Tôi đã chứng kiến những câu chuyện về nuôi dạy con xung quanh mình, lòng không khỏi trăn trở về cách chúng ta đang dạy  dỗ con trẻ, nay viết ra vài dòng trải lòng, mong các bố, các mẹ cùng góp ý, chia sẻ thêm.

Cầm tấm bằng đại học danh giá, cậu em tôi thất nghiệp vì thái độ

Trần Đông là con trai của dì tôi, cậu tốt nghiệp đại học năm ngoái. Trong mắt người thân và bạn bè, cậu rõ là một tấm gương sáng trong học tập cho những đứa trẻ noi theo, với những thành tích nổi bật trong các kỳ thi trước đây cũng như tấm bằng đại học của một trường danh giá. Thế nhưng, kể từ năm ngoái đến bây giờ, Trần Đông đã phải nghỉ việc ba lần. Mà thật ra, cả ba lần, cậu đều không qua nổi giai đoạn thử việc. Cậu bị các công ty từ chối với lý do “không phù hợp với công việc”.

Chán nản, cậu ta quyết định không tìm việc nữa, ở nhà cho bố mẹ phục vụ. Chưa biết tình hình này sẽ kéo dài tới khi nào, nhưng đến nay đã được gần ba tháng rồi. “Công việc” chủ yếu của cậu ta trong thời gian này là chăm sóc… cái điện thoại. Cậu ta ôm nó suốt cả ngày lẫn đêm, đắm mình vào những thú vui vô bổ.

Nhờ mối quan hệ, dì tôi tìm gặp một người sếp cũ của con trai để hỏi về lý do thật sự. Bà quản lý ban đầu cũng ngần ngại, không dám nói, sợ mất lòng, nhưng rồi dì năn nỉ mãi, đành phải nói thật. Câu trả lời của bà khiến dì đứng như trời trồng:

– Khoan hẵng nói đến khả năng chị ạ. Con trai của chị có lẽ không phù hợp để đi làm rồi. Giao việc cho cậu ấy, không muốn là cậu ấy không làm, có làm cũng không có báo cáo lại, đến tiến độ công việc còn không có. Nhắc nhở cậu ấy, hôm sau cậu ấy xin nghỉ với đủ thứ lý do. Với lại, cậu ấy không biết cách cư xử, luôn đối đầu với mọi người trong cuộc họp, quan hệ với đồng nghiệp cũng không tốt… thật không thể giữ nổi. Tôi có muốn giữ cũng không thể giữ được chị ạ.

Ảnh minh họa (nguồn: Kênh phụ nữ).

Những lời phàn nàn này làm dì rất sốc. Dì thừa nhận rằng Trần Đông có chút tự kiêu, nhưng không ngờ là vấn đề lại nghiêm trọng như vậy.

Phải chăng đột nhiên cậu ta trở nên như thế này? Tính cách không phải nhất thời mà hình thành. Con người Trần Đông còn có nhiều chỗ thiếu sót, cậu ta thường tự cho mình là trung tâm, không biết tôn trọng người khác, dễ nóng giận và tự ái. Thế nhưng, dì tôi lại chẳng bao giờ chú tâm đến việc dạy dỗ đạo đức cho con. Từ hồi thằng bé còn nhỏ, dì chỉ quan tâm nó được bao nhiêu điểm, nay đi học môn gì, ở chỗ thầy cô nào?… Bố mẹ tôi và nhiều người từng góp ý, dì gạt phăng, bảo: “Ôi dào, nó học tốt, khắc nó tự biết, thời gian đâu ra…”. Quả thật, chú dì lo kiếm tiền sớm hôm, thằng bé cũng đi học tối ngày, thời gian đâu…

Thế nào là “giáo dục”?

Cái chúng ta vẫn gọi là “giáo dục”, phải chăng đã bị bệnh thành tích tô vẽ lên lớp vỏ hoa mỹ, còn bên trong thì rỗng tuếch? Xung quanh chúng ta có nhiều phụ huynh như vậy, họ chỉ coi trọng thành tích của con cái, chỉ cần con học giỏi là được, nhưng bỏ qua sự giáo dục về đạo đức. Hàm nghĩa của “giáo dục” thâm sâu là vậy, giờ đây chỉ thu về mấy con điểm để trưng bày và những kiến thức chưa biết vận dụng vào đâu…

Vậy giáo dục chính xác là gì? Mỗi người sẽ có câu trả lời của mình. Tỷ phú Du Mẫn Hồng đã từng nói: “Nếu là người có giáo dục, khi bạn đi giữa một nhóm người, hành vi của bạn là phù hợp, lịch sự và khiến cho người khác cảm thấy dễ chịu”. Đơn giản vậy thôi, và tôi đồng ý với quan điểm này.

“Trẻ vẫn còn nhỏ” là một cái cớ để trẻ mắc lỗi, cũng trở thành một lá chắn cho cha mẹ

Có một câu chuyện tôi đã chứng kiến trên tàu hỏa. Một cặp vợ chồng cùng con nhỏ ngồi cách tôi không xa. Đứa trẻ rất phấn khích khi chơi trò chơi trong điện thoại của bố mẹ, mỗi khi thắng đều cười rất to. Người đàn ông ngồi gần tôi muốn nghỉ ngơi một lát, nhưng mỗi khi anh ấy thiu thiu ngủ thì đều bị tiếng cười làm tỉnh giấc, lại cố gắng ngủ lại. Năm lần bảy lượt như vậy, anh không chịu nổi nữa liền quay lại nhìn bố mẹ đứa trẻ rồi nói: “Bảo con nói nhỏ một chút được không? Đây không phải ở nhà”.

