Là người làm cha làm mẹ thì ai cũng yêu thương con cái và mong con sẽ có một tương lai tốt đẹp. Nhưng sự bao bọc yêu thương quá mức lại gây hại cho con trẻ.

Sau đây chính là những lời khuyên nhờ đúc kết kinh nghiệm qua quá trình tiếp xúc và làm việc của một bác sỹ tâm lý học tại Đài Loan, dành cho các bậc phụ huynh về cách làm thế nào có thể nuôi dạy con tốt nhất. Đây là câu chuyện về những trải nghiệm của vị bác sỹ:

Em bé tóc vàng ở sân bay

Có một lần tại sân bay, tôi nhìn thấy một người mẹ tóc vàng dáng cao chạy vội vàng, phía sau là bốn đứa trẻ, có lẽ họ đang vội để bắt kịp chuyến bay. Trong bốn đứa trẻ, đứa lớn nhất tầm 11 tuổi, nhỏ nhất cũng chỉ hơn 3 tuổi, mỗi người đều kéo theo vali chạy nối tiếp nhau. Đứa trẻ nhỏ nhất kéo một chiếc vali, nó nhỏ như vậy, chiếc vali cũng cao hơn nó mấy cm. Bước chân của nó ngắn, nhưng rất chuyên tâm cũng rất gắng sức mà chạy.

Cảm giác đầu tiên lúc đó của tôi chính là: “Một đứa bé tóc vàng mang theo chiếc vali hành lý của mình cố gắng chạy theo sau đội ngũ. Mái tóc được cột thành đuôi ngựa, theo bước chạy của nó tạo thành một đường thẳng vàng vàng vô cùng đáng yêu. Đáng tiếc là không kịp chụp lại một bức ảnh”.

Khi nghĩ về một số gia đình khác tại Đài Loan, tôi mới thấy sự khác biệt. Cha mẹ luôn làm giúp con nhỏ tất cả mọi việc, thậm chí khi tiễn con trai đi du học ở Mỹ, tại quầy đăng ký ở sân bay, người mẹ đặc biệt không nỡ để con trai xách đồ nặng, tự mình mang hết hành lý nặng nhọc ký gửi đàng hoàng mới yên tâm. Còn trong các trung tâm thương mại hoặc siêu thị, những đứa trẻ tầm khoảng 3-4 tuổi được đặt trong xe nôi, sau đó cha mẹ sẽ đẩy chúng đi khắp nơi. Thậm chí có đứa trẻ còn lười biếng nằm trong lòng mẹ, dù thế nào cũng không chịu bước xuống tự đi bộ.

Như một sự tương phản mạnh mẽ về cách đối xử với trẻ em. Thái độ giáo dưỡng của Đông- Tây khác biệt nhau lớn như vậy, có phải là do chúng ta quá mức yêu thương trẻ nhỏ!?

Lời khuyên của bác sỹ tâm lý học: Làm cha mẹ có 2 việc nên để trẻ đối mặt
Có một sự tương phản mạnh mẽ về cách đối xử với trẻ em của người Phương Đông và Phương Tây. (Ảnh: setgel.mn)

Người cha gốc Anh có con đi du lịch vòng quanh thế giới

Một vài năm trước, tôi có dịp làm việc tại một nhà máy dược phẩm do Anh và Thụy Điển hợp tác. Và tôi đã có cơ hội được biết một lãnh đạo cấp cao người Anh có con đi du lịch vòng quanh thế giới khi chưa tốt nghiệp đại học. Và tôi còn biết thêm rằng theo phong tục địa phương ở châu Âu, buổi lễ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng là lễ trưởng thành của một người trẻ tuổi. Lúc này những bạn học sẽ tập hợp 3-5 người cùng nhau mang theo hành lý và một ít tiền, ngồi xe lửa đi vòng quanh du lịch các nước ở Châu Âu. Còn đối với tốt nghiệp đại học, nhiều người mong muốn có thể có một chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

Bình thường cậu con trai kia cũng không gọi điện về nhà, vì vậy vị lãnh đạo người Anh ấy căn bản không biết bây giờ con trai mình đang ở đâu trên thế giới này. Chỉ có một lần vì cậu ấy đánh rơi hộ chiếu ở Châu Phi, một lần khác sử dụng thẻ tín dụng ở Thái Lan, ông ấy nhận được điện thoại mới biết vị trí của con trai mình.

