Lắng nghe con trