Sau khi dư luận đã chán ngán với việc đề xuất đổi trạm thu phí thành “trạm thu giá”, việc Bộ Giáo dục đề xuất đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” ở bậc đại học gặp sự phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu đi sâu tìm hiểu, vấn đề phức tạp hơn lại không phải chỉ ở những ngôn từ.

Từ xưa tới nay, dù có nhiều tranh luận, nhưng đa phần ý kiến đều cho rằng không thể coi giáo dục là một loại hình dịch vụ hoạt động và chịu chi phối theo các quy luật thị trường. Điều đó không cần phải bàn cãi nhiều, bởi giáo dục ở các bậc dưới như tiểu học, trung học cần đặt trọng tâm vào việc dạy trẻ thành người tốt chứ không phải chỉ là người giỏi. Vì thế giáo dục là để dạy làm người chứ không phải làm thợ, càng không phải là một loại hình dịch vụ kiếm lời.

Thế nhưng ở bậc đại học, quan điểm về giáo dục sẽ phải khác đi, và vì thế nó được đi kèm với cụm từ “đào tạo”. Cùng với việc xã hội hóa giáo dục, lĩnh vực đào tạo ở bậc sau trung học ngày càng trở nên phong phú về ngành nghề, loại bằng cấp, chương trình học… và những dịch vụ đi kèm như tư vấn, trao đổi sinh viên, phát triển chương trình giảng dạy theo đặt hàng…

Trong lịch sử, các trường đại học đầu tiên ra đời là để phục vụ cho chính quyền và tầng lớp lãnh đạo. Nhưng ngày nay, đào tạo đại học không chỉ là để dành cho những tinh hoa lãnh đạo xã hội mà để huấn luyện kỹ năng cho bất kỳ ai có nhu cầu và khả năng. Khái niệm về trường đại học cũng đã thay đổi rất nhiều với xu hướng ngày càng mở rộng.

Giáo dục đại học ngày nay là lựa chọn của những người chuẩn bị tham gia vào lực lượng lao động đóng góp cho xã hội. Việc học hay không là không ai có thể bắt ép ai được. Có thể coi đó là một sự đầu tư để có được những kỹ năng cần thiết và phù hợp để lao động.

Đi kèm với việc đào tạo đại học thì hàng loạt các khái niệm cũng như các dịch vụ như tư vấn, trao đổi sinh viên được áp dụng. (Ảnh: pirl.postech.ac.kr)

Giáo dục đại học là một loại dịch vụ?

Đứng từ góc độ kinh tế, Ngân hàng Thế giới (World Bank) định nghĩa một loại hàng hoá là tư nhân (chịu chi phối của quy luật thị trường) nếu thuộc tính hàng hoá đó thoả mãn hai điều kiện. Đó là tính “loại trừ” (excludable), nghĩa là những người trả tiền mới được sử dụng hàng hoá, và tính “cạnh tranh” (rival), nghĩa là việc người này sử dụng hàng hoá kéo theo việc người khác không sử dụng được hàng hoá đó nữa.

Theo đó, giáo dục đại học là một loại dịch vụ bởi sinh viên phải đóng học phí để được học và số xuất học trong một kỳ là giới hạn.

Vậy có thể nói, giáo dục đại học là một loại dịch vụ. Thế nhưng nếu chấp nhận quan điểm này, thì thị trường giáo dục đại học ở Việt Nam lại là một thị trường không lành mạnh. Bởi quan niệm phải có bằng đại học mới được nhận vào làm, bằng đại học là yêu cầu tối thiểu, là tiêu chuẩn chọn lọc hồ sơ ứng viên… Như thế, trong suy nghĩ của phần đồng người dân, đây là một loại dịch vụ, mà nếu người ta không sử dụng nó, sẽ mang tới một tương lai không thể tươi sáng được.

Như thế, sẽ chẳng có cái gọi là tự do chọn lựa, mà ai ai cũng cố gắng để có được cái bằng đại học. Lúc đó, thị trường đào tạo đại học đã trở thành một thị trường không hoàn hảo, nơi người tiêu dùng mặc dù không thật sự có nhu cầu và khả năng chi trả vẫn phải làm mọi cách để tiêu dùng dịch vụ.

Nếu như trong các dịch vụ đời sống người mua dịch vụ có quyền chọn lựa, trong giáo dục thì ngược lại. (Ảnh: PinsDaddy)

Nếu muốn xác định giáo dục đại học là một loại dịch vụ thì cần cân nhắc tới “tác động ngoại biên” của nó

Theo quan điểm của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) từ góc độ xã hội, giáo dục đại học phải là một loại hàng hóa công, bởi nó có “tác động ngoại biên” (externalities) lớn. Nghĩa là người được đào tạo không chỉ thu được lợi ích cho bản thân anh ta, như thu nhập cao hơn, am hiểu, giàu kinh nghiệm hơn, mà còn đem lại tác động tốt cho cả xã hội. Ví dụ như anh ấy có thể chín chắn, hành động có trách nhiệm hơn, có năng suất lao động tốt hơn, không trở thành gánh nặng của xã hội bởi ít phụ thuộc vào trợ cấp xã hội hơn…

Thế nên giáo dục đại học cũng không hẳn là chỉ để cung cấp kỹ năng cho người học cách lao động và kiếm sống tốt hơn. Mà cũng là phải cung cấp một nhân lực có trách nhiệm và đạo đức tối thiểu cho xã hội.

