quá phản cảm, và theo cá nhân tôi, phi văn hóa và phi nhân tính”.

Thứ hai, nếu chỉ vì mục đích giáo dục sinh học, thì không cần thiết phải “tạo hình” các tư thế ghê rợn, tục tĩu và vô nhân đạo để câu khách kiếm tiền như vậy.

Tiến sỹ công nghệ sinh học Đào Duy Phong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực phẩm và dinh dưỡng, cho rằng: “Tôi có đọc những tài liệu cho thấy ở nước khác, tiền thu về từ việc nhựa hóa như thế là con số khổng lồ. Ở Mỹ, cũng đã từng có điều tra về nguồn gốc thân thể nhựa hóa. Và người ta khá vòng vo về nguồn gốc này”. Theo ông Phong: “Việc lấy thân xác của người đã mất ra để làm triển lãm như thế thật sự là không nên. Nó đảo lộn trật tự, giá trị thuộc về văn hóa truyền thống và đạo đức”.

2. Giáo dục về sức khoẻ?

Theo Ban tổ chức, triển lãm nhằm mục đích “cảnh tỉnh người xem về các tác hại do bệnh tật và các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc và cả sinh hoạt không lành mạnh gây ra đối với cơ thể”.

Tạm cho rằng triển lãm nhằm mục đích đề cao tố chất thân thể của người xem. Tuy nhiên, khái niệm sức khoẻ bao hàm cả sức khoẻ về tinh thần và tâm lý. Nhiều khách tham quan đã bị “ám ảnh” trước các thi thể người ghê rợn, các nội tạng cơ thể được phơi ra trần trụi, có em bé còn khóc thét. Vậy thì, sức khoẻ của họ sẽ tốt lên chăng?

Quan trọng hơn, điều quan trọng nhất của một con người là phẩm giá. Giám mục Tin Lành Ulrich Fischer và tổng giám mục Công giáo Robert Zollitsch của Đức đã lên án triển lãm này vì cho rằng: “Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm – ngay cả sau khi chết – vì vậy cơ thể con người không nên bị biến thành vật thể trưng bày”.

Xem những hình ảnh ghê rợn và vô nhân tính như vậy thử hỏi sức khỏe người ta có tốt hơn lên không? (Ảnh: youtube.com)

3. Giáo dục khoa học công nghệ bảo quản xác người?

Công nghệ nhựa hoá xác chết “Plastination” được Gunther Von Hagens công bố và đăng ký bằng sáng chế vào năm 1977. Nó thay thế nước và chất béo của cơ thể bằng các chất dẻo có độ bền khác nhau. Quá trình mổ, ướp và nhựa hóa một xác người hoàn chỉnh tiêu tốn khoảng 1.500 giờ công và thường mất khoảng 1 năm để hoàn thiện.

Nếu nhà tổ chức muốn quảng bá công nghệ bảo quản xác người mới này, họ có thể làm phim tư liệu, và cùng lắm là triển lãm một số ít mẫu vật do người đồng ý hiến tặng trong tư thế tôn nghiêm. Tuy nhiên, lời kể của một nhân chứng trong xưởng gia công thi thể người phục vụ cho triển lãm của Von Hagens cho thấy khó lòng mà “làm phim” về quy trình đó được.

Nhà máy nhựa hóa cơ thể người đầu tiên được Von Hagens xây dựng tại Đại Liên, Trung Quốc vào tháng 8/1999. Ông Lý, người từng làm ở công xưởng gia công thi thể người ở Đại Liên trong 1 năm rưỡi, đã kể với Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung câu chuyện rùng rợn mà ông chứng kiến:

“Có thi thể là phụ nữ mang thai, anh biết không? Có xưởng xử lý thi thể, đây là nơi ngâm trước. Con người phải có sự tôn nghiêm, người chết cũng phải có sự tôn nghiêm. Thế mà thi thể người lại quăng vào cái bể nổi lềnh bềnh như heo, trong đó toàn dung dịch formalin. Formalin có tác dụng diệt khuẩn và cố định các bộ phận cơ thể”.

“Trong một bể ngâm một lần khoảng 4 đến 5 thi thể, tiêu bản tốt thì 2 thi thể một bể, không tốt thì 4 hoặc 5 người một bể. Sau khi ngâm một thời gian thì những tiêu bản không còn giống người nữa mà giống như hình nộm plastic, vô sắc vô hồn”.

Năm 2004, tờ báo Đức Der Spiegal tiết lộ chứng cứ rằng bào thai 9 tháng tuổi trong triển lãm của Von Hagens có nguồn gốc từ “Cục An ninh Trung Quốc” vào năm 2001. Tổ chức WOIPFG (Tổ chức Thế giới Điều tra Đàn áp Pháp Luân Công) đặt câu hỏi: “Làm thế nào một bào thai 9 tháng tuổi lại có trong Cục An ninh Trung Quốc?”.

Xem thêm: Nguồn gốc cơ thể nhựa hóa đến từ Trung Quốc?

Chúng ta đang giáo dục hay đang phá bỏ đi lương tri đạo đức của con người? (Ảnh: youtube.com)

Vaughan Macefield, Giáo sư sinh lý học tại Đại học Western Sydney, Australia nói rằng thật “kinh khủng” khi tới tận năm 2018 rồi mà những mẫu vật không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc như vậy vẫn được trưng bày ra công chúng.

Thiết nghĩ, chiếc áo “vì giáo dục” mỹ miều có thể tạm che đậy hành vi tội ác trong bóng tối, nhưng không thể che giấu nổi trước lương tri của con người.

Thanh Ngọc