Vấn đề ở đây không phải là khuyến khích người mẹ tạm thời nghỉ việc để chăm sóc con, mà là lưu ý các bậc cha mẹ rằng: khi con còn nhỏ nên giáo dục con tốt hơn, đặt con vào vị trí ưu tiên hàng đầu…

Tuy nhiên, đây có lẽ là một điều càng ngày càng trở nên xa xỉ, bởi vì có rất nhiều bà mẹ trẻ đều xem nhẹ vấn đề này, không cần suy nghĩ nhiều, một khi kết thúc thời gian nghỉ sinh là trở lại đi làm ngay.

Nguyên nhân một phần là do tình hình tài chính gia đình, hơn nữa khi có con nhỏ, có nhiều chi phí phát sinh mà không thể nào tiết kiệm được… Cũng có nhiều phụ nữ nghỉ việc ở nhà chăm con, chờ cho con lớn vài ba tuổi rồi tìm công việc mới đi làm trở lại. Nhưng một khi đi làm trở lại liền nhận thấy rằng thực tế lại không như mình mơ tưởng: nếu không phải tìm không được công việc thích hợp thì chính là tiền lương rất thấp, không được coi trọng… Quả thật là phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn.

Vì con mà từ bỏ sự nghiệp, có đáng giá không?

Thời gian vừa qua, tôi có tham gia một cuộc họp mặt của những người thành đạt trong giới kinh doanh, những người tham dự đều là những người quản lý cao cấp của các công ty lớn, đều thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Ở đây, nghe được những gì mà họ trao đổi quả thật khiến người khác suy nghĩ. Một trong những chủ đề được đề cập đến, đó chính là ‘có nên từ bỏ sự nghiệp để ở nhà chăm sóc con trẻ hay không?’.

Trong đó có một vị giám đốc điều hành có con vừa mới đạt thành tích cao trong học tập, đỗ vào một trường đại học danh tiếng, mọi người vây quanh chúc mừng hai vợ chồng họ và hỏi han kinh nghiệm nuôi dạy con. Lúc này người vợ mới cho biết, cô vốn là thư ký Tổng giám đốc của một công ty nước ngoài, được trả lương rất cao. Cô có hai người con, đều phải thuê bảo mẫu về chăm sóc để cô rảnh tay mà tiếp tục lo cho sự nghiệp.

Cho đến một đêm mùa đông, đang ngủ say thì con nhỏ thức giấc và khóc to, cô thực sự rất mệt không dậy nổi, cố gắng mãi mới miễn cưỡng dậy và đi đến bên giường pha sữa, thay tã cho con, nhưng đứa bé vẫn khóc đến khàn cả giọng. Lúc này cô mới nhận ra rằng: “Mình là người làm mẹ mà còn không chăm sóc con của mình cho tốt, vậy thì sao lại hy vọng bảo mẫu chăm sóc con của mình cho thật tốt được đây?”

Suy nghĩ như thế, cho nên ngay ngày hôm sau cô đến công ty và viết đơn thôi việc, từ đó về nhà chuyên tâm chăm sóc nuôi dạy con cái. Kết quả quả thật không phụ kỳ vọng của cô, cả hai đứa con lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thông minh học giỏi, đều được mọi người khen ngợi.

Nghe đến đây, một người trong đám đông vốn là Tổng giám đốc một công ty xuất khẩu gật đầu đồng ý tán thành: “Cô đã có một quyết định đúng nhất, tốt nhất trong đời, con cái vĩnh viễn là món đầu tư quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta”.

Vì con mà từ bỏ sự nghiệp, có đáng giá không?
Con cái vĩnh viễn là món đầu tư quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta… (Ảnh minh họa: beetify.com)

Lương một năm nhận được có nhiều đến bao nhiêu, vì con cũng có thể buông bỏ được

Nói rồi, vị Tổng giám đốc này nhắc đến vợ của mình, cũng có lương một năm gần cả tỷ bạc, song cô vợ đã quyết định dứt khoát nghỉ việc ở nhà chăm con, điều này khiến cho nhiều người chậc lưỡi than thở.

Lúc ấy, vị Tổng giám đốc chỉ muốn biết vì sao vợ lại có quyết định như vậy, người vợ đã trả lời rằng: “So với việc để lại núi vàng núi bạc cho con thì nuôi dạy con cho thật tốt mới là điều quan trọng hơn gấp trăm ngàn lần”.

Những lời này hoàn toàn thích hợp và đúng đắn. Rất nhiều gia đình giàu có nhưng gặp phải cảnh “giàu không quá ba đời”, chính là do không hiểu được đạo lý này. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến nhiều cha mẹ dốc sức kiếm tiền cả nửa đời người, tích lũy được gia tài bạc vạn, đến khi về già lại vì con cái không ra gì, vô công rỗi nghề, cờ bạc nghiện ngập, tranh chấp gia tài coi thường cha mẹ…. mà khổ sở, đau lòng. Chuyện như vậy xưa nay không thiếu.

