Wiliam Shakespeare từng nói: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”. Vậy “trung thực” là gì? “Trung thực” là sự ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật và dám nhận lỗi khi mắc lỗi.

Là một nhà khoa học nổi tiếng về công nghệ, đứng trong Top 10 những người sáng tạo nhất thế giới, có những đóng góp rất lớn về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, Giáo sư John Vũ coi trung thực là tài sản quý giá của đời người. Vì thế, trong sự nghiệp giảng dạy của mình, ông không chỉ dạy cho các thế hệ học trò những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, mà còn truyền cảm hứng để hình thành cho sinh viên những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người như trung thực và lương thiện.

Những bài học về đạo làm người của vị thầy đáng kính này là tài sản quý giá trên bước đường lập nghiệp của mỗi sinh viên. Nhiều sinh viên đã thành công trong sự nghiệp và nhận được sự kính trọng của xã hội, trong đó có Ben Olson. Cuộc viếng thăm người thầy đáng kính của Ben Olson sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn giá trị của lòng trung thực.

***

Trường đại học là nơi sinh viên đến và đi, phần lớn giáo sư không biết điều gì xảy ra với họ sau khi tốt nghiệp. Ben Olson học lớp “Nhập môn Kỹ nghệ phần mềm” của tôi mười lăm năm trước đây nhưng cậu ấy đã không học tiếp các môn khác.

Tuần trước, Ben tới gặp tôi. Tôi không nhớ ra cậu ấy nhưng cậu ấy vẫn nhớ tôi. Cậu ấy nói: “Em thực sự thích lớp của thầy nhưng không may em không thể hoàn tất chương trình học của em ở đây. Em chỉ muốn tới thăm và cảm ơn về những điều thầy đã dạy em”.

Vì hiện giờ Ben là phó chủ tịch một công ty phần mềm lớn nên tôi nghĩ rằng cậu ấy đã chuyển sang học ở một trường đại học khác, nhưng Ben nói: “Không, em chưa hoàn tất bậc giáo dục đại học. Cha mẹ em mất trong một tai nạn khi em đang học năm thứ hai ở Carnegie Mellon nên em phải bỏ học, đi làm để chu cấp cho em gái của em. Em làm việc tháo ráp xe hơi tại Detroit”.

Có lẽ, cậu ấy thấy được sự ngạc nhiên của tôi nên tiếp tục: “Em đã làm việc vất vả để cho em gái được tới trường. Sau khi cô ấy tốt nghiệp và lấy chồng, bác em bảo em tới California. Bác ấy nói, em có thể làm công việc lắp ráp các bo mạch điện tử ở Intel. Chính tại đây mà cuộc đời của em thay đổi hoàn toàn”.

Khi làm việc tại Intel cuộc đời Ben Olson có sự thay đổi lớn. (Ảnh: zdnet.com)

Ranh giới giữa trung thực và dối trá rất mong manh

Một người bạn làm việc cho công ty phần mềm bảo em: “Công ty tớ đang cần thuê gấp nhiều người lập trình. Nếu cậu đưa cho tớ bản lý lịch, tớ có thể giúp cậu kiếm được việc tốt hơn là lắp ráp bo mạch”. Vài ngày sau, bạn ấy gọi: “Ben, cậu có bằng cấp gì vậy? Cậu không điền vào mục bằng cấp đại học”. Em trả lời rằng em không hề tốt nghiệp đại học. Cậu ấy ngần ngại một lúc: “Việc làm yêu cầu bằng đại học, nhưng nếu cậu cứ viết bừa là cậu có bằng cấp đại học, có lẽ họ không kiểm tra đâu. Tớ biết rằng họ cần hàng trăm người lập trình ngay lập tức và họ rất bận”. Em bảo bạn ấy rằng em không biết lập trình. Cậu ấy cười và nói: “Cậu làm việc với tớ và tớ có thể giúp cậu, chỉ mất vài tháng để học lập trình thôi”.