Kỳ thực, chúng tôi cũng cảm thấy khá phiền, vì đứa trẻ quá ồn ào, nhưng chưa ai lên tiếng cả. Thật bất ngờ, cô bé bật khóc trong vòng tay cha, sau đó là sự bất mãn của người cha đối với người đàn ông:

– Nó còn nhỏ, chơi đùa một chút thì sao? Già như thế rồi mà vẫn còn so đo với trẻ con à?!

Bởi vì đứa trẻ đang khóc nên mọi người không nói gì thêm, nhưng trên tàu bắt tiếng xì xào: “Vẫn còn bố mẹ không hiểu chuyện như vậy sao?…”.

Giáo dục đạo đức cho con – Đừng chờ trẻ lớn

Biện hộ cho sự vô trách nhiệm trong việc giáo dục con cái, những ông bố, bà mẹ này thường nói: “Khi bạn có con, bạn sẽ biết!”, “Bạn là người lớn, sao lại chấp với trẻ con?”, “Nô đùa là một bản tính của con nít, không ảnh hưởng đến bạn!”… Lại có người bảo, trẻ con không cần tuân theo các quy tắc nào hết, rằng điều đó không quan trọng, lớn rồi sẽ tự biết nên cứ để tự nhiên. Có lẽ sẽ có ngoại lệ, nhưng tôi không tin rằng mọi đứa trẻ đều “lớn rồi tự biết”, câu chuyện của dì tôi mà một minh chứng sắc nét.

Ảnh minh họa (nguồn: Vạn điều hay).

Nếu cha mẹ không dạy con các quy tắc để cư xử lịch sự ngay từ khi còn nhỏ, sau này bước ra ngoài xã hội, có lẽ con người đó sẽ có những hành vi “lạc lõng” chẳng giống ai, và cũng không ai chịu đựng nổi.

Kỳ thực, sự nuông chiều vô tội vạ của bố mẹ sẽ khiến đứa trẻ trở nên vô phép tắc, dễ dẫn đến tính ích kỷ, ngạo mạn và khó mà hòa nhập với xã hội. Ông bà ta có câu: “Uốn cây từ thuở còn non/ Dạy con từ thuở con còn bi bô”, có người còn “dạy con từ thuở con còn… trong nôi”. Bởi, một khi trẻ đã định hình tính cách và hành vi, sẽ rất khó uốn nắn lại cho các bé.

Lại nữa, trẻ con có xu hướng bắt chước, cả cái hay lẫn cái dở của người lớn. Người lớn mà trẻ tiếp xúc thường xuyên nhất, chẳng phải chính là bố mẹ hay sao? Vậy mới nói, con cái là tấm gương phản chiếu cha mẹ, cư xử của đứa trẻ thể hiện sự tu dưỡng của cha mẹ. Gia đình nào có nền nếp gia phong, cư xử phải phép, mực thước, hẳn con cái cũng sẽ được thừa hưởng những đức tính tốt đẹp. Ngược lại, bố mẹ không cẩn trọng trong lời nói, hành vi, thì trẻ con sẽ học cái dở, và trở thành đứa trẻ hư.

Phải quản lý con được trước, sau này mới có thể buông tay

Tôi rất thích câu này: “Bố mẹ khi nuôi dạy con cái, trước hết phải quản lý được, thì sau này mới có thể để con độc lập mà âm thầm quan tâm, dõi theo con từ phía sau. Mỗi bước của quá trình nuôi dạy đều cần chăm chút, tỉ mỉ như chạm khắc một kiệt tác vậy”.

Ảnh minh họa (nguồn: Sống chậm).

Hãy thiết lập những quy tắc giáo dục trong gia đình bạn. Đừng nghĩ “quy tắc” là thứ gì đó “đè nén” con trẻ, đó chỉ là những chuẩn mực mà con bạn cần tuân theo để có được nền tảng đạo đức tốt cho các bé thôi. Hãy giải thích cho bé tại sao những quy tắc ấy lại quan trọng, tất nhiên là bằng cách dễ hiểu, dễ nhớ với các con. Đây là cách để bạn quản lý con, và khi con đã có ý thức tự giác tuân thủ những quy tắc ấy rồi, những phẩm chất và hành xử tốt đẹp đã thấm nhuần trong con rồi, bạn có thể yên tâm “thả” con ra thế giới rộng lớn kia, để con độc lập theo đuổi những hoài bão của mình, còn bạn lùi lại và dõi theo con.

Một chi tiết được chạm khắc cẩu thả, có thể làm mất đi giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Việc nuôi dạy con cái cũng lại như vậy. Cha mẹ là ngọn hải đăng của con cái, sự giáo dục hiện tại của bạn là tương lai của con. Nuôi dạy con trẻ chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng đó là trách nhiệm và cũng là niềm hạnh phúc của chúng ta, phải không nào?

Tôi tặng bạn câu nói này:

Khả năng của một người quyết định liệu người đó có bay cao hay không. Nền tảng giáo dục của một người sẽ quyết định người đó có thể bay xa hay không.

Mong rằng những đứa trẻ của chúng ta sẽ bay thật cao, thật xa tới những chân trời rộng mở.

Huyền Thanh

Theo Cmoney

Video xem thêm: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)

videoinfo__video3.dkn.tv||4a1528235__