Trước đây, Lâm Tắc Từ, một danh thần của nhà Thanh đã từng viết: “Con cái nếu như ta, lưu lại tiền của mà làm gì? Có tài mà lắm tiền thì sẽ giảm ý chí; Con cái nếu như ta, lưu lại tiền của mà làm gì? Ngu dốt mà lắm tiền, thì càng tăng thêm ngu dốt”. Cho nên, nhân khi con trẻ còn nhỏ, đang ở lứa tuổi cần sự giáo dục uốn nắn hình thành nhân cách, thì cha mẹ hãy dành thời gian, tận tâm tận lực mà giáo dưỡng, cha mẹ về già hưởng niềm vui con cháu nên người, không phải đau lòng hối hận.

Lương một năm nhận được có nhiều đến bao nhiêu, vì con cũng có thể buông bỏ được
Tài sán lớn nhất của các bậc cha mẹ để lại không phải là tiền bạc, sự nghiệp mà là con cái. (Ảnh: pixabay.com)

Mỗi giai đoạn có mỗi nhiệm vụ khác nhau, từng bước mà hoàn thành

Đến đây, tôi lại nhớ đến người bạn gái thân thiết của tôi trước đây. Chồng của cô ấy kinh doanh thành đạt, sau khi có con nhỏ, người bạn thân của tôi đã từ bỏ sự nghiệp của mình để lui về chăm sóc nuôi dưỡng con cái. Cô ấy là một người đầy tài năng, tất nhiên lúc đầu cô cũng không nguyện ý từ bỏ sự nghiệp của mình. Không phải vì cô không yêu thương con, mà là cô cũng yêu công việc, nhưng vì người chồng khuyên mãi cô mới chấp nhận ở nhà giúp chồng nuôi dạy con.

15 năm sau, tôi có dịp gặp lại cô bạn thân, chúng tôi vui mừng hỏi han chuyện trò, gương mặt cô rạng rỡ tự hào về người con trai thông minh ngoan ngoãn của mình. Có thể nhận thấy được việc hy sinh sự nghiệp của cô ấy đã có hồi báo mỹ mãn. Nhưng cũng bất ngờ là cô ấy nói, cô quyết định tiếp tục theo đuổi sự nghiệp bỏ ngang trước đây. Cô cho rằng cuộc sống có những giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn đều có những nhiệm vụ riêng cần phải hoàn thành.

Cô nói: “Khi tôi là một người mẹ, thì vai trò người mẹ là quan trọng nhất; khi đã hoàn thành vai trò người mẹ, thì bản thân mình là quan trọng nhất”.

Có lẽ, bạn sẽ không cho như vậy là đúng, cảm thấy những kẻ có tiền mới quyết định như vậy, còn như hoàn cảnh bản thân mình, sinh con đã là một sự can đảm to lớn, huống chi nghỉ việc để ở nhà chăm con thì là một điều không dám nghĩ đến, nếu không thì thà không sinh con còn hơn.

Ở đây, không phải khuyên bảo các bà mẹ nên nghỉ việc để chăm sóc con cái, mà là lưu ý các bà mẹ nên nhận thức được rằng, khi con còn nhỏ, nên giáo dục chúng cho tốt, đặt con vào vị trí ưu tiên hàng đầu. Có như vậy, trẻ khi trưởng thành mới có thể độc lập tự chủ trong cuộc sống. Đến lúc đó cha mẹ có thể hưởng an vui tuổi già, ‘con cháu đều có phúc của con cháu, đừng vì con cháu mà cố sức làm trâu làm ngựa’, chẳng phải sẽ thoải mái, vô tư…

Mỗi giai đoạn có mỗi nhiệm vụ khác nhau, từng bước mà hoàn thành
Sự giáo dục của cha mẹ lúc con còn nhỏ là không thể thiếu. (Ảnh: aliexpress.com)

Nuôi dưỡng con cái thật tốt, tuổi già sẽ được an vui

Nói cách khác, khi con còn nhỏ thì bất luận là vai trò làm cha hay làm mẹ, đều là trách nhiệm trọng yếu nhất; nếu đơn vị công tác có ưu đãi trọng dụng, thăng chức hoặc tạo cơ hội công tác nước ngoài nhưng lại có thể ảnh hưởng đến thời gian chăm sóc con nhỏ, thì xin hãy dùng lý trí mà suy xét thiệt hơn.

Không ai có thể chăm sóc giáo dưỡng con trẻ tốt hơn cha mẹ. Vậy nên, các bậc cha mẹ nên nhớ rằng, cuộc đầu tư thành công tốt đẹp nhất trong đời này chính là con cái, sẽ không bao giờ phải hối hận khi quyết định dốc sức vào món đầu tư này.

Theo Li Hui / soundofhope.org
Minh Phúc biên dịch