Còn tại Đài Loan, trẻ em có thể đi vòng quanh đảo, đến Châu Âu vừa du lịch vừa làm thêm đã là một chuyện rất to lớn rồi. Nếu như muốn đến các vùng lạc hậu hoang vắng làm phục vụ y tế, e rằng sẽ gây ra mâu thuẫn trong gia đình!

Hiện nay trẻ em thường thiếu đi bài học tự lập, cũng thiếu tinh thần đối mặt và vượt qua khó khăn. Những đứa trẻ như vậy được nuôi dưỡng từ nhỏ theo cách không chú trọng vào thể dục, thời gian lên lớp quá dài, mất rất nhiều thời gian chuẩn bị kiểm tra. Điều này khiến cho trẻ có thể học được kỹ năng kiểm tra đạt điểm tối đa, nhưng lại thiếu đi cơ hội sáng tạo và mạo hiểm. Trong văn hóa cũng nhấn mạnh quá mức về trình độ học vấn và bằng cấp, mà xem nhẹ việc một người có thể dưỡng thành nhiều tính cách đa dạng.

Lời khuyên của bác sỹ tâm lý học: Làm cha mẹ có 2 việc nên để trẻ đối mặt
văn hóa Phương Đông nhấn mạnh quá mức về trình độ học vấn và bằng cấp, mà xem nhẹ việc một người có thể dưỡng thành nhiều tính cách đa dạng. (Ảnh: pinterest.com)

Bữa tiệc và câu nói của con trẻ khiến vị bác sỹ kinh ngạc

Vào thời điểm mười mấy, hai mươi năm trước, nhà máy dược thường tổ chức các hoạt động mà có thể mang theo gia đình đến các khách sạn 5 sao của khu nghỉ dưỡng cao cấp. Buổi chiều ngày đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành mở cuộc họp, nghe diễn thuyết, còn vợ bác sĩ và con cái có thể ở lại khách sạn ăn uống vui chơi. Ngày thứ hai là ngày của gia đình, mọi người cùng đi ra ngoài dạo chơi. Lúc đó con trai tôi chỉ mới học mẫu giáo, tham gia hoạt động này cũng được vài lần.

Có một lần tôi dẫn theo con trai đến một nhà hàng ở Nghi Lan ăn cơm, ở đây được trang hoàng và phối màu sắc rất đẹp. Con trai đột nhiên nói: “Cha ơi, nhà hàng này nhỏ quá. Không hào hoa, đồ ăn cũng bình thường”. Lúc đó trong lòng tôi kinh ngạc không thôi, đây vốn không phải là nhà hàng mà người dân bình thường có thể đến ăn rồi, thế nhưng lại bị nó chê bai.

Lúc đầu mang theo người nhà đến các buổi họp của nhà máy là vì muốn vừa nghe diễn thuyết vừa có thể ở bên cạnh gia đình. Hơn nữa tất cả chi phí và đi lại đều được nhà máy chi trả, sao có thể không vui vẻ mà đi cho được? Tuy nhiên con trai tôi lại vô thức quen với kỳ nghỉ như vậy, được ăn ngon, ngủ nơi sang trọng, sau này làm sao có thể chịu khổ đây? Cũng giống như cả ngày đều được ăn gà rán ở McDonald’s, thì phần gà rán này cũng không thể xem như một phần thưởng cho hành vi tốt được. Không ngừng cung cấp vật chất cho con trẻ chỉ có thể khiến việc nuôi dạy chúng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Rất nhiều “phú nhị đại” (thường là con cái của các nhà giàu có) đều như vậy, từ nhỏ đã quen với việc ăn ở nhà hàng lớn. Khi lớn lên chỉ biết so sánh xe của ai đắt hơn, rượu vang của ai tốt hơn, đã đi qua Dubai chưa? Nếu như trong học tập và công việc không thuận lợi, không tìm thấy mục tiêu của cuộc đời, đa số đều sẽ dùng tiền của cha mẹ ăn uống vui chơi, cả ngày đều lêu lỏng bên ngoài, không gây ra rắc rối đã là tốt lắm rồi.  

