Ông Tưởng Kinh Quốc, trong hồi ức về quá trình trưởng thành của mình, không ít lần nói về tình huống Tưởng Giới Thạch đã dẫn dắt ông đọc sách, học tập, tu dưỡng như thế nào.

Tiếp theo Phần 1.

Tưởng Giới Thạch khuyên con: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán học rất quan trọng

Tưởng Giới Thạch rất chú trọng việc giáo dục Tưởng Kinh Quốc, đặc biệt rất xem trọng ba môn học là tiếng Trung, tiếng Anh và toán học. 

Trong lá thư ngày 4/8/1922, Tưởng Giới Thạch viết: “Học kỳ sau đã có môn thi tiếng Anh rồi, con nên cố gắng học tập. Thời bây giờ nếu không biết tiếng Anh cũng giống như người câm điếc vậy, sau này cũng không đi đâu được, sự nghiệp cũng không thể thăng tiến”. Ông còn dạy Tưởng Kinh Quốc: “Chủ nhật hàng tuần, con hãy dành thời gian đặt tâm một chút, có thể đến Thương Vụ Ấn thư quán mua một số tạp chí, tiểu thuyết tiếng Anh để đọc, cũng có thể nâng cao kiến thức”.

Ngày 13/10/1922, Tưởng Giới Thạch khuyên bảo: “Con nên biết rằng học vấn bây giờ, Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán học, ba môn này là cần thiết nhất. Con chỉ cần thành thạo ba môn này, tự bản thân cũng dần dần dễ dàng có những bước tiến dài”. “Cũng cần phải chú ý môn Toán học để không bị lười biếng, mất hứng thú học tập. Khi gặp vấn đề nghi vấn, thì phải hoàn toàn giải khai”.

Đối với việc học Trung Văn, đặc biệt là cách viết như thế nào, Tưởng Giới Thạch cũng hướng dẫn cho Tưởng Kinh Quốc: “Muốn văn chương được tốt, hãy góp nhặt thật nhiều danh từ, nhất là từ ghép, ví dụ như ‘nhân loại’, ‘phẩm hạnh’, ‘cuộc sống’, ‘không khí’, v.v. Hàng ngày chú ý ghi nhớ, khi viết văn có thể dễ dàng viết ra. Bất kể là Tiếng Trung hay Tiếng Anh đều nên để ý như vậy. Nếu như lúc bình thường không nhớ nhiều danh từ, đến lúc viết văn sẽ cảm thấy không cách nào hạ bút viết. Đây là bí quyết quan trọng nhất của việc đọc sách, viết văn. Con cứ thử học như vậy, tự con sẽ hiểu rõ”.

Tường Giới Thạch là người ham học hỏi, nên ông luôn muốn con mình là Tưởng Kinh Quốc chú tâm đến việc học, đặc biệt là ba môn: Tiếng Trung, tiếng Anh và Toán học.
Tường Giới Thạch là người ham học hỏi, nên ông luôn muốn con mình là Tưởng Kinh Quốc chú tâm đến việc học, đặc biệt là ba môn: Tiếng Trung, tiếng Anh và Toán học. (Ảnh: pixnet.net)

Tưởng Giới Thạch cũng chỉ bảo Tưởng Kinh Quốc phương pháp học tiếng Anh, cần coi trọng việc thực hành nói. Trong thư ngày 17/11/1923, Tưởng Giới Thạch hướng dẫn Tưởng Kinh Quốc: “Tiếng Anh của con không biết đã tiến bộ chưa? Tiếng Anh không chỉ là coi trọng ngữ pháp, mà còn cần phải tập nói thật nhiều. Ví dụ như khi gặp mặt bạn bè, hoặc là có một người bạn tốt, có thể nói tiếng Anh cùng nhau, con hãy thường xuyên cùng họ nói tiếng Anh, như vậy sẽ nhanh chóng tiến bộ”. “Các môn học thông thường khác, cũng đều cần hiểu biết, sau này mới có thể đối đáp được. Học tiếng Anh có thể thường nói chuyện sẽ thành thục, sau này có thể đàm luận cùng mọi người, đó chính là cách ứng dụng tiếng Anh đó”.

