Dư Quang Trung không chỉ cho ra đời những áng văn thơ bất hủ với nỗi lòng nhớ quê hương da diết, mà còn để lại triết lý dạy con nên người gây hiệu ứng mạnh mẽ trên thế giới.  

Tác giả của bài thơ “Hương sầu” là một trong những nhà văn kinh điển của thế giới văn học đương đại, có ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn học hiện đại của Đài Loan cũng như Trung Quốc và Hồng Kông. Những tác phẩm của ông đều truyền đi một thông điệp nhân văn sâu sắc.

Nỗi nhớ cố hương 

Trong một lần được nhà xuất bản Văn nghệ Bách Hoa mời đến Bắc Kinh để tham dự buổi họp báo Dư Quang Trung tập, Dư Quang Trung đã thổ lộ về vùng đất mà ông bén duyên và nỗi nhớ quê hương da diết: “Thời kỳ tôi sáng tác nhiều tác phẩm nhất chính là ở Đài Loan, cho nên tôi là nhà thơ Đài Loan. Tuy nhiên, thơ văn thể hiện văn hóa truyền thống, thơ do tôi sáng tác giống như ngọn cờ lộng gió, dù ngọn cờ này phất cao từ Đài Loan, nhưng để giữ nó vươn cao mãi là phải nhờ ngọn gió Trung Hoa năm ngàn năm. Nếu gió không đủ mạnh, thì làm sao ngọn cờ có thể tung bay được. Vì vậy trước tiên tôi là nhà thơ của nền văn hóa lịch sử lâu đời Trung Hoa vĩ đại”.

Nói về những nhà thơ gạo cội sáng tác về đề tài “Hương sầu” của Trung Quốc thì nhà văn Đài Loan Dư Quang Trung được nhắc đến nhiều nhất. Hơn nửa thế kỷ dành cho sáng tác văn học, ông nổi tiếng cả trong và ngoài nước, và “Hương sầu” đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng người Hoa trên toàn cầu.

Suốt cả đời mình, nhà thơ Dư Quang Trung bôn ba nhiều nơi và thường xuyên thay đổi chỗ ở. Ông sinh ra ở Phúc Kiến, Vĩnh Xuân. Năm 1949, gia đình ông chuyển đến Hồng Kông, và một năm sau đó thì di cư tới Đài Loan. Ngày 14 tháng 12 năm 2017, ở tuổi 90, nhà thơ Dư Quang Trung ra đi, để lại cho hậu thế những vần thơ ẩn chứa nỗi niềm quyến luyến của một du tử xa quê, giống như câu thơ: “Khi người con xa quê hương xứ sở an nghỉ, thì Thiên Đường chính là cố hương”.

Người ta nói rằng, mỗi khi ai đó hồi tưởng đến cố quốc đều đọc “Hương sầu” của tác giả Dư Quang Trung. Cho dù đã có hàng trăm ngàn bài thơ với chủ đề thể hiện “Hương sầu” trong lịch sử thơ ca Trung Hoa, nhưng có lẽ ông là nhà thơ lấy chủ đề hương sầu xuyên suốt trong hơn nửa thế kỷ sáng tác của mình. Vì vậy nỗi sầu nhớ cố hương của ông trong bài “Hương sầu” đã làm rung động lòng người nhất.

Bài thơ “Hương sầu”

Thời ấu thơ,
Hương sầu là con tem nho nhỏ,
Con ở bên này,
Mẹ ở bên kia.

Khi lớn khôn,
Hương sầu là tấm vé tàu mỏng manh,
Anh ở bên này,
Em ở bên kia.

Về sau nữa,
Hương sầu là nấm mồ thấp bé,
Con ở bên ngoài,
Mẹ ở bên trong.

Mà hiện tại,
Hương Sầu là eo biển nhỏ hẹp
Tôi ở bên này,
Đại Lục ở bên kia.

