Văn hóa truyền thống bác đại tinh thâm, ẩn chứa rất nhiều điều tinh tuý, rất nhiều trí huệ của cổ nhân. Đáng tiếc là, các giá trị tinh hoa của văn hoá truyền thống đang ngày càng mai một, thậm chí có người còn cho đó là cổ hủ, lỗi thời…

Tìm về văn hoá truyền thống cũng chính là tìm về với huy hoàng của văn minh lịch sử. Nhưng làm thế nào để tìm lại những giá trị đang chìm vào quên lãng ấy? Mang theo nỗi trăn trở này, ông Trương Hiểu Bằng (Zhang Xiao Peng) – ký giả của “Báo chiều Nam Dương” – đã đặc biệt phỏng vấn giáo sư Lưu Dư Lợi (Liu Yuli), một học giả uyên bác về văn hoá Á Đông, bà cũng từng giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng ở Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản.

Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn này:

Ký giả: Văn hóa truyền thống cân đối giữa giáo dục gia đình, giáo dục trường học, giáo dục xã hội và giáo dục Thánh triết như thế nào?

Giáo sư Lưu: Giáo dục gia đình là bước khởi đầu, cha mẹ cũng là người thầy đầu tiên của con trẻ. Giáo dục phải bắt đầu từ gia đình, hơn nữa đó là quá trình từ lúc dưỡng thai cho đến cuối cùng khi “thận chung truy viễn” (cẩn thận lo tang lễ cha mẹ, thường tưởng nhớ tổ tiên xưa), quán xuyến suốt cuộc đời của một người. Do đó người xưa đặc biệt xem trọng giáo dục gia đình. Trước Thế chiến II, các học giả nghiên cứu văn hóa thấy rằng trong bốn quốc gia cổ có nền văn minh lớn trên thế giới, thì chỉ duy nhất văn hóa Trung Hoa là được truyền thừa đến tận hôm nay. Vì sao lại như vậy? Chẳng phải đó là bởi người Trung Quốc xưa đặc biệt xem trọng giáo dục gia đình hay sao?

Mẫu thân của Chu Văn Vương, bà là một Thánh nhân, bà đã làm được “mục bất thị ác sắc, nhĩ bất thính dâm thanh, khẩu bất xuất ngạo ngôn”. (Ảnh: wikipedia.org)

Mẫu thân của Chu Văn Vương – vị vua đặt định nền móng cho triều đại nhà Chu trong lịch sử – là người đặc biệt xem trọng thai giáo (giáo dục trước khi sinh). Bà đã làm được “mục bất thị ác sắc, nhĩ bất thính dâm thanh, khẩu bất xuất ngạo ngôn”, chính là mắt không nhìn những đồ vật không lành không tốt, tai không nghe những điệu múa ca từ dâm đãng, lời nói ra miệng đều là những lời lẽ dịu dàng. Những lời ngạo mạn đều không có, huống chi là lời thô bạo đây? Bà là một Thánh nhân, vậy nên con trai bà là Chu Văn Vương cũng được ca ngợi như một vị Thánh, điều ấy cho thấy tầm quan trọng của thai giáo.

Sau khi con trẻ chào đời, đôi mắt mở ra, còn chưa thể nói chuyện, nhưng mỗi thời mỗi khắc đều đang học tập, mỗi một lời nói hành vi, nhất cử nhất động của người mẹ đều là tấm gương cho con trẻ học theo. Hiện nay, rất nhiều bà mẹ không hiểu điểm này, vừa bồng con vừa mắng chửi người ta, miệng thốt ra những lời bất hảo, những điều này đều bị con trẻ nhìn thấy cả. Con trẻ vì sao lại nói dối, vì sao lại mắng người, vì sao lại tức giận? Thật ra đều là từ mỗi một lời nói hành vi, nhất cử nhất động của cha mẹ mà thành.

Giáo dục là quá trình xuyên suốt cả cuộc đời một người, đến lúc lâm chung là “thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”. Đây là một câu nói trong “Luận Ngữ”, ý tứ là thực hiện tang sự một cách cẩn trọng, truy tôn tổ tiên đã mất, dân phong này tự nhiên sẽ trở nên thuần hậu. Nếu một người luôn tưởng nhớ tổ tiên của mình, mỗi năm đều nhớ đến tế lễ, vậy thì đối với cha mẹ nào có chuyện không chăm lo đây? Anh ta không thể vừa tế bái tổ tiên vừa đánh mắng cha mẹ được, điều này về tình về lý thật không phù hợp chút nào.

