Học sinh trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, Tp. Cần Thơ) chế tạo chiếc xe lăn có thể ngả thành giường, thích hợp cho người già, người khuyết tật. Sản phẩm này đoạt giải đặc biệt tại “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2019”.

Sản phẩm trên do 2 em Nguyễn Quốc Thông (lớp 11A2) và Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc (lớp 10A2) sáng tạo nên.

Ngay từ khi còn học cấp 2, Thông đã có niềm đam mê với khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là lập trình máy tính.

Quốc Thông kể trên báo Việt Nam Net: “Trong một lần “lang thang” trên mạng internet, em vô tình bắt gặp một trang web là nơi thảo luận kiến thức về toán học, máy tính, lập trình. Em đã tìm hiểu về lập trình máy tính và yêu thích ngay từ đó”.

Khi đang học lớp 9, Thông đăng ký tham dự cuộc thi lập trình Pascal và đạt giải Ba cấp huyện, giải Công nhận cấp thành phố.

Những giải thưởng nhỏ đầu tiên giúp Thông củng cố niềm tin và tình yêu đối với lập trình. Thông quyết tâm thi đậu vào Trường THPT Phan Văn Trị, vì biết trường có câu lạc bộ về khoa học – kỹ thuật. Ở đấy, em có thể theo đuổi đam mê lập trình.

Quốc Thông chia sẻ: “Ngay từ đầu, đề tài mà các em hướng tới luôn nhằm mục đích hỗ trợ cho người khuyết tật và người cao tuổi. Nó vừa mang tính nhân văn, vừa giúp chúng em bồi đắp đam mê nghiên cứu công nghệ cao”.

Nguyễn Quốc Thông (ngồi giữa) và Nguyễn Hoàng Hồng Ngọc (ngồi bên phải Thông) cùng bạn học đang nghiên cứu sáng chế chiếc xe lăn tiện ích, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Nguyễn Phúc Thịnh (ảnh: Kim Hà/Vietnamnet).

Ngọc chia sẻ với báo Tiền Phong: “Sản phẩm của chúng em có thể sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng như người già yếu, người khuyết tật gặp khó khăn trong việc vận động, hoặc nhóm đối tượng không biết đọc chữ, khuyết tật bàn tay… có thể dùng với cách điều khiển bằng cử động, giọng nói. Sắp tới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để sản phẩm của mình có thể ứng dụng cao trong đời sống”.

Để sáng chế được thành công, Thông và Ngọc đã lên ý tưởng lập trình phần mềm trên Smartphone với ứng dụng RemoteWheelChairs có thể điều khiển tốc độ di chuyển của xe, điều chỉnh chế độ nằm, ngồi theo ý muốn. Đối với những người bị khuyết tật ở tay hay người già không thể sử dụng điện thoại thông minh thì các em còn sáng tạo thêm thiết bị giống như một chiếc đồng hồ đeo tay, điều khiển bằng cử chỉ giơ tay để xe hoạt động theo ý muốn.

Hồng Ngọc thử nghiệm xe lăn với thiết bị điều khiển bằng cử chỉ đeo trên tay (ảnh: Kim Hà/Tiền Phong).

Tương tự, người dùng còn có thể “ra lệnh” cho xe lăn ở các chế độ tiến, lùi, nằm… theo ý của mình với phần mềm điều khiển bằng giọng nói gắn trên chiếc mũ bảo hiểm có micro và được kết nối Bluetooth giữa thiết bị điều khiển từ xa với thiết bị xử lý trong xe.

Về phần cứng, được thiết kế là một chiếc xe lăn khung sắt phủ nệm, bên trong có gắn thiết bị xử lý trung tâm để nhận tín hiệu điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe còn được trang bị đèn báo, đèn LED hỗ trợ di chuyển trong bóng tối, còi báo động,…

Đồng sáng chế, em Nguyễn Quốc Thông cho biết, để chế tạo thành công sản phẩm, nhóm cũng gặp phải không ít khó khăn, từ việc thiết kế phần cứng cho đến phần mềm. Thông nói: “Đối với em khó là ở việc thiết kế làm phần cứng là khung xe. Còn về phần mềm, đối với một học sinh cấp III, đã được học lập trình, việc viết phần mềm trên mạng cũng hướng dẫn khá nhiều, nên em tự mày mò và tự học được” .

Thiết bị điều khiển bằng giọng nói được lắp đặt trên mũ bảo hiểm (ảnh: Kim Hà/Tiền Phong).

Với các chức năng tiến, lùi, qua phải, qua trái, nằm, ngồi…, người dùng đặc biệt là những già đi lại khó khăn hoặc bệnh nhân không có người chăm sóc hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng. Bởi xe có độ chống sốc cao, đạt 10km/h và có thể di chuyển trên quãng đường hơn 1km. Hiện sản phẩm đã được ứng dụng thử nghiệm tại bệnh viện Đa Khoa huyện Phong Điền (Cần Thơ) và nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Ông Lý Văn Trọng (76 tuổi, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) nhận xét: “Tôi bị đau khớp gối, gout chân đi lại khó khăn. Khi dùng thử tôi thấy chiếc xe lăn này di chuyển tới lui rất tiện lợi, đối với người khuyết tật, già yếu.

Tôi thấy xe này dễ sử dụng, an toàn, chỉ bấm nút trên điện thoại, hoặc lắc tay tới lui chứ không cần dùng sức lắc như các xe khác. Xe còn nghiêng qua lại, nằm ngồi được thoải mái, có thể bấm ngã ra nằm nghỉ trên quãng đường di chuyển xa. Những người già yếu, bệnh như chúng tôi thấy rất thích thú chiếc xe này”.

Ông Trọng cho biết, ông rất thích thú với chiếc xe lăn này (ảnh: Kim Hà/Tiền Phong).

Thầy giáo Nguyễn Phúc Thịnh, người trực tiếp hướng dẫn nhóm của Thông cho biết: “Mỗi ý tưởng đều do các em tự nghĩ ra và đề xuất, trình bày. Chúng tôi chỉ định hướng cho các em hiểu rằng, học tập, sáng tạo là để chung sống với cộng đồng. Vì vậy, mọi ý tưởng của các em đều phải quan sát từ thực tế và có tính thiết thực”.

Sau khi trải qua nhiều lần cải tiến, trải nghiệm thực tế, chiếc xe đã được đưa đi tham dự “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng Tp. Cần Thơ 2019” và giành giải Nhất. Tiếp đó, cũng chiếc xe lăn này, nhóm nhận được giải đặc biệt tại “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc 2019”. Đây là giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Thầy Thịnh cho biết, từ chiếc xe lăn đầu tiên chế tạo hết kinh phí hơn 16 triệu đồng, 2 học sinh đã nghiên cứu, sáng tạo, đưa công nghệ vào sản phẩm, giảm kinh phí xuống còn hơn 8 triệu.

Hiện tại, nhóm của Quốc Thông chưa có ý định sản xuất xe lăn tiện ích để kinh doanh. Cả thầy và trò chỉ mong sao có mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí, để làm ra nhiều sản phẩm, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Video xem thêm: Cậu bé nghèo tự chế tạo máy giặt siêu rẻ mà hiệu quả

videoinfo__video3.dkn.tv||cea0b724a__