Lời dạy của Khổng Phu Tử “Người thấy quá rõ thì không có người theo” có thể áp dụng trong vấn đề dạy con. Cha mẹ ví như quân vương, con cái ví như dân chúng. Phương cách của đấng trị vì sáng suốt là dựa trên khoan dung.

Tử Trương, một học trò của Khổng Phu Tử, hỏi Đức Khổng Tử đạo lý về chính trị và chấp chính. Khổng Phu Tử giảng, “Người quân tử trị vì dân chúng, không nên thiết lập những tiêu chuẩn quá cao. Không nên thuyết dụ nhân dân bằng những mục đích quá xa vời thực tế. Đừng cưỡng chế họ làm những việc mà họ không có khả năng”.

Lời dạy này của Khổng Tử khiến ta liên hệ đến mâu thuẫn kinh niên giữa cha mẹ và con trẻ. Cha mẹ thiết lập những tiêu chuẩn quá cao cho con, đặt ra mục đích không thực tế thì sẽ khiến con bị ức chế, còn cha mẹ cảm thấy thất vọng. Hậu quả chỉ là kéo xa khoảng cách giữa hai bên. Khoảng cách càng xa, cha mẹ càng khó khăn trong việc “trị vì” con cái.

Chúng ta hiểu rằng cha mẹ thường đặt kỳ vọng rất nhiều ở con và đôi khi họ quên mất khả năng của con có phù hợp với kỳ vọng đó không. Dường như bắt một con cá leo cây thì suốt đời ta chỉ cảm thấy rằng con cá đó thất bại.

Khổng Phu Tử giảng thêm: “Trò nhất định phải nhớ, nước trong thì không có cá, Người thấy nhiều thứ quá rõ ràng thì không có người theo. Ngày xưa, vương miện của các Hoàng Đế thường có các chuỗi ngọc rũ xuống che phủ khuôn mặt. Đấy là để họ không nhìn quá rõ mọi thứ. Họ trang trí cho che kín lỗ tai để không nghe được quá nhiều điều. Một khi trong dân chúng xuất hiện yêu tặc nổi dậy, vị Hoàng Đế sẽ chấn chỉnh lại tình huống”.

Một vấn đề phổ biến của cha mẹ là sự nổi nóng với con không cần thiết. Để đến nỗi sau nổi nóng sẽ là hối hận khôn nguôi. Nhưng dẫu có hối hận thì cọ xát đã xảy ra rồi, trong khi sự tổn thương nơi tâm hồn con lại không phải luôn luôn có thể bù đắp được. Chi bằng cha mẹ hãy để “chuỗi ngọc rủ xuống che phủ khuôn mặt” để không cần phải nhìn rõ mọi khuyết điểm ở con.

Có câu “nhân vô thập toàn” nghĩa là không có ai hoàn hảo. Vậy thì con cái có mắc một chút khuyết điểm cũng không phải chuyện đáng kể. Làm quá lên một chuyện “không đáng kể” chẳng phải cái được chẳng bõ cho cái mất hay sao. Sự gắn kết và niềm vui mất đi bởi mâu thuẫn và tổn thương.

Nhìn thoáng một chút sẽ đi cùng rộng lượng một chút. Biết đâu đó mới chính là vùng trời tuổi thơ mà con hằng mơ ước!

Khổng Phu Tử cũng giảng: “Chúng ta nên khoan dung nhiều chính sách để người ta có thể tự thấy những chỗ không toàn vẹn của mình. Trò nên truyền giảng những nguyên lý phù hợp với mức độ tiếp thu của quần chúng. Giáo dục cho họ có khả năng độc lập tư duy dựa trên những nguyên lý và tự tìm ra phương hướng cho bản thân! Khi người phạm lỗi lầm, đừng làm mọi thứ để chỉ ra lỗi lầm của họ, hãy khoan dung và tha thứ cho họ dựa vào những điều tốt đẹp mà họ đã làm trong quá khứ. Điều đó sẽ giúp họ ngày càng trở nên tốt hơn, như một người chết đi mà được sống lại. Đấy là một phương cách của Đấng trị vì”.

Điều quan trọng nhất dành cho con phải chăng là sự vui vẻ và khích lệ!

Trong cuốn sách “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”, chuyên gia giáo dục Doãn Kiến Lợi đã có những dòng chia sẻ rất hữu ích về sổ ghi công và sổ ghi tội. Nhủ ý khuyên rằng cha mẹ “chỉ lập sổ ghi công, không lập sổ ghi tội”. Bởi vì thành tích mà cha mẹ ghi cho trẻ càng nhiều, sẽ càng đem lại niềm vui và sự tự tin cho trẻ, điều này khiến trẻ ngày càng trở nên tốt hơn.

Một số bậc phụ huynh sở dĩ thường xuyên phê bình giáo dục con trẻ, chính là do có một suy nghĩ sai lầm ăn sâu vào máu rằng, nếu mình không nói, không thường xuyên nhắc nhở, con trẻ sẽ không biết sửa khuyết điểm, càng ngày càng sa đọa. Thực tế là, mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng, chí tiến thủ là bản tính của trẻ, chỉ cần không bị bóp méo, chắc chắn sẽ phát triển bình thường. Phê bình lặp lại nhiều lần giống như cuốn “sổ ghi tội” dán trên tường, sẽ cố định khuyết điểm của trẻ, khiến trẻ khó có thể dứt bỏ khuyết điểm đó.

Trích “Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt”

Tuy nhiên, có những lúc con mắc khuyết điểm không thể bỏ qua được. Vậy thì khi cần giáo huấn, hãy giáo huấn bằng những câu chuyện và tấm gương sáng. Từ đó, bài học sẽ âm thầm thấm nhuần vào tâm trí con trẻ mà không cần trực tiếp chỉ ra lỗi lầm. Đó chính là “Giáo dục cho họ có khả năng độc lập tư duy dựa trên những nguyên lý và tự tìm ra phương hướng cho bản thân”.

Khổng Phu Tử giảng thêm: “Muốn người khác tin theo, tốt nhất là khiêm tốn lắng nghe quan điểm của người khác trước. Muốn một chính sách được thực thi nhanh chóng, tốt nhất là hãy tự mình làm gương. Muốn người sớm quy phục mình, cách tốt nhất là dạy cho họ những luật chân chính. Nếu trò có thể đạt được những điều trên thay vì chỉ biết mắng mỏ và trừng phạt dân chúng, trò sẽ là một người chấp chính được yêu chuộng”.

Có bao nhiêu lần cha mẹ lắng nghe con trước khi dạy dỗ…

Có bao nhiêu lần cha mẹ ý thức về việc làm gương cho con…

Có bao nhiêu lần cha mẹ kịp dừng lại trước khi phát ra mệnh lệnh, để cùng con thống nhất về những quy định chân chính…

***

“Người thấy quá rõ thì không có người theo”: ý nói rằng không nên vạch trần mọi khuyết điểm, yêu cầu người khác quá khắt khe. Là con người, ai cũng có điểm yếu kém. Là con cái cũng như vậy.

“Người thấy quá rõ thì không có người theo” khuyên cha mẹ trở nên khoan dung và ân cần với con. Đó là những người cha mẹ như quân vương sáng suốt.

Video: Người luôn từ bi có được 9 lợi ích

videoinfo__video3.dkn.tv||d3704e118__