Thời xưa, nhà nào nhà nấy đều có từ đường (nhà thờ tổ) để thờ cúng tổ tiên. Đến thời Xuân Thu, những lúc thờ cúng đều triệu tập mọi người trong gia tộc lại để tuyên giảng đức hạnh của tổ tiên. Nói rằng nhà họ Trương hay nhà họ Lý, tổ tiên các đời trong gia tộc, vào triều nào thời đại nào xuất hiện một vị nào có đức hạnh, họ đã có những cống hiến gì với xã tắc giang sơn, có những phẩm đức nào đáng để chúng ta noi theo học tập. Đây chính là giáo dục gia đình, “hiếu đễ trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ, giáo dục phản đối hủ bại, đề cao liêm khiết” chính là bắt nguồn từ gia đình.

Trong thời Đại Cách mạng Văn hóa, chúng ta không lý giải được ý nghĩa giáo dục của từ đường, không biết đó là nơi dạy người ta hiếu thuận, dạy người ta biết ân báo ân, dạy người ta phải có trách nhiệm, nên mới xem đó thành “Tứ Cựu” mà phá hủy mất. Kết quả là con trẻ hiện nay không chỉ quên mất tổ tông nguồn cội, mà ngay cả nghĩ đến cha mẹ cũng rất khó làm được. Vậy nên giáo dục gia đình là bắt đầu từ thai giáo, đến cuối cùng là “thận chung truy viễn”, quán xuyến cả đời của một người.

Hồng vệ binh đang đập phá biển “Đại Thành Môn” ở Khổng Phủ. (Ảnh: tinhhoa.net)

Tiếp đó mới là giáo dục nhà trường, mà nội dung đầu tiên là hiếu kính cha mẹ. Thời xưa, khi con trẻ ở nhà, bề trên sẽ dạy chúng tôn kính thầy giáo, đến trường học thì thầy giáo sẽ dạy chúng hiếu kính cha mẹ. Thầy giáo và phụ huynh phối hợp với nhau, bởi vậy đứa trẻ rất dễ tiếp thụ lời dạy. Không giống như thời nay, con trẻ bị thầy cô trách phạt, nó liền về nhà mách cha mẹ, cha mẹ đến trường tìm gặp hiệu trưởng, hiệu trưởng liền đi tìm giáo viên. Kết quả là, sau này đứa trẻ có phạm sai lầm thì thầy cô cũng không dám lên tiếng nữa, đứa trẻ này sẽ sai lầm nối tiếp sai lầm.

Giáo dục cần có thứ tự trước sau, trước hết là bồi dưỡng đức hạnh, sau đó mới học tập tri thức và kỹ năng. Bắt đầu từ tiểu học, con trẻ được học “Đệ Tử Quy”, học lễ tiết tiến lùi, lại được bồi dưỡng thái độ khiêm cung lễ phép với bề trên. Như vậy con trẻ học càng nhiều sẽ càng thêm tôn kính cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Giáo dục đức hạnh cũng bắt đầu từ lòng hiếu thảo, đặt định hiểu biết ‘biết ân báo ân’, ‘uống nước nhớ nguồn’ của con trẻ.

Một đứa trẻ nếu không thể ghi nhớ ân nghĩa dưỡng dục của cha mẹ, thì sẽ không biết báo đáp ân đức của bất kỳ ai nữa. Cho nên, chính từ đạo hiếu mới mở ra ý thức ‘biết ân báo ân’, bồi dưỡng cách hành xử tình nghĩa, ân nghĩa, đạo nghĩa của một người. Nếu không kiến lập nguyên tắc xử sự này thì thay vào đó sẽ là loại phương thức xử sự lấy thiệt – hơn làm chọn lựa: Chuyện này tốt cho tôi, tôi sẽ dốc toàn lực bám víu lấy; nhưng khi chuyện này trở thành có hại, tôi sẽ làm ra những chuyện vong ân phụ nghĩa, thấy lợi quên nghĩa. Vậy nên cổ nhân giảng, tìm kiếm trung thần phải tìm từ những người con có hiếu, bởi vì trung thần biết ân báo ân sẽ không thấy lợi mà quên nghĩa.