Mong ước con thành người có lý tưởng, phẩm chất chính trực

Có một bài văn rất hay của Dư Quang Trung mà mỗi lần đọc tôi đều cảm thán về những mong đợi của thi sĩ dành viết cho con, vừa lãng mạn vừa thực tế. Ai đọc những giá trị làm người này đều muốn nguyện ý sống tốt, sống đẹp hơn lên. Suốt một kiếp nhân sinh, điều khiến con người ta trăn trở nhất vẫn là “học cách làm người”…

Con à, cha mong rằng con sẽ mãi là một người có lý tưởng, con có thể là nông dân, kỹ sư xây dựng, hay thậm chí là kẻ lang bạt, nhưng con bắt buộc phải là một người có lý tưởng.

Thời thơ ấu, cha mẹ thường kể cho con nghe về những vị anh hùng, điều đó không có nghĩa là cha mẹ muốn con trở thành anh hùng, mà chỉ hy vọng sau này lớn lên con sẽ trở thành một người có phẩm chất chính trực, tốt đẹp.

Khi con dần lớn lên, cha mẹ cho con tiếp xúc với thơ ca, hội họa, âm nhạc vì mong rằng tâm hồn con trở nên hướng thiện, sẽ theo con suốt cả cuộc đời. Ngay cả khi đối mặt với sự lạnh giá khắc nghiệt nhất, con cũng sẽ không quên hương thơm của hoa hồng. Nền tảng đó giúp con người trở nên xuất chúng con à.

Con à, đừng vì ngoại hình của mình mà buồn rầu, bởi lý tưởng thuần khiết mới là khí chất của con. Vẻ đẹp dung tục bề ngoài chỉ khiến người ta sinh ra thói xấu. Cuộc đời và lý tưởng thường không được như ý muốn của con người. Có thể con sẽ phải trải qua những gian khổ, trầm luân nhưng con à, con cứ tận sức cống hiến, bởi cái kết của một người có lý tưởng có thể bi thảm nhưng tuyệt đối sẽ không đáng thương.

Trong cuộc đời nhiều trắc trở này, con sẽ gặp nhiều người trí thức và quân tử, sẽ chiêm nghiệm thấy nhiều điều kỳ diệu mà người khác không thể cảm nhận, những lựa chọn bình thường sẽ không đem lại màu sắc gì cho cuộc đời con.

Đừng vì những lợi ích nhỏ nhặt mà đánh mất lý tưởng con nhé, cũng không vì trào lưu nào đó mà thay đổi niềm tin. Thế giới vật chất bên ngoài quá phức tạp, con phải học cách từ chối những cám dỗ của hư vinh. Lý tưởng không phải là món đồ có giá trị tiền bạc và thường không thể mang lại cho con niềm vui trần thế. Vậy con đừng bị ảnh hưởng bởi thói đời hư danh và học cách khác biệt với người khác.

Trong thế gian ô hợp này, hãy giữ lấy cho mình một miền thanh tịnh của lý tưởng và niềm tin, không bị cuốn đi bởi hư vinh trần thế (ảnh: Shutterstock).

Cha cũng mong con là một người có thể bước đi trong thực tại, bởi vì cuộc đời quá ngắn ngủi mà những thứ hư ảo lại quá nhiều, sẽ khiến con lóa mắt, không tỉnh táo, để cuối cùng không thể có gì.

Nếu con là một cô gái xinh đẹp, khi con còn trẻ sẽ có nhiều chàng trai yêu chiều, nhưng những thứ con có được quá ư dễ dàng sẽ khiến con trở nên nông cạn, kém cỏi và lưu luyến sự phù du. Nếu con là một chàng trai thông minh, con sẽ nghĩ rằng con có thể làm nên việc lớn mà tự xem nhẹ, coi thường mọi thứ.

Con hãy nhớ kỹ, năng lực của con người có hạn, sống trên đời hãy tận tâm mang lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Là văn sĩ hay người nội trợ, đừng coi thường những người bình thường, cũng đừng đầu cơ trục lợi, không công kích những việc bản thân không làm được. Khi trưởng thành con sẽ biết, làm tốt một việc thật sự quá khó, nhưng không bao giờ được bỏ cuộc.

