Làm gạch lát đường từ túi nilon phế thải, ý tưởng này nghe có vẻ lạ lẫm nhưng các bạn sinh viên đã chứng minh điều đó là khả thi, trong tương lai có thể đem ứng dụng rộng rãi.

Thay vì chôn vùi và phải mất nhiều năm để phân hủy hay tái chế thành những vật dụng mới gây nguy hại cho sức khỏe, các bạn sinh viên đã nghĩ ra phương án sử dụng túi nilon phế thải tái chế thành một loại vật liệu có ích và an toàn.

Túi nilon vốn được sản xuất từ những hạt nhựa polyme. Dựa vào các kiến thức đã được học trong môn Vật liệu xây dựng và Bê tông polyme, nhóm sinh viên nghĩ: ‘Tại sao không thay các chất dính kết trong bê tông bằng chất polyme từ phế thải các túi nilon?’. Nghĩ là làm, cả nhóm quyết định bắt tay vào chế tác thử một loại vật liệu từ cát, đá và túi nylon.

5 bạn sinh viên trường Đại học Giao thông Vận tải mất 2 ngày đi thu gom hàng chục kg nilon phế thải tại bãi rác Sóc Sơn.

Lượng túi nilon này sau khi mang về sẽ được nhóm rửa sạch, phơi khô làm nguyên liệu. Theo chàng sinh viên tên Đức, khó khăn nhất vẫn là quá trình tìm ra tỷ lệ pha trộn thích hợp giữa các nguyên liệu.

Chia sẻ với Việt Nam Net, các bạn sinh viên cho biết, phải làm đi làm lại trên 50 mẫu thử khác nhau mới có thể tìm ra được tỷ lệ pha trộn chuẩn giữa đá, cát và nilon ở trong nhiệt độ phù hợp. Trong đó, đá đóng vai trò là vật liệu chịu cường độ, cát để chèn vào các lỗ rỗng giữa các viên đá và ni lông đóng vai trò là chất kết dính.

Ảnh: Việt Nam Net.

Sau khi phối trộn các nguyên liệu với tỷ lệ đã được tính toán cẩn thận, hỗn hợp này sẽ được đưa vào chảo đun nóng đến nhiệt độ 180-220 độ C.

Trong quá trình này, hỗn hợp được đảo liên tục, đều tay để nhựa chảy và bám đều vào các hạt cốt liệu. Sau khi hỗn hợp quánh lại lập tức cho vào khuôn đúc sẵn, dùng búa và đầm nén chặt để được thành phẩm.

Trong quá trình thử nghiệm, nhóm của Đức đã nhận được sự hỗ trợ của GS.TS. Phạm Huy Khang, Bộ môn Đường ô tô và sân bay, ĐH Giao thông Vận tải, nên các bạn có không gian làm các thí nghiệm tại xưởng với đủ dụng cụ như máy trộn, máy đầm hay máy ép thành phẩm.

Bằng niềm say mê và tâm huyết, nhóm sinh viên cũng đã tạo ra được sản phẩm đạt kết quả tốt, có tính khả thi cao.

GS.TS. Phạm Huy Khang nhận định: “Tính ứng dụng của sản phẩm vào thực tế là khả thi, giúp giải quyết một phần bài toán về lượng nilon thải ra môi trường hiện nay ở Việt Nam. Sản phẩm này nếu tiếp tục cải tiến có thể đem vào ứng dụng để lát vỉa hè. Kinh phí sản xuất chắc chắn sẽ không đắt hơn các sản phẩm hiện có trên thị trường, tuy nhiên nếu tính đến giá trị với môi trường, hiệu quả sẽ không thể tính bằng tiền”.

Sản phẩm được tạo ra khi chia tỷ lệ thành công (ảnh: Việt Nam Net).

Cùng đam mê, chung suy nghĩ, 2 bạn Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình (sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM) cũng tạo ra sản phẩm gạch lát nền từ túi nilon tái chế và cát.

Ý tưởng làm gạch từ nilon và cát là gợi ý của một thầy giáo dạy Mạnh Đình lúc học phổ thông theo Đình vào trường đại học. Đình không chọn học xây dựng mà theo công nghệ thông tin. Nhưng như một cái duyên, Đình lại ở chung phòng ký túc xá với Vũ Văn Dương, sinh viên khoa kỹ thuật xây dựng. Nói chuyện với nhau, hai bạn ấy quyết định bắt tay nhau chế tác thử loại vật liệu từ cát và túi nilon, theo báo Tuổi Trẻ.

Chiều nào 2 bạn cũng rủ nhau ra chợ Tăng Nhơn Phú (Quận 9) lượm… túi nilon mang về rửa sạch, phơi khô làm nguyên liệu. Được mấy cô bán hàng ở chợ giúp đỡ gom túi lại, đợi tới chiều 2 đứa ra thì cho.

Không có thiết bị, cả 2 tự mày mò tận dụng bất cứ thứ gì có được để làm. Đến máy ép thành phẩm cũng mua vật dụng về tự chế, tiết kiệm tiền ăn 200.000 đồng để mua cát làm thí nghiệm.

Mất 2 tháng cho hơn 60 mẫu thử khác nhau. Mỗi mẫu ra đời, Đình và Dương khi lên lầu 3, lúc leo lầu 5 thả mạnh xuống đất để đo độ chịu lực của gạch. Cuối cùng, cả hai cũng tìm ra tỉ lệ pha trộn nhất định giữa cát và nilon với nhiệt độ phù hợp, cho ra thành phẩm đầu tiên. 

Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình (từ trái qua) tại xưởng thí nghiệm của trường thực hiện mẫu nghiên cứu (ảnh: Q.L/Tuổi Trẻ).

Vật liệu được đặt tên UNC (U là UTE, tên viết tắt tiếng Anh của ĐH Sư phạm kỹ thuật, N là nilon, còn C là cát), 2 bạn mang ứng thí ở hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên trường.

Tinh thần sáng tạo, chịu khó, dám nghĩ dám làm của các bạn sinh viên nói trên thật đáng khen. Hy vọng xã hội chúng ta sẽ có thêm nhiều ý tưởng thiết thực như vậy hơn nữa.

Video xem thêm: Thế nào là người thực sự giàu có và thực sự hạnh phúc

videoinfo__video3.dkn.tv||edc3ef3cd__