Tưởng Giới Thạch từng muốn cho Tưởng Kinh Quốc đến học trường giáo hội của người nước ngoài. Ngày 1/5/1924, Tưởng Giới Thạch viết thư yêu cầu: “Năm học này, con cần chú ý Anh ngữ. Năm cuối cần cố gắng trúng tuyển Đại học kỹ thuật Thánh John lớp thứ hai, nếu không cũng phải vào được lớp thứ nhất”. Nhưng sau đó mong muốn này đã không thể thực hiện được.

Yêu cầu viết thư mỗi tuần

Tưởng Giới Thạch luôn quan tâm tình hình học tập ở trường của Tưởng Kinh Quốc. Ngày 1/5/1923, Tưởng Giới Thạch viết thư yêu cầu Kinh Quốc: “Con mỗi Chủ nhật phải viết một bức thư cho cha, hơn nữa phải viết hai ba trăm chữ trở lên về những suy nghĩ gần đây, những việc làm hàng ngày, cùng với tâm đắc đọc sách hàng ngày, toàn bộ viết ra gửi cho cha. Thứ nhất cha con có thể thư từ qua lại. Thứ hai có thể luyện tập hành văn, chữ nghĩa, thật sự rất có ích, hãy ghi nhớ cho kỹ. Cha viết thư cho con, con có thể bất kỳ lúc nào cầm xem một chút, cũng tự nhiên sẽ có tiến bộ”.

Ngày 7/8/1923, Tưởng Kinh Quốc trong thư gửi Tưởng Giới Thạch viết: “Thành tích học tập trong trường của con lần này không được như năm ngoái, nhưng cũng không phải thụt lùi. Bởi vì con là được thêm vào lớp, thiếu mất nửa năm, cho nên so với các bạn cùng lớp thì lúc đầu kém hơn rất nhiều”.

Tưởng Giới Thạch viết thư cho con, yêu cầu con viết thư lại nói về những việc làm hàng ngày, cùng với tâm đắc đọc sách hàng ngày, với mục đích là có thể luyện tập hành văn, chữ nghĩa.
Tưởng Giới Thạch viết thư cho con, yêu cầu con viết thư lại nói về những việc làm hàng ngày, cùng với tâm đắc đọc sách hàng ngày, với mục đích là có thể luyện tập hành văn, chữ nghĩa. (Ảnh minh hoạ: Tinhhoa.net)

Thực ra, Tưởng Kinh Quốc học tập vẫn là rất cố gắng, rất nỗ lực. Cậu ở trong thư còn nhắc tới bài luận mà cậu viết, đề mục là “Hãy nói với tôi chí hướng học tập của bản thân bạn”. Cậu tự mình rất hài lòng, đưa bài luận này vào bức thư cho cha xem, Tưởng Kinh Quốc cũng muốn được nghe ý kiến từ cha.

Năm 1923, Tưởng Giới Thạch theo lệnh Tôn Trung Sơn, dẫn phái đoàn đại biểu đi thăm Liên Xô nhưng vẫn quan tâm tình hình học tập của con trai mình. Trong thư ngày 9/4, ông viết: “Con gần đây học tập tự mình cảm thấy có tiến bộ không, phải thường xuyên báo cho ta biết nhé”. Ngày 14, ông lại viết thư nói: “Con giờ học tập không biết có tiến bộ nhiều hơn so với nửa năm trước không. Cha rất bận lòng”.

Hướng dẫn tu dưỡng phẩm đức và rèn luyện sức khỏe

Tưởng Giới Thạch cũng rất chú trọng sức khỏe thể chất và rèn luyện thể dục của con trai mình. Mùa xuân năm 1923, Tưởng Kinh Quốc tham gia đại hội thể dục thể thao ở trường và đạt giải. Ngày 13/5 Tưởng Giới Thạch viết thư khuyến khích: “Đại hội thể thao lần này, con đạt giải hai. Cha rất vui mừng. Thể dục là rất quan trọng, sau này còn phải thường xuyên luyện tập mới được”.

