Có nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ giàu lòng đồng cảm thì thế giới nội tâm phong phú hơn, cảm giác hạnh phúc cũng mạnh mẽ hơn.

Chiều cuối tuần, mẹ lái xe đưa Rimond đi siêu thị mua sắm. Lúc xuống xe, Rimond nhìn thấy một ông lão tóc bạc phơ đang ngồi trên ghế đá, quần áo rách tả tơi, găng tay cũng rách cả làm hở ra những khoảng da thâm tái vì lạnh. Lúc đó, tuyết đang rơi. Nhìn thấy ông lão, Rimond đưa tay mân mê túi áo.

Mẹ dắt Rimond vào siêu thị với ý định mua cho cu cậu một chiếc áo phao mới. Nhưng Rimond lại nói: “Chúng ta đi xem găng tay trước được không mẹ?”

“Không phải con đã có hai đôi rồi hay sao? Mẹ nghĩ con không nên mua nữa”.

“Không phải là mua cho con đâu ạ, mà con muốn mua cho ông lão vô gia cư đang ngồi ghế đá ngoài kia. Găng tay của ông ấy rách quá rồi!”.

Mẹ nhìn Rimond mỉm cười hiền hậu rồi đưa cậu đến chỗ bán găng tay.

“Mẹ xem đôi này thế nào?” – Rimond đưa tay chỉ vào một đôi găng tay nam.

“Cũng được” – Mẹ cầm lên xem.

“Vậy được, con sẽ mua đôi này. Giá cả cũng phải chăng, con vừa đủ tiền”.

Cậu bé chạy ra quầy thanh toán và nói với mẹ: “Mẹ đứng ở đây đợi con một lát ạ”. Nói xong cậu liền chạy ngay ra chỗ ông lão. Ông lão đón lấy đôi găng tay từ cậu bé, mắt rưng rưng.

***

Có thể nói, sự đồng cảm là tình cảm gắn liền với trẻ nhỏ ngay từ khi chúng mới chào đời. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng thường thấy hiện tượng: trong nhà trẻ, nếu có một bạn khóc thì các bạn nhỏ bên cạnh cũng khóc theo. Hiện tượng này gợi cho chúng ta nghĩ đến sự đồng cảm. Trẻ càng nhỏ thì tình cảm này càng rõ rệt. Càng lớn dần lên, trẻ dần dần có thể phân biệt rõ bản thân và người khác, bắt đầu biết đồng cảm với những người xung quanh, biết dùng hành động để an ủi, động viên. Lòng đồng cảm của các bé từ đơn giản – “bạn khóc mình cũng khóc” phát triển thành “sự đồng cảm lý trí”, từ “đồng cảm với người quen” phát triển thành “đồng cảm với người lạ, với đồng loại, với vạn vật”.

Trẻ nhỏ từ khi sinh ra vốn đã có sẵn sự đồng cảm. (Ảnh: kanal24.az)

Có nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ giàu lòng đồng cảm thì thế giới nội tâm của chúng cũng phong phú hơn, cảm giác hạnh phúc cũng mạnh mẽ hơn những trẻ thiếu sự đồng cảm. Và sự đồng cảm của các em nhỏ có thể được bồi đắp từ sự quan tâm, chú ý của cha mẹ.

Một nhà giáo dục người Mỹ cho rằng, sự quan tâm, chia sẻ và giàu lòng đồng cảm là hạt nhân hình thành nên tình cảm đạo đức tốt đẹp. Do đó người Mỹ rất quan tâm, chú trọng việc bồi dưỡng lòng đồng cảm cho con.

Người Mỹ rất giàu lòng đồng cảm, họ thích làm từ thiện, giúp đỡ người khác như giúp đỡ người già, trẻ mồ côi, bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường… Ở Mỹ, nếu bạn bị hỏng xe giữa đường thì những chiếc xe qua lại sẽ giúp đỡ bạn. Họ sẵn lòng giúp đỡ người khác mà không cầu được báo đáp.

Vậy cha mẹ nên bồi dưỡng lòng đồng cảm cho con như thế nào?

Đồng cảm với những cảm nhận của con

Cha mẹ không ép buộc con lập tức hiểu cảm nhận của người khác, mà hãy để con trải nghiệm niềm vui khi được người khác hiểu mình. Nếu thấy con không vui, cha mẹ hãy ngồi xuống nói chuyện cùng con để con chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận của mình. Sau đó, tìm cách phân tích và đồng cảm với cảm nhận của con.

Tình huống có thể rất đơn giản, ví như chiếc ghế mà con yêu thích đã được bạn khác ngồi, con cảm thấy không vui vì con muốn ngồi lên chiếc ghế đó. Trong tình huống này, cha mẹ sẽ hỏi con rằng: “Bạn ấy có cố ý không? Nhìn bạn ấy vui như vậy, có phải bạn ấy cũng thích chiếc ghế đó như con không?”. Dần dần để con hiểu, đồng cảm với hành vi của người khác, tiến tới ý thức được “ngồi chiếc ghế nào cũng giống nhau”. Như thế, cha mẹ vừa có thể đồng cảm với cảm nhận của con, lại có thể giúp con hiểu và lý giải được cảm nhận của người khác, lâu dần sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng đồng cảm với người khác.

Sự chia sẻ tâm tình, gần gũi của cha mẹ tự nhiên sẽ bồi đắp sự đồng cảm thấu hiểu cho con. (Ảnh: xuehua.us)

Khuyến khích con làm việc tốt mà không cầu báo đáp

Từ khi con còn rất nhỏ, cha mẹ người Mỹ đã chú trọng bồi dưỡng lòng đồng cảm cho các bé. Họ sẽ khuyến khích con nhận thú cưng từ các tổ chức chăm sóc động vật lang thang, mang về chăm sóc cẩn thận. Họ còn khuyến khích con giúp đỡ người khác, đồng thời nói với con: “Mục đích làm việc tốt là giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn chứ không phải chờ đợi ích lợi từ họ hoặc mong cầu họ báo đáp”. Chính nhờ phương thức giáo dục ‘không cầu báo đáp, trả ơn’ này, lòng đồng cảm của con trẻ mới được lâu dài, tự nhiên như một bản tính của con vậy.

Nền tảng của lòng đồng cảm chính là tình yêu thương. Nó là một tình cảm đẹp không thể thiếu trong quá trình giao tiếp của trẻ. Bởi có nó, nội tâm của trẻ thêm phong phú, cũng nhờ nó mà trẻ có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường xung quanh, giúp các con cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống.

Mỗi một đứa trẻ đều có tấm lòng đồng cảm, chỉ cần cha mẹ chỉ dẫn và bồi đắp thêm, thì các bé sẽ có một trái tim tràn đầy tình yêu thương.

Tâm Bình