Trong giáo dục nhà trường, nội dung về “hiếu” rất toàn diện. Hiện nay rất nhiều người nói: ‘Hiếu có ý nghĩa gì’? Một quan chức cấp cao nào đó là người con có hiếu, nhưng ông ta vẫn vi phạm luật pháp, làm trái kỷ cương, đã bị bắt bỏ vào tù rồi. Nhưng nội dung của “Hiếu” rất toàn diện. Anh ta không chỉ cần phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo cho cha mẹ, mà còn phải nuôi dưỡng tâm của cha mẹ, chính là cần phải tôn kính cha mẹ, không thể khiến cha mẹ phải lo lắng. Ví như chúng ta đi học, nếu như học hành không tốt, cha mẹ sẽ cảm thấy lo lắng, đây cũng là bất hiếu. Khi chúng ta lớn khôn, bước vào cương vị công tác, tham ô nhận hối lộ, làm trái kỷ cương pháp luật, khiến cha mẹ phập phồng lo sợ, không biết ngày nào con sẽ bị bắt, đây cũng là bất hiếu.

Vậy nên, là một hiếu tử thật sự, cha mẹ sẽ chỉ lo lắng cho bệnh tật của anh ta chứ không lo lắng vì những việc khác, người như vậy mới thật là một người con hoàn mỹ. Trong “Đệ Tử Quy” có câu, “thân hữu thương, di thân ưu, đức hữu thương, di thân tu”, chính là thân thể bạn bị tổn thương, cha mẹ người nhà sẽ lo lắng cho bạn, còn như bạn tổn hại về đức hạnh, cha mẹ người thân đều cảm thấy xấu hổ vì bạn.

Nội dung của “Hiếu” rất rộng lớn. Ngoài “nuôi dưỡng thân thể, nuôi dưỡng tấm lòng của cha mẹ”, còn phải “nuôi dưỡng chí hướng, nuôi dưỡng trí huệ của mẹ cha”. Cha mẹ nuôi dưỡng chúng ta, không phải mong chúng ta bưng trà rót nước, chăm sóc họ, phụng dưỡng họ, mà mong rằng chúng ta có cống hiến với đất nước, với xã hội. Trong “Hiếu Kinh” viết: “Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã” (Lập thân hành đạo, làm rạng danh đời sau, khiến cha mẹ cảm thấy tự hào, đây là hiếu trọn vẹn vậy). Vậy nên đại hiếu là hiếu thiên hạ, cũng chính là nói cần phải “nuôi dưỡng ý chí của mẹ cha”.

Ngoài ra còn phải “nuôi dưỡng trí huệ của cha mẹ”. Cha mẹ không nhất thiết mọi chuyện đều đúng, những lúc cha mẹ có sai sót thì con cái cũng không thể máy móc mà thuận theo cha mẹ. Trong “Đệ Tử Quy” có nói, “thân hữu quá, gián sử cánh, di ngô sắc, nhu ngô thanh”, cha mẹ có sai sót thì phải đi khuyên ngăn, nhưng thái độ khuyên ngăn nhất định là thần thái ôn hòa, hơn nữa phải chờ đến lúc cha mẹ vui mừng để khuyên can. Điều này cho chúng ta biết không phải thuận theo cha mẹ mới là hiếu. Đương nhiên, hiếu thuận là không ngỗ ngược với cha mẹ, không làm trái những lời dạy bảo của cha mẹ, nếu cha mẹ thật sự có làm trái với đạo, thì người làm con cũng nên khuyên ngăn. Vậy nên, khuyên ngăn cũng là trách nhiệm quan trọng của đạo làm con. Đây chính là điều được giảng trong giáo dục nhà trường, thầy giáo dạy đạo hiếu, nội dung của hiếu thật sự rất rộng vậy.