Con phải biết trân trọng cảm xúc, dù là nam hay nữ, một khi kết giao thì không nên thay đổi.

Trong quá trình kết giao bạn bè sẽ có nhiều va chạm, hiểu lầm, con hãy nghĩ lại, trong thế giới rộng lớn này, chỉ kết bạn với những người hữu duyên có thể có mấy người? Con cần phải biết bạn bè cũng có lúc rời xa, trong cuộc đời này có người ở bên con nghe con nói chuyện, hoặc nói cho con nghe, là một điều tốt đẹp, con nên cảm kích những người ở bên con như vậy.

Con biết trân trọng bản thân và yêu thương mọi người, thấu hiểu bản thân và những người xung quanh. Tấm chân tình của con phải như con suối nhẹ nhàng và ôn hòa, sóng mắt của con phải trong trẻo, tươi sáng như mùa xuân. Con phải học cách rơi nước mắt, học cách đối diện với bi kịch, bởi bi kịch sẽ làm tâm hồn con thêm phong phú.

Mong rằng con không phải là một kẻ tầm thường chỉ biết lấy lòng và xu nịnh người khác. Là một người độc lập, không ai có thể làm tổn hại đến con, trừ phi con thỏa hiệp thế tục.

Có người có bề ngoài hoàn hảo, nhưng muốn tìm ra người có tài năng xuất chúng vượt bậc thật sự rất ít, mà những tài năng xuất chúng này thường ẩn giấu trong vẻ tầm thường. Chúng ta không có cách nào tranh đấu với những gì mà thế tục đã định sẵn, nhưng trong nội tâm, mỗi người đều làm chủ chính mình.

Nếu một ngày con bỗng có nụ cười xu nịnh thì chắc chắn cha phải che mặt vì xấu hổ. Trong cuộc đời, dù có rất nhiều thứ hào nhoáng nhưng bản thân chúng không hề có giá trị.

Làm người, cha mong rằng con sẽ không ngắt lời của người khác, cũng không nhu nhược yếu đuối, và phải bền chí chịu được gian khổ. Mỗi ngày ít nhất con phải dành ra hai tiếng đồng hồ để đọc sách, viết thư hoặc hồi âm cho bạn bè.

Con không nên lúc nào cũng nghĩ người khác nên giúp con làm gì, mà hãy nghĩ rằng con giúp được người khác những gì. Không nên tùy ý nhận ân huệ của người khác. Con phải ghi nhớ, người khác cho con thứ gì, dù tốt thế nào thì vẫn là của người ta, những thứ thuộc về con cho dù có kém cỏi cũng là của con.

Con à, vẫn còn một chuyện mặc dù rất khó làm, nhưng lại rất quan trọng, đó chính là con phải có dũng khí đối diện với khuyết điểm của mình.

Khi con khôn lớn theo thời gian, con sẽ gặp được rất nhiều người mạnh hơn mình, ưu tú hơn mình, con sẽ phát hiện ra bản thân có rất nhiều khuyết điểm, điều này sẽ khiến con thất vọng và tự ti, nhưng con nhất định phải đối diện với nó, không được trốn tránh. Có như vậy con mới có thể dần thay đổi, khắc phục khuyết điểm của mình, chiến thắng chính mình còn có ý nghĩa hơn nhiều so với việc ganh đua cùng người khác. 

Không cần biết trào lưu trên thế giới này thay đổi như thế nào, nhưng phẩm chất tuyệt vời của một con người mới là vĩnh hằng như: Chính trực, dũng cảm, độc lập.

Cha mong rằng con sẽ trở thành một người ưu tú!”. 

Video: Hành trình 20 năm dũng khí niềm tin (P.2): Hồi kết có hậu đang tới…

videoinfo__video3.dkn.tv||4ba8b3904__