Người xưa có câu: “Bồi dưỡng, giáo dục con người cũng giống như trồng hoa, trước tiên phải nhận biết được đặc điểm của hoa, trong hoàn cảnh khác nhau thì bón phân, tưới nước và chăm sóc cũng khác nhau, đây gọi là giáo dục theo đối tượng”.

Hiểu trẻ là tiền đề giúp giáo dục trẻ tốt nhất

Gallup là công ty chuyên điều tra khảo sát nổi tiếng trên thế giới. Công ty này thông qua việc khảo sát hàng nghìn, hàng vạn các điển hình thành công trên thế giới đã phát hiện, những người thành công có một đặc điểm giống nhau, đó là họ đều hiểu được bản thân mình.

Qua kết quả nghiên cứu khoa học về não trong những năm gần đây, Gallup phát hiện ở một người từ 3 đến 15 tuổi, những đặc trưng cơ bản của não đã hình thành, tức là những ưu thế, nhược điểm về trí lực cơ bản đã định hình, rất khó sửa đổi. Trong tương lai bạn sẽ thuộc tuýp người thích giao tiếp, bi quan, lạc quan hoặc là người thích chỉ huy, ôn hòa…, tất cả sẽ do những đặc trưng cơ bản đã hình thành ở khoảng thời gian này quyết định. Nếu người thuộc loại hình này phải làm công việc của một loại hình khác thì sẽ không thể thành công, vì họ không thể phát huy được ưu thế của mình. Họ đã rút ra được kết luận là: một người hiểu được ưu thế của mình, mới có thể biết mình thành công ở đâu.

Hiểu trẻ là tiền đề giúp giáo dục trẻ tốt nhất. Cách đây hàng nghìn năm, Khổng Tử đã từng đưa ra lý luận rằng: giáo dục phải phù hợp với từng cá nhân. Ông đã căn cứ vào tính cách của từng học trò để đưa ra những biện pháp giáo dục khác nhau. Ví dụ, Khổng Tử cho rằng Nhiễm Canh có tính cách khiêm tốn, làm việc do dự không dứt khoát, cho nên khích lệ anh ta đưa ra quyết định. Nhưng đối với học trò là Tử Lộ, do Tử Lộ tính tình nóng vội hiếu thắng, làm việc không chu đáo, nên Khổng Tử thường khuyên anh ta khi gặp việc gì cũng nên tham khảo ý kiến của mọi người, suy nghĩ kỹ rồi hãy làm.

Hiểu trẻ là tiền đề giúp giáo dục trẻ tốt nhất
Một người từ 3 đến 15 tuổi, những đặc trưng cơ bản của não đã hình thành, tức là những ưu thế, nhược điểm về trí lực cơ bản đã định hình, rất khó sửa đổi. (Ảnh: theodysseyonline.com)

Cha mẹ ưu tú là người biết cách phát huy ưu điểm của con

Đã từng có một bài trắc nghiệm dành cho cha mẹ, và kết quả đánh giá như sau: “Nếu có thể nói ra mười ưu điểm của con cái, bạn chính là bậc cha mẹ ưu tú, có thể nói ra được năm ưu điểm, thì bạn có tư cách làm cha mẹ, còn nếu ngay cả một ưu điểm cũng không nói ra được, như vậy là bạn không xứng là cha mẹ”.

Cha mẹ nào cũng mong con khôn lớn thành tài, nhưng có rất ít bậc cha mẹ thực sự muốn tìm hiểu ưu điểm và sở trường của trẻ, càng không muốn tìm hiểu cách giáo dục theo thiên tính của trẻ.

Cha mẹ ưu tú là người hàng ngày phải biết phân tích, quan sát và nghĩ cách tốt nhất để phát huy ưu điểm của trẻ, sau đó mới hướng dẫn và bồi dưỡng. Đặc biệt là khi thành tích của trẻ không được lý tưởng, thì cha mẹ phải bình tĩnh phân tích nguyên nhân và cảm hứng sở thích của trẻ, từ đó tìm ra được phương pháp giáo dục phù hợp để phát triển ưu thế của trẻ.

Otto Wallach là nhà hóa học nổi tiếng người Đức, từng được trao giải Nobel Hóa học năm 1910, quá tình thành tài của ông vô cùng đặc biệt.

