Nếu con bạn nói rằng chúng cảm thấy chán nản hoặc không muốn đi học, xin bạn đừng vội mắng con lười biếng và “cho một bài ca” về việc đi học quan trọng như thế nào. Hãy kiên nhẫn hỏi han và lắng nghe câu trả lời của con, từ đó có biện pháp giúp đỡ thích hợp.

Cha mẹ thường đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, mong chúng học giỏi để sau này có thể công thành danh toại. Với tâm nguyện ấy, họ cố gắng gửi gắm con học ở những trường tốt nhất. Tuy nhiên, đứa trẻ có cảm thấy hạnh phúc tại ngôi trường mình đang học hay không? Nếu tinh ý quan sát và thường xuyên tâm sự với con, rất có thể bạn sẽ phát hiện ra con mình đang cảm thấy buồn chán ngay cả khi được học tại một ngôi trường danh tiếng. Vì sao lại như vậy?

Nghiên cứu những lý do sau đây có thể giúp phụ huynh tìm ra vấn đề của con mình:

Việc học không có đủ thử thách

Sự thực là có những đứa trẻ thông minh mà cô giáo không cần quá nhiều thời gian hướng dẫn. Chúng nhanh chóng lĩnh hội được kiến thức và thành thạo các kỹ năng. Chính vì điều này, đứa trẻ cảm thấy việc học ở trên trường quá dễ đến mức nhàm chán.

Kiến thức đơn giản cũng như tốc độ chậm rãi khiến trẻ không tìm thấy thách thức nào cho bản thân. Không có điều gì kích thích chúng phải mất công suy nghĩ và tìm tòi, làm cho chúng cảm thấy buồn chán.

Trẻ không có động lực học tập

Một số trẻ em cảm thấy buồn chán trong học tập bởi vì chúng đã biết trước những gì được dạy. Do đó, chúng cảm thấy không có động lực để “làm việc”. Chúng không gắn kết bản thân vào việc nghe giảng hay làm bài tập không phải vì lười biếng mà bởi vì đã biết hết rồi.

Mặt khác, nếu một đứa trẻ cảm thấy những gì được học không quan trọng hoặc không có ý nghĩa gì với cá nhân chúng thì đó chính là biểu hiện của việc thiếu động lực ở trẻ.

Trong một số tình huống đặc biệt, thiếu động lực có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn như bệnh trầm cảm hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Mối quan hệ với bạn bè cùng lớp hoặc giáo viên không hòa hợp

Nếu trẻ gặp khó khăn trong mối quan hệ với bạn bè hoặc giáo viên thì tâm trạng buồn chán là điều dễ hiểu. Trẻ không biết tìm ai khi cần sự giúp đỡ. Trẻ thấy cô đơn, buồn bã, kèm theo đó là cảm nhận mình không phải một thành viên của tập thể này.

Khi đến trường là lúc con rời xa vòng tay của bố mẹ, nên con thật sự cần một “gia đình thứ hai” là ngôi trường với thầy cô và bạn bè trìu mến. Có nhiều khi con yêu thích đi học bởi vì có cô giáo hiền luôn ân cần cũng như có tiếng cười rộn rã của bạn bè. 

Kỹ năng học tập hạn chế

Để thành công trong học tập, trẻ cần những kỹ năng nhất định như kỹ năng nghe, kỹ năng viết, quản lý thời gian, lập kế hoạch… Thiếu đi những kỹ năng cần thiết khiến trẻ chưa làm đã cảm thấy mình không làm được rồi. Chúng thậm chí còn không muốn thử bắt đầu. Trên thực tế, thiếu sót kỹ năng học tập là một trong những nguyên nhân gây ra cảm giác chán nản. 

Cha mẹ có thể giúp con mình như thế nào?

Trẻ có thể đang gặp phải nhiều vấn đề cùng lúc. Điều quan trọng là cha mẹ cần hiểu những khó khăn thực sự của con mình là gì? Hãy chuyện trò thường xuyên với con. Nếu con nói với bạn rằng chúng cảm thấy chán nản hoặc không muốn đi học, xin cha mẹ hãy giúp đỡ chúng. Thay vì mắng con lười biếng và “cho một bài ca” về việc đi học quan trọng như thế nào, cha mẹ hãy lắng nghe con trả lời những câu hỏi sau:

Con cảm thấy chán điều gì ở trường?

Con có làm xong bài trước các bạn khác trong lớp không?

Con có thích chủ đề học tập này không?

Con có thích nội dung bài học này không?

Con có thích bài tập về nhà này không?

Con có thích nghe cô giảng bài trên lớp không?

Nếu con là cô giáo dạy bài học đó con sẽ muốn làm gì?

Qua những lời chia sẻ của con, cha mẹ sẽ phát hiện ra nguyên nhân thực sự khiến con chán đi học là gì. Sau đó, cha mẹ hãy nói chuyện với cô giáo để cô biết điều gì là thu hút với con và điều gì là không. Trên cơ sở đó, cô sẽ tạo ra những điều chỉnh phù hợp cho con.

Cha mẹ cần nhẹ nhàng khéo léo, tránh phản hồi tiêu cực làm tổn thương đến cô. Những lúc khó khăn như thế này thì sự lạc quan, tin tưởng, và phối hợp mới mang lại hiệu quả.

Đừng để con ở trong cảm giác buồn chán quá lâu đến mức không còn yêu thích việc học tập, nhưng cũng không thể nhất thời hành động thiếu lý trí. Điều quan trọng là phụ huynh cùng với cô giáo trao đổi thông tin, từ đó tìm ra giải pháp giúp con cái học tập một cách hào hứng mỗi ngày.

Đan Tâm

Theo Very Well Family

Video xem thêm: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái

videoinfo__video3.dkn.tv||5bb2f448d__