“Vào lúc đó, em biết rằng mình đang đứng trước một sự lựa chọn vô cùng quan trọng trong đời mình là nên trung thực hay nói dối để có công việc tốt. Em có thể nói dối, và điều xấu nhất có thể xảy ra là nếu họ phát hiện ra thì em sẽ bị đuổi việc. Nếu họ không kiểm tra thì em có được việc làm tốt. Em bảo với cậu ấy là em sẽ nghĩ về điều đó. Sau vài ngày, em gửi cho cậu ấy bản lý lịch của em để bạn ấy gửi cho công ty.

Vài ngày sau, em được gọi tới phỏng vấn. Có ba người phỏng vấn em. Vòng phỏng vấn cuối cùng là với một giám đốc phần mềm. Ông ấy nói: “Anh viết trong mục kê khai bằng cấp: “Một năm đại học” điều đó nghĩa là anh không có bằng đại học?”. Em gật đầu: “Vâng, tôi không có bằng đại học”. Ông ấy nhìn em chăm chăm trong vài phút. Có lẽ ông ấy muốn biết tại sao một người không có bằng đại học lại xin việc làm với yêu cầu là phải có bằng đại học.

Cuối cùng ông ấy nói: “Nói cho tôi biết anh đã làm gì khi rời trường đại học”. Thế là em kể cho ông ấy về hoàn cảnh của em và những kinh nghiệm làm việc trong xưởng xe hơi. Ông ấy nói: “Anh đã học lớp Kỹ nghệ phần mềm, hãy kể cho tôi nghe về điều anh học được khi tham gia lớp học đó”. Em giải thích cho ông ấy tại sao em thích Kỹ nghệ phần mềm nhưng đã không có cơ hội hoàn thành chương trình học. Ông ấy hỏi thêm rất nhiều câu hỏi và em đã trả lời dựa trên điều em đã học được từ lớp của thầy. Em không nhớ được chi tiết nhưng em biết rằng em rất đam mê phần mềm vì em đã học được rất nhiều điều qua các tiết học của thầy.

Khi em kết thúc câu chuyện, ông ấy hỏi về kinh nghiệm làm việc của em. Em dành thêm mười lăm phút nữa nói về các chủ đề mà chẳng liên quan gì tới phần mềm. Ông ấy nhìn em thật lâu nhưng không nói lời nào. Em cũng khá bối rối vì em đã nói hết những vấn đề mà mình muốn nói và không biết nên nói gì thêm nữa. Thế rồi ông ấy chỉ ra phía cửa, ra hiệu cho em về và nói: “Cảm ơn anh đã tới”. Em rời công ty và tự nhủ: “Mình dại dột nghe lời bạn làm liều mà không suy nghĩ. Lần này có lẽ là lần cuối mình đến đây. Mình sẽ không bao giờ làm như thế này nữa”.

Cuộc phỏng vấn kết thúc, em nghĩ rằng mình thật dại dột khi nghe lời bạn… (Ảnh: inc.com)

Trung thực là tấm vé đi đến thành công chứ không phải bằng cấp

Tối hôm đó, em nhận được điện thoại từ công ty. Họ nói rằng em đã được nhận vào làm việc nhưng không phải là người lập trình mà là trợ lý cho giám đốc phần mềm. Em vô cùng ngạc nhiên. Người phụ trách nói: “Tôi không biết điều gì đã xảy ra nhưng ông giám đốc thích anh, thích sự trung thực của anh. Thực ra ông ấy đã thuyết phục công ty và những người khác không muốn thuê anh. Mời anh tới làm việc vào tuần sau”.

Em làm trợ lý cho giám đốc công ty phần mềm. Công việc của em là tương tác với những người quản lý dự án trong công ty và báo cáo lại cho ông ấy mọi việc. Vài năm sau, ông ấy chuyển em lên bộ phận Marketing để quản lý quảng cáo và chăm sóc khách hàng cho công ty. Sau 7 năm, em được đề bạt làm phó chủ tịch Marketing. Vị giám đốc cho em công việc bây giờ là chủ tịch công ty.