Cha mẹ có tiền, muốn ăn tốt, dùng tốt cũng không sao, nhưng trẻ em thật sự không nên sống trong môi trường vật chất quá mức đầy đủ. Khi lớn lên chúng sẽ không có ý chí phấn đấu, chỉ biết xài tiền. Đặc biệt là những gia đình bình thường, cha mẹ nhịn ăn nhịn mặc để cho con những gì tốt đẹp nhất. Những trường hợp này kết cục thường hay rất không tốt, bởi vì đứa trẻ lớn lên bị biến chất, cuộc sống ngược lại ngày càng kém đi. Chúng luôn trách trời hận đời, cuộc sống lúc nào cũng buồn rầu hơn người khác rất nhiều.

Bữa tiệc và câu nói của con trẻ khiến vị bác sỹ kinh ngạc
Cha mẹ có tiền, muốn ăn tốt, dùng tốt cũng không sao, nhưng trẻ em thật sự không nên sống trong môi trường vật chất quá mức đầy đủ. (Ảnh: pinterest.com)

Câu chuyện về xin việc làm tại Mỹ, kinh nghiệm làm việc quan trọng hơn là bằng cấp

Con trai tôi xin vào ngành y ở Mỹ, thành tích của cậu khá tốt, nhưng lại thiếu kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân trong phòng bệnh. Vì vậy trước tiên phải nộp đơn xin vào bệnh viện với vai trò nhân viên chăm sóc. Một ngày cậu phải làm việc 12 tiếng đồng hồ, hai ngày làm một ngày nghỉ, nhận được tiền lương căn bản nhất, mấy tháng sau mới có thể phù hợp tiêu chuẩn xin vào nghành y.

Lúc đầu tôi cảm thấy cần gì phải như vậy? Sau khi nghĩ lại thì thấy cũng có lý, công việc của một bác sỹ là chăm sóc cho người bệnh, hơn nữa cũng không phải cái loại chăm sóc “cao cao tại thượng”. Chúng ta cần phải chân chính hiểu được nỗi khổ của người bệnh, thậm chí phải quen thuộc với sự phân công công việc trong bệnh viện, chuyên nghiệp và thấu hiểu được nỗi khổ của người bệnh. Đơn giản mà nói chính là người có kinh nghiệm, chịu được khổ cực, từng trải qua khó khăn cũng giống như một con “gà chạy bộ”, còn những người chỉ biết kiểm tra trên lý thuyết, bị nhốt trong trường học, bị gia đình nuông chiều chỉ có thể là một con “gà lấy thịt”.

Chính từ những câu chuyện như vậy khiến tôi đã rút ra được bài học nuôi dạy con trẻ cần:

  1. Đủ tốt là được, Good enough, để trẻ nếm mùi cực khổ.
  2. Trắc trở vừa phải, Optimal frustration, học tập từ thất bại.

Đặc biệt là nên cho trẻ mạo hiểm, bởi đây là phần khó khăn nhất để vượt qua.  Đặc biệt là những người mẹ hay lo âu, lo lắng, chỉ cần nghĩ đến để cho con trẻ đi mạo hiểm sẽ mất ngủ, đau đầu, tim đập nhanh.

Lời khuyên của bác sỹ tâm lý học: Làm cha mẹ có 2 việc nên để trẻ đối mặt
Hãy để cho trẻ đối mặt với khó khăn, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn. (Ảnh: flickr.com)

Thế nào gọi là “đủ tốt là được”

Nói một cách đơn giản chính là đồng ý để con trẻ chịu khổ, đối mặt với sai lầm và mạo hiểm. Tạo ra một môi trường với đầy đủ thử thách để con trẻ trải qua và hiểu được nỗi khổ của cha mẹ.

