Điều quan trọng trong việc dạy trẻ nhỏ nói lời xin lỗi chính là giúp chúng nhận ra lỗi lầm, thấu hiểu, quan tâm đến người khác. Vì vậy, trẻ cần biết và làm nhiều điều hơn là chỉ nói hai từ “xin lỗi”.

Cha mẹ luôn muốn dạy dỗ con cái về phép lịch sự cũng như biết chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Và điều cốt lõi nhất chính là dạy trẻ biết nói lời xin lỗi. Tất cả chúng ta đã từng nghe thấy những lời xin lỗi đơn giản chỉ là “xin lỗi” và cho rằng như vậy là đã đủ rồi. Tuy nhiên, trên thực tế trẻ nên biết rằng việc xin lỗi lại cần nhiều hơn là chỉ một từ.

Khổng Tử nói: “Lỗi mà không sửa mới thực sự là lỗi vậy” (Quá nhi bất cải, thị vị quá hĩ). Có lẽ sửa lỗi không cần đợi tới lần khác làm cho đúng, mà ngay lúc mắc lỗi hãy mang một tâm thái nhận lỗi chân thành và thái độ quan tâm tới người bị tổn thương thì cũng chính là đang sửa lỗi vậy.

Xin lỗi là một phần bộc lộ của nhân cách. Hãy thử tưởng tượng một người không biết thật lòng xin lỗi thì hẳn đó là con người tự cao tự đại biết bao nhiêu. Hơn thế nữa, xin lỗi càng nên là một việc làm cẩn trọng, cũng là một hành động tương đối nặng nề. 

Tuy nhiên, có nhiều người luôn đặt lời xin lỗi bên miệng, nói ra một cách dễ dãi, trong lòng không chút thành ý. Khi bắt buộc phải xin lỗi thì nói hai từ “xin lỗi”, chỉ để làm người khác đồng tình cho qua là được. Vậy là “xin lỗi” trở thành một hình thức: Làm sai – nói “tôi xin lỗi” – sau đó tiếp tục làm sai.

Nhà tâm lý học kiêm nhà văn Harriet Lerner trong cuốn sách Vì sao bạn không xin lỗi (Why Won’t You Apologize?), trong chương đầu tiên đã chỉ ra rằng: Xin lỗi không chân thành tuyệt sẽ không làm vừa lòng người khác, thậm chí còn mang đến tổn thương.

Cô viết, “trong khi xin lỗi lại có từ ‘nhưng mà’”, đây là một kiểu lấy cớ, sẽ làm mất đi sự thành ý của lời xin lỗi. Lời xin lỗi tốt nhất nên ngắn gọn, không bao hàm những lời giải thích, bao biện cho lỗi của mình.

Với một số trẻ, nhiều khi chúng chỉ nói lời xin lỗi một cách miễn cưỡng vì bị cha mẹ ép buộc. Kèm theo đó là cảm giác uất ức và xấu hổ. Chúng có thể không hề cảm thấy hối hận với những gì đã gây ra và lời xin lỗi lúc này trở nên không thành thật.

Vì vậy, việc chỉ xin lỗi thực ra không giải quyết được vấn đề nếu trẻ không hiểu tại sao chúng cần phải nói xin lỗi. Nó sẽ vô tình tạo ra cho trẻ một cách chối tội dễ dàng mà không phải đối mặt với những hậu quả mà chúng gây ra.

Đã là con người thì không tránh khỏi mắc lỗi, “nhân vô thập toàn”. Người thông minh là biết tiếp thu ý kiến người khác, thừa nhận cái sai của mình, như thế họ sẽ không ngừng thăng tiến về phẩm đức và trí tuệ. Vì vậy giúp con thực sự hối cải là điều quan trọng chứ không phải chỉ yêu cầu con nói hai từ “xin lỗi” trên bề mặt. Bright Side hướng dẫn cha mẹ giúp trẻ thực hiện lời xin lỗi đúng cách, và ngoài lời xin lỗi đơn thuần ra trẻ nên làm gì.

Cha mẹ có thể giúp con thấu hiểu và xin lỗi đúng cách

Nếu cha mẹ tận mắt chứng kiến một vụ gây gổ, hãy nói với con chính xác những gì đã xảy ra và chúng đã làm tổn thương đến một đứa trẻ khác như thế nào.

Nếu không nhìn thấy, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ nói với bạn về chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, hãy nói với trẻ những gì bạn đang thấy, ví dụ như một bạn nhỏ có vết bầm tím và nhấn mạnh rằng bạn nhỏ đã đau và buồn bã như thế nào vì hành động của chúng.

Cha mẹ thể hiện sự đồng cảm với người bị tổn thương bằng cách hỏi xem họ có ổn không hoặc họ có cần được giúp đỡ không để làm gương cho trẻ. Đôi khi, việc xin lỗi không nhất thiết phải dùng lời nói. Có thể trao cho nhau một cái ôm hoặc một hành động xuất phát từ đáy lòng.

Sau đó, hãy cho con bạn có thời gian để sửa chữa sai lầm. Bạn có thể yêu cầu trẻ giúp dọn dẹp mớ hỗn độn mà chúng đã tạo ra hoặc đi tìm băng dán vết thương.

Cuối cùng, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng con bạn sẽ không thực hiện hành vi đó một lần nữa và hứa rằng chúng sẽ giữ lời.

Một lời thật lòng xin lỗi cần những gì?

Mình rất tiếc vì …”

Trẻ cần cho mọi người thấy rằng chúng đã làm tổn thương người khác như thế nào, chúng đã làm sai những gì và tại sao việc này lại khiến người đó buồn.

”Việc làm này là sai vì…”

Khi trẻ nói ra điều này, chúng sẽ học được cách nhìn mọi thứ từ quan điểm của người khác. Hiểu được cảm giác của người khác cũng khiến trẻ thay đổi cách cư xử và ngăn chúng làm điều sai trái trong tương lai.

“Sau này, mình sẽ ….”

Câu nói này rất quan trọng đối với người bị tổn thương khi biết chúng sẽ không tái phạm thêm một lần nào nữa. Vì thế, họ sẽ cảm thấy tốt hơn khi được nghe con bạn hứa rằng chúng sẽ cư xử khác vào lần tới. Ví dụ, trẻ có thể xin phép trước khi lấy đồ chơi của người khác.

 “Bạn có thể bỏ qua cho mình được không?”

Mặc dù không có gì đảm bảo rằng trẻ sẽ được tha thứ, nhưng chúng vẫn nên cố gắng xin tha thứ. Nó sẽ cho thấy rằng chúng thực sự mong muốn khôi phục lại tình bạn, chúng xin phép trở thành bạn của họ một lần nữa.

Đồng thời, điều này sẽ giúp trẻ nhận thức đúng đắn về cách sửa chữa sai lầm của mình thay vì cho rằng mọi việc cứ thế rồi sẽ ổn. Nếu chỉ nói hai từ “xin lỗi” và không làm gì cả cũng tương đương với việc chúng không cần phải thay đổi trong khi người bị tổn hại vẫn cảm thấy đau khổ.

Bạn không thể sửa chữa lỗi lầm bằng sự hối lỗi chứ đừng nói đến vài lời xin lỗi, nhưng nếu như bạn thực sự chân thành, vết thương sẽ lành trở lại.

(Ảnh: Shutterstock)

Video: Người thành công luôn nhìn vào thiếu sót bản thân, kẻ thất bại luôn bình phẩm lỗi lầm người khác

videoinfo__video3.dkn.tv||b340ea7fe__