Khi Otto Wallach bắt đầu học trung học, cha mẹ đã chọn cho ông con đường văn chương. Không ngờ sau một kì học, thầy giáo đã viết lời nhận xét về ông như thế này: “Wallach rất nỗ lực, nhưng quá cứng nhắc. Người như vậy ngay cả khi có phẩm đức hoàn mỹ thì cũng khó có thể thành công trên con đường văn chương”.

Sau đó, cha mẹ đành phải thuận theo ý của Wallach, để ông chuyển sang học hội họa. Nhưng Wallach vừa không có tính sáng tạo, vừa không biết phối màu, không lâu sau đó, ông lại là người có thành tích thấp nhất lớp, thầy giáo nhận xét: “Con không thể là một tài năng trong giới nghệ thuật hội họa được”.

Tất cả các thầy giáo đều cho rằng, Wallach “vụng về” sẽ không bao giờ thành tài được, chỉ có thầy giáo dạy hóa học lại cho rằng ông kiên trì, tỉ mỉ, rất hợp với các thí nghiệm nên đã đề nghị ông chuyển sang môn Hóa học. Sau này, Hóa học đã khai phá được tiềm năng của Wallach, thắp sáng lên ngọn nến trí tuệ trong ông, kết quả là “học sinh kém” về Văn học và Hội họa, trong chốc lát đã trở thành người xuất sắc nhất trên lĩnh vực Hóa học, được mọi người công nhận.

Cha mẹ ưu tú là người biết cách phát huy ưu điểm của con
Otto Wallach là một nhà hóa học người Đức. Ông được trao Giải Nobel Hóa học năm 1910. (Ảnh: wikipedia.org)

Muốn hiểu trẻ, cha mẹ cần phải biết quan sát tỉ mỉ từng hành vi cử chỉ của trẻ. Có thể tài năng của trẻ chỉ được thể hiện ở những hành động nhỏ nhất. Cha mẹ phải để trẻ tiếp xúc với các kiến thức trên mọi phương diện, khuyến khích trẻ tham gia hoạt động quần chúng, tích cực thể hiện tài năng của mình. Khi năng khiếu của trẻ được bộc lộ, cha mẹ phải chú ý phát hiện và công nhận nó.

Nếu cha mẹ không thực sự hiểu trẻ, chỉ căn cứ vào những ấn tượng phiến diện và nguyện vọng chủ quan của mình để ép trẻ phát triển theo một phương diện nào đó, thì trẻ sẽ không chỉ gặp bất lợi trong việc phát triển lợi thế, mà còn tỏ ra rất vụng về. Nếu cha mẹ cho rằng trẻ không có tài năng và mất đi niềm tin ở trẻ, thì sẽ có thể nhấn chìm tài năng chưa được phát hiện của trẻ, còn có thể khiến trẻ có tâm lý “chấp nhận số mệnh” là “mình bất tài, giảm dần sự tự tôn và tự tin của trẻ.

Bậc làm cha, làm mẹ nào cũng mong muốn trong tương lai trẻ có thể trở thành người xuất chúng. Vì thế nên ép trẻ học đủ thứ, đưa trẻ vào vòng xoáy cạnh tranh kịch liệt để giành chiến thắng, nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại. Ví dụ, một số cha mẹ xem được một vài tin tức liên quan đến “thần đồng” trên phương tiện truyền thông đại chúng, liền tìm mọi cách để đầu tư cho trẻ, cho trẻ học đàn, học võ, học vũ đạo, học ngoại ngữ… với mong muốn con thành “thần đồng”.

Tuy vậy, không phải đứa trẻ nào cũng thích hợp làm nhạc công, võ sư hay diễn viên múa. Rất nhiều trẻ căn bản không hề có bất kỳ cảm hứng nào đối với âm nhạc, mỹ thuật… Sự ép buộc của cha mẹ tạo ra tâm lý phản kháng ở trẻ, thậm chí còn nảy sinh một số bi kịch.

Cha mẹ của bé Minh thắt lưng buộc bụng, gom góp tiền bạc để mua cho con một cây đàn piano, sau đó thúc ép con khổ luyện. Nhưng Minh căn bản không có hứng thú với đàn, nhiều lần đã xin cha mẹ thôi học, song lần nào cha mẹ cũng từ chối, hơn nữa còn không ngừng bị giáo huấn.

Minh rất ấm ức vì cha mẹ đã không tôn trọng ý nguyện của mình, ép buộc mình làm những việc mà mình không thích, cướp đi quyền lợi mà mình nên có. Vậy là một ngày, nhân lúc cha mẹ không ở nhà, Minh đã làm hỏng cây đàn. Sau khi trở về nhà, cha mẹ đã đánh Minh một trận nên thân, đồng thời tiếp tục bức bách cô bé luyện đàn. Minh từ đó trở nên trầm tư ít nói hẳn.

