Miệng là cửa tâm hồn. Mưu lược, trí tuệ đều thể hiện ra từ đó.

Có một câu chuyện vui như thế này:

Có một phú ông mời khách tới dự tiệc, nhận thấy thời gian đã muộn rồi mà vẫn còn một lượng lớn khách chưa tới, phú ông rất sốt ruột, miệng lẩm nhẩm: “Cái gì thế này? Tại sao người cần tới vẫn chưa tới chứ?”. Một số người khó tính nghe thấy liền nghĩ bụng: “Người cần tới chưa tới? Vậy chúng ta là người không nên tới rồi?”. Thế là mọi người lần lượt rời khỏi bữa tiệc.

Khi phú ông phát hiện thấy một số vị khách bỏ về, tỏ ra vô cùng lo lắng, liền lẩm bẩm to hơn: “Sao những người không nên về thì lại bỏ về chứ?” Những vị khách còn lại nghe thấy xong, trộm nghĩ: “Người không nên về thì về rồi? Vậy những người chưa về chẳng phải không nên ở lại sao?”. Thế là mọi người rủ nhau về hết.

Cuối cùng chỉ còn lại mấy người bạn thân thiết, nhìn thấy tình cảnh ấy mới khuyên phú ông rằng: “Trước khi nói phải suy nghĩ trước sau, một khi nói sai thì không sửa được nữa.”

Phú ông một mực kêu oan, vội vàng giải thích: “Tôi có bảo bọn họ về đâu?”

Bạn bè nghe xong vô cùng tức giận, nói: “Không bảo bọn họ về thì tức là bảo chúng tôi về chứ gì?”. Nói xong tất cả quay đầu đi thẳng.

Qua câu chuyện vui trên, chúng ta thấy rằng lời ăn tiếng nói cũng là một nghệ thuật, trước khi nói mà không suy nghĩ kỹ lưỡng, không nghĩ tới vị trí của người nghe thì vô tình sẽ làm tổn thương họ. Vậy mới thấy rằng, phẩm chất ưu tú thể hiện ra đầu tiên là ở lời ăn tiếng nói. Một người nói năng không biết suy xét và chuẩn mực thì rất khó có được mối quan hệ hòa hảo với những người xung quanh.

Cha mẹ không nên bỏ qua việc dạy con cách sử dụng ngôn ngữ lịch sự, lễ phép. Cách sử dụng lời ăn tiếng nói phải chuẩn mực từ cuộc sống hằng ngày. (Ảnh: 123rf.com)

Bởi vậy, trong quá trình giáo dục con, cha mẹ không nên bỏ qua việc dạy con cách sử dụng ngôn ngữ lịch sự, lễ phép. Cách sử dụng lời ăn tiếng nói phải chuẩn mực từ cuộc sống hằng ngày. Trẻ được rèn luyện nói năng từ nhỏ sẽ nói được những lời hay, khiến người khác yêu quý, mối quan hệ của trẻ với người khác sẽ tốt đẹp hơn. Khi thấy con cái mình được người khác khen ngợi vì ăn nói lễ phép, cha mẹ cũng sẽ rất vui mừng.

Cha mẹ cần lấy những ví dụ từ thực tế diễn ra trong cuộc sống thường ngày để giáo dục trẻ. Đồng thời chú trọng đến những phương diện sau:

Cha mẹ cần là tấm gương cho trẻ về cách nói năng chuẩn mực

Hành vi, cử chỉ của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con, muốn con nói năng lễ phép thì cha mẹ cần thường xuyên nói năng đúng mực, lễ phép với người khác. Như vậy con mới học theo được. Nếu như cha mẹ nói chuyện với người lớn tuổi hơn hay với cấp trên đều phải mang ngữ khí tôn kính. Đối với người ít tuổi hơn, cấp dưới hay với trẻ nhỏ cần nói chuyện bằng thái độ thân thiện, hòa ái. Như vậy, con cũng sẽ học được cách nói năng này của cha mẹ.

Dạy trẻ có tấm lòng yêu thương mọi người

Từ nhỏ cha mẹ nên dạy trẻ có tấm lòng yêu thương người khác, như vậy khi nói chuyện hay làm bất cứ việc gì trẻ cũng sẽ nghĩ tới cảm nhận của người khác, không làm tổn thương tới họ.

Jeff Bezos – Giám đốc điều hành tập đoàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay, khi còn nhỏ, vào mỗi kỳ nghỉ hè đều cùng ông bà nội lái xe đi dã ngoại. Năm Bezos 10 tuổi, cậu lại cùng ông bà nội ra ngoài du lịch. Trên đường đi, cậu bé nhìn thấy một tấm biển quảng cáo lớn có viết: “Mỗi điếu thuốc sẽ làm giảm 2 phút tuổi thọ”, khi đó bà nội của Bezos cũng hút thuốc, hơn nữa còn hút tận 30 năm rồi. Thế là cậu bé chứng tỏ sự thông minh của mình bằng cách bắt đầu tính toán số lần hút thuốc của bà. Kết quả là tuổi thọ của bà nội đã giảm đi 16 năm. Khi đó Bezos rất đắc ý thông báo kết quả này với bà thì bà rất buồn và khóc òa lên.

Ông nội chứng kiến mọi việc, liền ôm Bezos xuống xe, vỗ vào vai cậu bé và nói: “Cháu à! Rồi một ngày cháu sẽ hiểu làm một người có lòng nhân ái khó hơn nhiều so với làm một người thông minh.” Lời nói của ông nội tuy ngắn gọn, nhưng lại khiến Bezos suốt đời không thể quên được. Từ đó về sau, Bezos luôn ghi nhớ và làm theo lời chỉ dạy của ông nội.

Lời nói của ông nội tuy ngắn gọn, nhưng lại khiến Bezos suốt đời không thể quên được. Từ đó về sau, Bezos luôn ghi nhớ và làm theo lời chỉ dạy của ông nội. (Ảnh: thegioidoanhnhansaoviet.com)

Học cách khen ngợi người khác

Lời khen luôn là món quà quý giá dành tặng cho mọi người, chỉ cần đó không phải là lời nói khoa trương quá mức, không đúng sự thực là được. Một đứa trẻ nếu biết khen ngợi người khác, nhất định sẽ luôn khiến cho những người bên cạnh cảm thấy vui vẻ. Biết cách ngợi khen người khác cũng có thể giúp trẻ dễ dàng ứng xử với xã hội hơn.

Để giúp con có thể khen ngợi người khác một cách đúng đắn mà không bị lố bị quá đà, cha mẹ cần giúp con tìm và phát hiện thấy những ưu điểm của người khác. Đặc biệt khi tâm trạng của những người xung quanh con không vui, thì cách làm này có tác dụng rất lớn trong việc khôi phục lại tâm trạng thoải mái cho họ.

Xã hội càng hiện đại, con người vì bận rộn mà ít có thời gian chia sẻ tình cảm với nhau, việc thường xuyên cùng con tìm ra ưu điểm của những thành viên trong gia đình cũng như ngoài xã hội là một cơ hội tốt giúp mọi người hiểu nhau hơn.

Khi con còn nhỏ, thường không phân biệt được câu nào nên nói câu nào không nên nói, vì thế con thường hay bắt chước những hành vi cử chỉ của những người thân thiết nhất, gần gũi nhất đó chính là cha mẹ. Do vậy, cha mẹ hãy giúp con biết sử dụng những lời nói lịch sự, chuẩn mực để tạo thành thói quen. Đây chính là bước đệm quan trọng hình thành nên khí chất của con trên bước đường trưởng thành.

Hồng Ân