Mạnh Tử từng giảng rằng: “Khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân” (Ý rằng: Ông trời một khi đã ban trọng trách cho người nào, thì sẽ rèn luyện ý chí của người đó, khiến cho gân cốt của người đó chịu mệt mỏi, làm cho thân thể của người đó chịu đựng đói khát, cũng để cho người đó biết được nỗi khổ của sự nghèo khó, làm việc gì cũng không được thuận lợi).

Có cơ hội nên để trẻ chịu khổ, ngàn vạn lần không được thương tiếc. Ví dụ khi trẻ còn nhỏ cha mẹ luôn bế trong lòng, không để cho chúng chạm đất, không nỡ để chúng đi làm những việc nặng nhọc. Sợ bữa ăn trưa trong trường không đủ dinh dưỡng, cha mẹ thường tự mình mang cơm đến. Sợ con trẻ ngồi xe buýt chen lấn xô đẩy, cha mẹ quyết định đưa rước con đi học. Những chuyện này ngàn vạn lần không nên, cũng không cần thiết phải làm như vậy.

Để cho con trẻ gặp phải những trắc trở vừa phải, quen với việc thất bại, rồi từ sai lầm và thất bại mà học được kinh nghiệm

Chúng ta thường hay muốn trẻ thi cử được điểm tối đa mà bắt chúng phải ôn tập ráo riết, sau đó không đạt được như ý muốn lại bắt đầu lo lắng. Cuộc sống làm sao có thể như ý muốn của chúng ta được? Nhân gian có câu “cuộc đời mười việc thì có đến tám, chín việc không được như ý”. Con trẻ phải học được cách chống đỡ và giải quyết trắc trở, rút kinh nghiệm và không mắc phải sai lầm nghiêm trọng là được rồi.

Giống như việc gặp trắc trở vì bị điểm kém trong một số môn học vậy. Tuy nhiên trong cái trắc trở của môn học này chúng ta có thể học được nhiều thứ, cực hạn của bản thân, tiếp nhận kết quả không hoàn mỹ, lần sau gặp phải khó khăn sẽ biết nên nắm chặt trọng điểm như thế nào, ghi chép thế nào để tốt hơn.

Để cho con trẻ gặp phải những trắc trở vừa phải, quen với việc thất bại, rồi từ sai lầm và thất bại mà học được kinh nghiệm
Để cho con trẻ gặp phải những trắc trở vừa phải, quen với việc thất bại, rồi từ sai lầm và thất bại mà học được kinh nghiệm. (Ảnh: likers.ml)

Cho con trẻ tham gia hoạt động thể thao cũng như vậy, cũng giống như rèn luyện thân thể, nhất định chúng sẽ rất mệt. Khi chúng làm được một nửa bắt đầu cảm thấy cực khổ, hoài nghi bản thân, nhưng hầu như tới cuối cùng đều có thể hoàn thành. Trắc trở sẽ tăng cường lực nhẫn nại, dần dần đạt được mục tiêu, tăng thêm tự tin. Tuy nhiên, nếu như rèn luyện quá nghiêm khắc đến mức mọi người đều thất bại, vậy chính là một trắc trở quá độ, điều này chỉ tạo nên tổn hại trong quá trình học tập.

“Trắc trở vừa phải” chính là “70% cơ hội thành công, 30% có thể là nguy cơ thất bại”. Như vậy có thể kích thích học tập, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề, khiến cho con trẻ càng kiên cường, dũng cảm, thông minh và khiêm tốn.

Vì vậy, cách thương yêu con trẻ đúng đắn nhất của các bậc cha mẹ thông thái là hãy đừng quá bao bọc con. Cho con chịu khổ một chút, có thể đối mặt với thất bại và thử thách cũng là cách giúp trẻ sớm thông minh, rèn luyện tính tự lập và trưởng thành.

Theo www.epochtimes.com
Nhã Thanh biên tập