Giáo dục đạo đức không phải là học một khóa học, mà tiếp nhận mỹ đức truyền thống cũng chính là giáo dục đạo đức, nó thẩm thấu đến mọi phương diện trong cuộc sống của chúng ta. (Ảnh: 2sao.vn)

Giáo dục xã hội là mở rộng của giáo dục đạo đức. Giáo dục đạo đức không phải là học một khóa học, mà tiếp nhận mỹ đức truyền thống cũng chính là giáo dục đạo đức, nó thẩm thấu đến mọi phương diện trong cuộc sống của chúng ta. Thơ từ, ca múa, hí kịch, tiểu thuyết, tạc tượng, mỹ thuật, âm nhạc, v.v., đều là giáo dục xã hội. Rất nhiều phụ nữ thời xưa chưa từng học qua “Tứ Thư Ngũ Kinh”, nhưng họ biết làm người cần phải hiếu kính với cha mẹ chồng, cần phải giúp chồng dạy con, cần phải trung hiếu tiết nghĩa. Những điều này là học từ đâu đây? Đều là học biết từ các loại hình thức hí kịch và văn nghệ địa phương.

Vậy nên, giáo dục xã hội thời xưa như thi từ, ca múa, hí kịch, tiểu thuyết, âm nhạc, tạc tượng, v.v. đều tuân theo lý niệm của Khổng Tử, đó là “không nghĩ tà”, không dẫn khởi tà niệm, ngược lại còn phải dẫn khởi chính tri chính niệm của mọi người. Hiện nay có mạng internet, điện ảnh truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tạp chí, v.v., những thứ này đều là tải thể quan trọng của giáo dục xã hội. Điều truyền bá cho quần chúng là gì đây, đại chúng xã hội sẽ tiếp nhận điều gì? Những người làm công tác truyền thông càng nên đảm nhận chức trách giáo dục xã hội, lấy tuyên giảng “hiếu đễ trung tín, lễ nghĩa liêm sỉ, nhân ái hòa bình” làm nội dung chủ yếu, dựng lập nên chính tri chính niệm của mọi người. Suy cho cùng, giáo dục xã hội sẽ thẩm thấu đến mọi phương diện trong cuộc sống của chúng ta.

Giáo dục thánh hiền quán xuyến đến cả giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, và giáo dục xã hội. Thời xưa, trẻ nhỏ đọc “Tứ Thư Ngũ Kinh”, mục đích là cần làm được tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Tu thân là tiền đề và cơ sở trong việc trị quốc bình thiên hạ, phía trước nó có bốn bước đi: “cách vật trí tri, thành ý chính tâm”. Ý của “cách vật” là đoạn dứt mọi ham muốn vật chất, đoạn dứt mọi tham cầu đối với tài sắc danh lợi, các dạng các loại tham cầu quá phận, khiến người ta khi đứng trước tài sắc danh lợi mà vẫn vững vàng bất động. Như vậy tu thân của anh ta mới có nền tảng, anh ta trị quốc bình thiên hạ mới không xảy ra vấn đề.

Hiện nay rất nhiều sinh viên đại học đều ủng hộ chống hủ bại, thậm chí vì chống hủ bại mà diễu hành thị uy. Nhưng khi đặt chân vào cương vị công tác, làm lãnh đạo, trở thành người nắm giữ lợi ích, thì thái độ này đã biến đổi rồi, họ không muốn chống hủ bại nữa, liền nghĩ ai muốn chống hủ bại tôi sẽ chống lại người đó. Thái độ này vì sao lại chuyển biến? Anh ta trước mê hoặc của lợi ích liền cảm thấy không gì không tốt, bổn phận quan chức của mình là gì thậm chí cũng không còn nhớ. Giáo dục thánh hiền của người xưa là xuyên suốt cả quá trình một đời người, cổ nhân xưa phải học tập kinh điển của Nho -Thích – Đạo, những điều này đều là đề mục giảng dạy mà họ cần phải đọc, từ nhỏ đã được hun đúc một cách sâu sắc. Giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội đều là lấy giáo dục Thánh hiền làm nội dung chủ yếu. Chỉ khi chúng ta đến kế thừa phát huy, thì giáo dục đạo đức mới có thể làm tốt.

(Còn tiếp)

Tác giả: Trương Hiểu Bằng
Thiện Sinh biên dịch