Nếu mục đích là dạy kỹ năng, sự am hiểu về ngành nghề, lĩnh vực nào đó. Ví như học về quản trị doanh nghiệp. Nếu chỉ chăm chăm học để tinh xảo nghề nghiệp, để kiếm lời, trường học cũng chỉ dạy kiến thức, thì doanh nhân tương lai có thể bất chấp thủ đoạn để cốt kiếm được nhiều tiền nhất có thể.

Mặt khác, giáo dục đại học khác khác với thị trường hàng hóa dịch vụ ở chỗ người tiêu dùng không có khả năng và điều kiện để đánh giá chất lượng thực sự của dịch vụ từ trước khi sử dụng, thậm chí là cả trong và sau khi đã kết thúc việc tiêu dùng một thời gian nào đó.

Chính vì vậy, vẫn cần phải có sự can thiệp của nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và mặt bằng đạo đức chung của lực lượng lao động trong tương lai.

Nếu coi giáo dục đại học là một loại dịch vụ, thì cung sẽ đáp ứng theo cầu. Người ta sẽ chỉ tập trung vào dạy những kiến thức, kỹ năng. Bởi đó là nhu cầu thật sự của người dùng dịch vụ. Nhưng nếu không có những tiết học nhằm định hướng đạo đức, mở mang thế giới quan để phát triển bản thân cho đúng thì người giỏi nghề khi ra trường vẫn sẽ có nguy cơ gây hại cho xã hội và cộng đồng.

Hơn thế nữa, quan hệ thầy trò trong giảng đường đại học trở thành quan hệ người mua kẻ bán, thì ngay từ trước khi trở thành một người lao động giỏi, sinh viên đã mất đi môi trường để hoàn thiện nhân cách của mình.

Không phải đơn thuần giáo dục là cung cấp một loạt kiến thức về nghành nghề, đó còn là xây dựng con người của tương lai, một kỹ sư, một cử nhân giỏi nhưng thiếu đạo đức thì thật nguy hại. (Ảnh: 360° Nhật Bản)

Thế nên dù đã tranh luận rất lâu và thực tế cho thấy xu hướng thị trường hóa đào tạo đại học ở khắp nơi trên thế giới, nhưng người ta vẫn chưa thể ngã ngũ và hình thành khái niệm tuyệt đối rằng giáo dục đại học là một loại dịch vụ.

Và nếu coi giáo dục đào tạo là để dạy nghề thì hãy nhớ rằng, mọi ngành nghề đều có đạo đức nghề nghiệp. Và mọi đạo đức nghề nghiệp đều dựa trên đạo đức cơ bản làm người. Điều đó chắc chắn phải được dạy trong các trường đại học.

Những bác sỹ thiếu đạo đức sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, những nhân viên quản lý tài chính thiếu đạo đức khi viết sai một con số có thể làm thất thoát rất nhiều tài sản khách hàng hoặc công ty, những người nông dân thiếu đạo đức có thể khiến người tiêu dùng bị nguy hại tới sức khỏe lâu dài, những nhân viên văn phòng thiếu đạo đức có thể khiến lãng phí tài nguyên của công ty.

Khi người ta ai ai cũng có đạo đức thì dù làm gì họ cũng sẽ luôn đặt lợi ích của người khác, của xã hội lên trên lợi ích bản thân. Lúc đó họ sẽ coi công việc không chỉ là công cụ để kiếm tiền mà còn đi kèm theo đó là trách nhiệm với xã hội, là một phần của cuộc sống của mình, là niềm vui lao động và cống hiến.

Công việc của một người, dù buồn tẻ hay hấp dẫn, dù hứa hẹn hay không có tương lai đều là trách nhiệm bạn phải làm tốt mỗi ngày. Việc dù nhỏ đến đâu, là dán một con tem, bán một sản phẩm hay gọi một cuộc điện thoại đều có thể phân định được rằng việc đó có tốt hay không vì mọi việc đều có tiêu chuẩn đạo đức.

Cho dù việc của những sinh viên sau này chỉ là một việc hết sức bình thường, nhưng nếu họ luôn nghĩ làm thế nào để giải quyết một cách tốt nhất công việc đó thì mọi chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Họ sẽ không chỉ làm vì tiền lương và tiền đồ của mình, mà là để hình thành thói quen tốt, tạo nên nhân cách và giá trị của bản thân. Như thế, công việc nào mà không thể hoàn thành tốt đây? Năng suất lao động tự nhiên sẽ được nâng cao. Đó chẳng phải cũng nên là một mục tiêu của đào tạo đại học hay sao?

Và nếu như thế, thì giáo dục đại học lại không hẳn là một loại hình dịch vụ chịu chi phối bởi quy luật thị trường rồi.

Bạch Mai

Từ Khóa: