Trong phút giây ấy, mẹ bỗng thấy nhói lòng khi nhận ra: Vì sao trái tim con rỉ máu? Vì sao có lỗ hổng ấy trong tim? Chẳng phải vì ai cả, mà chính là…

Con yêu,

Mẹ con mình vừa trải qua những phút giây đáng nhớ, cho đến tận bây giờ mẹ vẫn không dám nghĩ, không dám tin nếu đó là thực tại.

Những chuyện vừa qua vẫn còn hiện lên rõ ràng ngay trước mắt. Đó sẽ là bí mật của mẹ, của con, của riêng “hai chúng mình”, con nhỉ?

Lỗ hổng trong tim

Mẹ sẽ không bao giờ quên được giây phút ấy… Cánh cửa phòng mở ra, rồi con ngã nhào vào lòng mẹ. Bé cưng, có phải vì xa mẹ suốt 10 tiếng đồng hồ, nên con mới nhớ mẹ nhiều như thế? Mẹ mỉm cười ôm con trong vòng tay, vừa xoa đầu vừa hỏi về chuyện bạn Cún, bạn Bi, rồi bạn Tũn…

Nhưng con không trả lời. Khuôn mặt xanh tím tái.

Im lặng.

Một sự im lặng rất vô hồn.

Có cái gì đó ươn ướt, thấm qua lưng áo con rồi bê bết đầy tay mẹ. Là máu. Mẹ hốt hoảng, giật mình. Trên lưng con, một lỗ sâu xuyên qua trái tim khiến máu cứ thế nhỏ ra ngoài từng giọt, từng giọt.

Mẹ quýnh quáng cõng con trên lưng rồi chạy ngay đến bệnh viện. Và từ đây, hành trình mới thực sự bắt đầu.

Trong đầu mẹ, những dòng suy nghĩ cứ nối tiếp nhau, miên man, miên man: Là ai đã khiến trái tim con rỉ máu? Là ai gây ra lỗ hổng ấy trong tim? Có phải là chị Bống nhà chú Tư không? Lần nào sang chơi với cái Tép nhà chú Tư, con cũng bị chị Bống bắt nạt rồi vừa khóc vừa chạy về mách mẹ.

Mẹ gõ cửa phòng số 1, vị bác sĩ mặc áo blu trắng bước ra. Nhưng vừa nhìn thấy mẹ, ông ấy liền lắc đầu rồi đóng sầm cửa lại.

Và mẹ lại cõng con rong ruổi khắp các hành lang bệnh viện, mặc kệ dòng suy nghĩ vẫn miên man, miên man: Hay là bạn Thắng béo ở lớp? Đã mấy lần bạn ấy cắn con tím bầm cả cánh tay, vậy mà con không dám kể lời nào với mẹ. Đến khi tắm cho con mẹ mới biết, nhìn mà cứ xót xa.

Cánh cửa phòng số 2 mở ra, lần này là một người mặc áo blu xanh, chắc hẳn là bác sĩ phẫu thuật. Nhưng ông ấy cũng chẳng nói chẳng rằng, cứ thế đóng “rầm!” cửa lại.

Máu từ lưng con lại nhỏ xuống in dấu chân của mẹ. Mẹ tự nhủ: Mình nhất định không được quỵ ngã! Dòng suy nghĩ vẫn tiếp tục ùa về không ngớt: Hay là cô bảo mẫu? Ừ, có thể lắm chứ. Cô bảo mẫu trẻ măng, rất hay cười, nhưng biết đâu cũng có lúc mạnh tay bạo hành trẻ nhỏ?

Mẹ run run gõ cánh cửa số 3, cửa chưa kịp mở mà mẹ đã cố nói vọng vào: “Hãy cứu con tôi, cháu còn quá nhỏ…”. Nhưng cũng giống như hai lần trước, vị bác sĩ đeo cặp kính cận ấy chỉ lạnh lùng lắc đầu nhìn qua ô cửa kính, nhất quyết không cho mẹ bước vào.

Mẹ không muốn dừng bước, cũng không thể bỏ cuộc. Nhưng tất cả mọi cánh cửa đều đã đóng chặt, những ánh mắt khước từ, và những cái xua tay đầy tàn nhẫn. Vẫn giữ con trên lưng, mẹ ngước lên nhìn bầu trời thăm thẳm bao la ấy. Trời có hiểu thấu chăng, đất có hiểu thấu chăng, một sự bất lực đến tận cùng của mẹ!

Bầu trời cao trong xanh và ngút ngàn tầm mắt. Không nắng, không mưa, cũng chẳng một gợn mây, vậy mà mưa từ đâu rơi xuống ướt vai mẹ? Nước mưa mằn mặn. Bên tai mẹ, một giọng nói ngọng nghịu giống như đang nức nở trong mê:

– My nhan mà, mệ, mệ, mệ nhừng nhắng My nưa… (My ngoan mà, mẹ, mẹ, mẹ đừng mắng My nữa nhé).

Mẹ giật mình tỉnh giấc. Nhìn sang bên cạnh, thấy con vẫn đang gối đầu trên cánh tay mẹ. Mi mắt ươn ướt, bờ môi mấp máy, có phải con vừa gọi tên mẹ trong mơ không? Mẹ bất giác xoa lên lưng con bé nhỏ, tấm lưng vẫn lành lặn, lỗ hổng đã biến mất, và một giọt máu cũng chẳng còn.

Thì ra, chỉ là một giấc mơ!

Mơ, nhưng không đơn giản là mơ

Mẹ ngồi trên giường, mường tượng lại những lần giận dữ quát tháo từng khiến con òa lên nức nở. Đến mức mà, giờ đây chỉ cần mẹ chau mày, bặm môi, lắc đầu, hay trừng mắt nhìn là con đã phụng phịu như sắp khóc òa.

Trong phút giây ấy, mẹ bỗng thấy nhói lòng khi nhận ra: Là ai khiến trái tim con rỉ máu? Ai gây ra lỗ hổng ấy trong tim? Chẳng phải ai cả, mà chính là sự vô tình của mẹ!

Ôi bé con, tâm hồn rất mỏng manh và non nớt ấy, lại đang bị tổn thương mà mẹ không sao bù đắp được. Những câu chuyện “dạy con” vẫn thường nhấn mạnh rằng: Cần phải nghiêm khắc với con cái, không được nhún nhường trước trẻ nhỏ. Có lẽ mẹ đã hiểu sai ý nghĩa đó, cứ tưởng rằng chỉ cần khiến con sợ thì con sẽ nghe lời. Nhưng kết quả lại là điều không mong đợi: Vì quá nghiêm khắc mà biến thành tàn nhẫn, và vì không muốn nuông chiều mà trở nên cau có, vô tình.

Phải chăng mẹ đã quên rồi? Ngày ấy, khi con yêu vừa mới chào đời, mẹ đã xúc động trào nước mắt. Đó là lần đầu tiên mẹ cảm nhận được niềm hạnh phúc của tình mẫu tử. Ngắm nhìn thiên thần bé nhỏ trong nôi, ánh mắt trong veo và thuần khiết, mẹ đã tự nhủ với lòng mình: Sẽ làm một người mẹ tốt, để xứng đáng với con.

Trên chiếc bàn kia là cuốn sách mẹ mới mua tặng con, nhưng vì mấy ngày nóng giận gần đây nên vẫn chưa kịp đọc. Trong đó là cuộc đối thoại giữa mẹ và con:

– Con chỉ là chú cáo con bé nhỏ và rất hay cau có, chẳng ai yêu con cả!

– Dù con có hay cau có đi nữa, mẹ vẫn sẽ yêu con bất kể có xảy ra điều gì.

– Nếu con biến thành bạn gấu xám, mẹ có yêu con không? Mẹ có sợ con hay không?

– Tất nhiên rồi, cho dù con biến thành gấu xám hay không, mẹ vẫn luôn yêu con bất kể có xảy ra điều gì.

– …

– Con hãy nhìn những ngôi sao sáng trên bầu trời kia. Tình yêu mẹ trao con giống như ánh sao ấy, sẽ không tắt bao giờ.

Vậy mà mẹ lại không làm được như người mẹ ấy: Chưa đủ tình yêu khi con tỏ ra ương bướng, và chưa đủ nhẫn nại khi con không chịu nghe lời. Thế nên, mẹ sẽ viết câu chuyện này vào nhật ký để tự nhắc nhở mình: Tình yêu của người mẹ không phải đòn roi, cũng không phải là những lần trút giận vô cớ. Mẹ muốn trở thành một người mẹ lý trí, dùng thiện tâm để giảng giải đúng sai, và cho con tình yêu trong nhẫn nại.

Bởi hơn hết, làm mẹ không phải là để biến con cái thành “cỗ máy nghe lời”. Một người mẹ tốt phải là người biết nuôi dưỡng và vun đắp những tâm hồn.

Mẹ của con

Quỳnh Như