Em không bao giờ quên điều ông ấy đã nói với em vào ngày đầu em đến làm việc: “Trung thực là đức hạnh mà nhiều thanh niên ngày nay không để ý tới. Tôi thuê cậu vì sự chân thành và trung thực của cậu. Kỹ thuật và các thứ khác có thể học được nhưng trung thực và chính trực là cái gì đó mà cậu đã có sẵn. Tôi chắc chắn rằng, bố mẹ cậu đã dạy dỗ cậu rất tốt để cậu có được những phẩm chất tốt đẹp ấy”.

Sự khác biệt đến từ đức tính trung thực

Đến tận bây giờ em vẫn nhớ như in giây phút em đưa ra quyết định cho tương lai của mình. Nếu nói dối, em sẽ bị ám ảnh với việc nói dối cả đời mình. Không ai có thể nói dối mãi được vì trước sau gì nó cũng sẽ bị phát hiện ra, và lúc đó sẽ nhục nhã biết bao. Em có thể có được việc làm nhưng lúc nào cũng phải sống trong sợ hãi rằng ai đó sẽ phát hiện ra. Sống như vậy quá mệt mỏi. Nếu nói dối một lần, em sẽ phải tiếp tục che đậy, giấu diếm trong cả đời mình. Tất nhiên, nói dối là sự lựa chọn dễ nhất và dường như hậu quả chẳng xảy ra ngay lúc đó, nhưng sự ám ảnh đó sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời em. Em có thể lừa người khác nhưng em không thể lừa bản thân mình được.

Em nhớ bài học thầy đã dạy ở lớp Kỹ nghệ phần mềm trong bài giảng đầu tiên của thầy: “Người có giáo dục phải là người trung thực, có đạo đức và làm việc chăm chỉ để tạo ra sự khác biệt trong thế giới này”. Đó là lý do tại sao em quay lại cảm ơn thầy, bài giảng của thầy vẫn còn nguyên giá trị đối với em. Em rất trân quý bài học ấy. Tại lớp học của thầy em học được bài học quan trọng hơn cả kỹ thuật công nghệ, đó là phẩm cách của một con người, sống trong xã hội là phải chịu trách nhiệm về tất cả hành vi của mình”.

Trung thực là tấm vé đi đến thành công chứ không phải bằng cấp. (Ảnh: change.org)

***

Trong cuộc sống, người có đức tính trung thực luôn tôn trọng sự thật, chân lý và lẽ phải. Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người. Trung thực mang đến giá trị lòng tin, làm cho cuộc sống xã hội và các mối quan hệ trở nên bền vững.

Người trung thực, thẳng thắn thì luôn có kết quả tốt đẹp vì đem lại lòng tin cho mọi người. Lúc làm sai, người trung thực luôn dũng cảm nhận trách nhiệm, biết sửa sai. Trung thực làm cho xã hội, cộng đồng luôn trong sạch, đẩy lùi được sự tha hoá đạo đức. Trung thực còn làm cho sự gian dối, giả tạo không còn đất sống.

Lòng trung thực dường như không đem lại cho chúng ta sự giàu có và quyền lực ngay lập tức, nhưng nó mang đến cho chúng ta một xã hội công bằng và có sự tin tưởng giữa người với người. Ngược lại, gian dối và không trung thực sẽ biến con người ta thành những kẻ giả tạo, đạo đức con người dần dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Sống trong xã hội hiện đại với những chuyện thị phi khó phân biệt, người có đức tính trung thực càng trở nên nổi bật và đáng trân quý. Thay vì để lại núi vàng non bạc cho con, các bậc cha mẹ hãy để lại cho con tài sản quý giá này: Đức tính trung thực. Các phụ huynh hãy tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này cho con em mình, để trẻ hoàn thiện chính mình, trở thành người tốt thúc đẩy đạo đức xã hội ngày càng đi lên, đất nước ngày một phát triển.

Hồng Ân