Từ biểu hiện hành vi của trẻ có thể thấy được phương cách giáo dục của cha mẹ. Liệu bạn đã giáo dục con tốt chưa? Có thể quan sát 5 biểu hiện này của con.

Chúng ta thường nói rằng, nuôi dạy trẻ em, không thể để trẻ thua tại vạch xuất phát, nhưng không riêng gì con trẻ, các bậc cha mẹ cũng đang thua ở vạch xuất phát. Có ba giai đoạn trong sự phát triển của mỗi người: gia đình, nhà trường và xã hội. Đối với một đứa trẻ thì điều quan trọng nhất cho nhân sinh chính là giáo dục gia đình. Thực tế đã chứng minh, nền tảng và chìa khóa cho sự thành công của nhiều trẻ em chính là giáo dục gia đình xuất sắc.

Trong xã hội ngày nay, các bậc cha mẹ thường có yêu cầu rất cao. Ngay cả khi họ nuôi dạy con cái tốt, đôi khi họ sẽ không hài lòng với chính mình. Họ thích so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Chủ đề giáo dục gia đình ngày càng được coi trọng. Giáo dục gia đình, chính là sự tu dưỡng của cha mẹ. Nếu trong quá trình nuôi con, đứa trẻ có 5 biểu hiện này, cho thấy việc giáo dục của bạn rất thành công.

1. Có thể chịu trách nhiệm

Một ngày nọ, tôi đưa con trai đi siêu thị để mua nhu yếu phẩm hàng ngày, và đến khu vực ăn vặt để mua đồ ăn nhẹ cho con trai. Một bà mẹ có một cậu bé 4 tuổi cũng đang mua, có thể cậu bé nghịch ngợm, làm rơi mấy viên kẹo ở quầy xuống đất. Các nhân viên bên cạnh vội vã chạy đến để nhặt, người mẹ nói, con phải tự giải quyết. Cậu bé bèn nhanh nhảu nói: “cô ơi, cảm ơn cô, đó là do con làm rơi, con sẽ tự nhặt”.

Cậu bé và người mẹ nói với các nhân viên rất nhã nhặn lịch sự rằng hãy để cậu bé tự xử lý. Cậu bé cúi xuống và cẩn thận nhặt từng chiếc kẹo. Nhìn cảnh này, lòng tôi cảm thấy ấm áp, hai mẹ con này thật tuyệt, đây là giáo dục, nhưng cũng cho tôi một bài học cuộc sống.

Trước mỗi việc mình làm, trẻ đều có thể chịu trách nhiệm. (Ảnh minh họa: cocoiro.me)

2. Tuân theo các quy tắc

Một số trẻ em luôn xem các quy tắc là không có gì, đi ra ngoài, nhổ nước bọt, phá hủy tài sản công cộng, gây tiếng ồn lớn ở những nơi công cộng, v.v. Mặc dù đây là hành vi sai trái của trẻ em, nhưng nó trực tiếp chứng minh sự thất bại trong giáo dục của cha mẹ. Việc thiết lập một số quy tắc là một loại ràng buộc, một phương tiện để mọi người hòa hợp với nhau.

Khi trẻ còn nhỏ, bạn nên đưa ra những quy tắc phù hợp cho con, bao gồm: Thời gian nào cần làm mỗi ngày, như thời gian ăn, thời gian ngủ, lên kế hoạch cho thói quen sinh hoạt, đánh răng trước khi đi ngủ, thay quần áo, làm việc nhà…

Đứa trẻ có thể tuân thủ các quy tắc rất tốt, chứng tỏ rằng cha mẹ đã giáo dục con về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tuân theo các quy tắc. Trẻ vui vẻ và sẵn sàng tiếp thu, điều đó cũng cho thấy giáo dục của cha mẹ là rất tốt.

3. Có suy nghĩ riêng của mình

Cha mẹ giáo dục con tốt nhất chính là coi trẻ như một cá nhân độc lập, tôn trọng tính cách và sự phát triển của trẻ, cố gắng làm bạn với trẻ và lắng nghe những tâm tình của trẻ. Cha mẹ không nên việc gì cũng làm thay cho trẻ, tước đi quyền suy nghĩ và làm chủ của con.

Nếu con bạn có ý tưởng riêng và dám làm những gì bé thích, điều đó có nghĩa là cha mẹ đã thấu hiểu và cho con sự tôn trọng đầy đủ, cũng nói lên rằng cha mẹ rất giỏi trong việc giáo dục con cái.

Cha mẹ giáo dục con tốt nhất chính là coi trẻ như một cá nhân độc lập. (Ảnh minh họa: woman.excite.co.jp)

4. Trẻ tự nhiên thể hiện nhiều cảm xúc trước mặt bạn

Mỗi người sẽ có tất cả các loại cảm xúc, và chúng ta sẽ tự nhiên thoải mái thể hiện những tâm tình ấy trước mặt người mà chúng ta cảm thấy gần gũi thân quen nhất. Bởi vậy, nếu con bạn có thể tự nhiên thể hiện cảm xúc buồn vui trước mặt bạn, điều này chứng tỏ rằng khoảng cách cha mẹ – con cái trong gia đình bạn thật gần gũi thân thiết. Cũng chứng minh rằng bạn đã dành thời gian bên con, lắng nghe và thấu hiểu tâm tình của con.

5. Khi đứa trẻ bị thương hoặc gặp vấn đề, người đầu tiên nghĩ đến là bạn

Hầu hết các bậc cha mẹ sẽ nghĩ rằng khi đứa trẻ không thể giải quyết vấn đề, chúng sẽ tìm cha mẹ để giải quyết nó. Trên thực tế, điều đó có thể không xảy ra. Nó phụ thuộc vào cách bạn dạy con. Nếu cha mẹ thường hay không hài lòng và mắng phạt con, thì đứa trẻ sẽ trở nên mất bình tĩnh và rất rụt rè trước mặt bạn. Khi đứa trẻ gặp vấn đề, tìm đến sự giúp đỡ từ cha mẹ nhưng cha mẹ cứ một mực có thái độ trách cứ, vậy thì sau này nếu gặp chuyện tương tự, chúng sẽ thà một mình chịu đựng nỗi đau mà không muốn chia sẻ với cha mẹ.

Vì vậy, nếu con bạn khi bị tổn thương hay gặp phải chuyện gì đó, mà người đầu tiên chúng muốn chia sẻ là cha mẹ thì xin chúc mừng, mối quan hệ của bạn và con cái rất gần gũi mật thiết.

***

Trong nhiều gia đình, ‘cha mẹ mạnh mẽ, con cái yếu đuối’ đã trở thành quy tắc tương tác giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, kiểu mô hình này cũng rất dễ khiến trẻ tích lũy cảm giác yếu đuối, và dễ dàng trở thành nguồn gốc của cảm giác tự ti và tiêu cực.

Bởi vậy, thay vì là những người chuyên đưa ra những ‘mệnh lệnh’, cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành cùng con, cùng con học tập và trải nghiệm. Có như vậy, mối quan hệ cha mẹ – con cái sẽ ngày càng mật thiết. Trong gia đình, mọi người đều có thể chia sẻ và yêu thương cùng nhau, đây chính là môi trường giúp con trẻ lớn lên kiện toàn khỏe mạnh.

Theo tw.aboluowang.com
Vân Hà biên dịch