Có thể vì lý do học tập rất chăm chỉ, ngày 24/9/1923, Tưởng Kinh Quốc viết thư cho cha, nói về thân thể so với các năm có kém hơn, thường bị đầu óc choáng váng, chảy máu mũi, cảm thấy rất chán nản.

Ngày 15/10, Tưởng Giới Thạch trả lời thư, dạy rằng: “Lần trước cha viết thư cho con, muốn con quan tâm đến thân thể mình, hơn nữa còn cần chuyên cần tập thể thao. Con sáng sớm mỗi ngày sau khi ra khỏi giường, có thể tập thể dục nhẹ nhàng hoặc tập tạ, cũng có thể gọi Tiển Phu cùng luyện, sẽ tốt cho thân thể. Con bị chảy máu mũi và choáng đầu, là người mười lăm mười sáu tuổi thân thể dậy thì sẽ có hiện tượng như vậy. Nhưng con cần cẩn thận. Đọc sách đến một giờ, nhất định phải nghỉ ngơi vui chơi mười phút. Vì cặm cụi học tập, luôn cúi đầu xuống, cúi đầu quá lâu tự nhiên sẽ bị choáng đầu. Chảy máu mũi cũng là vì lý do này. Sau này con có thể mua một chiếc kệ đọc sách, giống như trước đây bà nội đọc sách cũng vậy, đọc sách hoặc đọc giấy tờ, đặt lên kệ sách, như vậy không phải cúi đầu xuống, sẽ không bị váng đầu hay chảy máu mũi. Nếu như ở Thượng Hải không mua được loại kệ này, có thể nhờ bác Mai làm một cái, cũng rất dễ”.

Vợ chồng Tưởng Giới Thạch và con trai Tưởng Kinh Quốc.
Vợ chồng Tưởng Giới Thạch và con trai Tưởng Kinh Quốc. (Ảnh: bannedbook.org)

Nửa tháng sau, Tưởng Giới Thạch lại gửi thư:

“Hai tuần gần đây, không thấy con hồi âm, trong lòng rất nhớ con. Không hiểu con và anh Quả Phu bệnh đã hết chưa? Con biết không, cha mất rất nhiều thời gian và tâm trí, viết thư cho con, chính là cần con nghe câu thoại trong thư này, có thể thăng tiến học vấn và kiến thức của con, cũng có thể khiến con học theo cách nói trong thư, học một ít cách thức và hành văn viết thư.

Một người, quan trọng nhất là tuân thủ quy tắc, chính là cần có đạo đức cao thượng. Đạo đức này, cũng không phải là câu nệ gò bó. Chỉ cần tuân thủ các quy tắc, không được xâm phạm đến quyền tự do của người khác; nếu như có thể giúp những người bận rộn, tự nhiên muốn tận lực giúp họ, đây được gọi là giúp đỡ lẫn nhau, cũng gọi là đạo đức.

Ngoài việc làm theo đạo đức, thì cần thường xuyên vận động, có thể khiến cho trong tâm rất thoải mái. Nếu như cố gắng mà lại cảm thấy khổ sở, hãy đặt cuốn sách xuống để chơi đùa một chút, rồi lại học tiếp, thì đầu óc nhất định sẽ dễ chịu. Lúc rảnh rỗi con có thể nhờ anh Quả Phu chọn mấy cuốn tiểu thuyết để xem. Nhưng mà tiểu thuyết không thể là bài học chính, chỉ có thể xem là giải trí, biến hóa nội tâm thôi”.

Mây Trắng

Theo Secretchina

Bạn đang đọc bài viết: “Tưởng Giới Thạch đã dạy dỗ quý tử của nhà mình như thế nào? (P.2)” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__