Người càng ở cương vị cao, càng phải rèn đúc cho mình một tâm thái tiếp nhận lời khuyên răn. Như vậy mới có thể kịp thời cảnh tỉnh bản thân, tránh gây ra hậu họa, cũng là phù hợp với thiên ý và lòng dân.

Phàm là người có năng lực thường hay kiêu ngạo. Vì kiêu ngạo mà sinh ra bảo thủ, độc tài, dẫn đến không dễ tiếp nhận lời khuyên từ người khác.

Tuy nhiên, đối với một người vừa có tài vừa có đức thì họ không lấy tài năng để huyênh hoang. Càng ở cương vị cao lại càng đặt thấp bản thân mình vì đại cục, đó quả là người đáng quý.

Họ có thể mở lòng tiếp nhận lời khuyên răn, lựa chọn điều đúng mà làm theo. Bởi vì họ đã không còn bị giam hãm trong cái tôi nhỏ bé, sẽ không vì danh dự bản thân mà đánh đổi lợi ích của muôn người, điều hướng đến là ý trời và sự tín tâm của toàn thiên hạ.

Cho nên người có uy đức mà nắm giữ cương vị cao thì uy đức ấy chiếu sáng bốn phương, khiến người người được lợi, nhà nhà yên vui. Một điều tốt biến thành trăm điều tốt, vạn điều tốt.

Đường Thái Tông là một bậc minh quân nổi tiếng với việc lắng nghe tiếp nhận lời khuyên. Thái Tông cho rằng: “Người làm vua tuy không nói nhưng biết tiếp nhận lời khuyên răn mới là thánh nhân”, “Lắng nghe nhiều ý kiến từ nhiều phía mới biết rõ đúng sai được mất, nếu chỉ nghe từ một phía thì dễ bị hồ đồ.”

Vậy nên, ông khuyến khích bề tôi tiến cử lời khuyên, mở rộng chức quyền cho quan can gián, phàm là chiếu lệnh không phù hợp thì phải tâu rõ, không được hùa theo. Ngụy Trưng là vị quan can gián chính trực, tuy là thân tín của thái tử Lý Kiến Thành trước đây nhưng Đường Thái Tông không nhắc đến thù xưa mà bổ nhiệm ông ta làm quan can gián.

Không những cho phép Ngụy Trưng trực tiếp tham vấn chính sự, mà còn rất sủng ái và tôn kính ông ta. Ngụy Trưng dâng lên hơn chục tấu sớ, thẳng thắn chỉ ra lỗi, Thái Tông mở lòng tiếp nhận lời khuyên răn, lựa chọn con đường đúng đắn mà làm theo.

Sau khi Ngụy Trưng qua đời, Thái Tông thương tâm nói: “Người ta lấy đồng làm gương soi để chấn chỉnh quần áo; lấy lịch sử thời xưa làm gương có thể thấy được thịnh suy; lấy người làm gương có thể biết được mất. Ngụy Trưng không còn, trẫm đã mất đi một tấm gương!”

Một lần vào dịp tuyển định quan viên ưu tú thì phát hiện có một số người giả mạo, Thái Tông đã chiểu theo mệnh lệnh ban bố xử tội chết cho những kẻ đó. Binh bộ lang trung Đới Trụ đã khuyên ngăn: “Chiểu theo pháp luật nên xử lưu đày.”

Thái Tông tức giận nói: “Khanh nghĩ tuân thủ pháp luật để làm trẫm mất đi danh dự sao?”

Đới Trụ nói: “Mệnh lệnh của Hoàng đế là xuất phát từ nóng giận nhất thời mà truyền xuống, còn pháp luật là quốc gia công bố dùng nó để lấy được sự tin cậy của thiên hạ. Bệ hạ vô cùng tức giận với hành vi dối trá nên mới muốn giết họ, tuy nhiên bệ hạ cũng biết rằng chiểu theo pháp luật là không thể làm như vậy. Nếu như sử dụng pháp luật để đo lường thì có thể dằn lòng mà có được sự tín nhiệm của toàn thiên hạ.”

Thái Tông nói: “Khanh có thể chấp pháp như vậy, trẫm làm sao có thể không an tâm cho được!”

Về sau, Đới Trụ liên tiếp nhiều lần dâng lời khuyên răn, Thái Tông đều nghe theo ý kiến của ông ta, thiên hạ không có án oan nào phát sinh.

Thái Tông nói với quần thần:

Người ta nói Hoàng đế có địa vị tôn quý, việc gì cũng không sợ. Trẫm thì không như vậy. Bên trên trẫm kính sợ sự dõi theo của ông Trời, bên dưới trẫm sợ hãi sự ngưỡng vọng của quần thần vô cùng sát sao. Trẫm còn sợ không phù hợp với thiên ý và nguyện vọng của dân chúng.

Vậy mới hiểu vì sao người đời ca tụng vua Đường Thái Tông là “thiên cổ nhất đế” (vị hoàng đế vĩ đại qua mọi thời đại), vị minh quân trị quốc bằng nhân đức. Ông đã để lại cho hậu thế tấm gương của người ở cương vị cao nhưng không hề tự mãn, có thể vui vẻ làm theo những lời khuyên có thiện ý.

Trong muôn nẻo đường đời, khuyên người hãy đi đến thành công bằng tâm sáng! Có thể dùng uy đức mà vươn xa, lấy từ ái nhân hậu để phục người thì một điều tốt sinh ra ngàn vạn điều tốt.

Video: Các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công

videoinfo__video3.dkn.tv||249d5ef18__