Mỗi đứa trẻ đều có ưu thế và sở trường riêng của mình. Cha mẹ không nên chỉ xuất phát từ quan điểm và mong ước của chính mình mà ép trẻ phải phát triển theo một phương hướng nào đó, hơn nữa cũng không nên quá nóng vội trong việc giáo dục trẻ. Cần bình tĩnh nhận ra những khác biệt cá thể của trẻ, tăng cường chỉ dẫn và bồi dưỡng, như vậy mới khiến trẻ phát huy được sở trường, tạo cho trẻ một môi trường phát triển tốt nhất.

Cha mẹ ưu tú là người biết cách phát huy ưu điểm của con
Mỗi đứa trẻ đều có ưu thế và sở trường riêng của mình. Cha mẹ không nên chỉ xuất phát từ quan điểm và mong ước của chính mình mà ép trẻ phải phát triển theo một phương hướng nào đó. (Ảnh: pinterest.com)

Học cách quan sát đặc điểm của trẻ

Cha mẹ nên chú ý quan sát đặc điểm thường ngày của trẻ, sử dụng phương pháp giáo dục có mục đích rõ ràng. Dưới đây là một số gợi ý về đặc điểm của trẻ mà Đại học California đưa ra:

1.  Trẻ biết đi sớm

Trẻ biết đi sớm thường là thông minh. Bàn chân bước đi sẽ kích thích não bộ trẻ, vì thế khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nên cho trẻ bước đi nhiều, không nên bế ẵm trẻ cả ngày.

2. Trẻ sớm biết nói

Những đứa trẻ này phản ứng nhanh nhẹn, mồm miệng khéo léo, lời nói lưu loát, tư duy mạch lạc, khả năng thấu hiểu tốt. Trẻ biết nói sớm có thể học được nhiều từ ngữ hơn những trẻ bình thường, có thể vận dụng từ ngữ linh hoạt hơn, biểu đạt được ý nghĩa phức tạp hơn.

3. Trẻ có trí nhớ tốt

Trẻ có trí nhớ tốt là những trẻ thông minh. Vì khả năng ghi nhớ của những trẻ này vượt quá mức của những đứa trẻ bình thường, và thời gian ghi nhớ rất lâu, cho nên tốc độ học rất nhanh, hơn nữa còn rất nhẹ nhàng.

4. Trẻ tập trung chú ý cao độ vào một sự vật nào đó

Trẻ có thể không để tâm vào sự vật này, nhưng với sự vật khác lại biểu hiện sự hiếu kỳ rất mãnh liệt, hơn nữa còn thích hỏi đến tận cùng và chuyên tâm học hỏi, điều này cho thấy trẻ có thiên phú trong lĩnh vực này.

5. Trẻ hoạt bát đáng yêu, thể lực dồi dào, khỏe mạnh

Những đứa trẻ hoạt bát đáng yêu, thể lực dồi dào, khỏe mạnh hơn người có thể sống hòa hợp với cha mẹ, bạn bè hơn các bạn đồng trang lứa khác. Trong cuộc sống, trẻ sẽ có tâm trạng tương đối ổn định, có khả năng sống độc lập, có chí tiến thủ và có lòng tự tin.

Học cách quan sát đặc điểm của trẻ
Để con trưởng thành thì sự đồng hành của cha mẹ luôn yếu tố hàng đầu. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần kiên trì và dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm, chuyện trò với con cái để hai bên có thể sẻ chia, thấu hiểu. (Ảnh: pixabay.com)

Làm cha mẹ có lẽ là công việc khó nhất trong đời của mỗi người. Đây là việc đòi hỏi sự chuyên tâm, tốn nhiều thời gian, không những không mang lại doanh thu mà còn rất tốn kém. Một công việc rất đặc biệt, và nếu không để tâm, đôi khi chúng ta phải đón nhận những hệ quả không mong muốn. Vì vậy, để con trưởng thành thì sự đồng hành của cha mẹ luôn đóng vai trò quan trọng. Đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tâm – sinh lý của trẻ. Để làm được điều này, mỗi người làm cha, làm mẹ phải dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm, chuyện trò với con cái để hai bên có thể sẻ chia, thấu hiểu và tìm ra cách giải quyết khi có vấn đề.

Hồng Ân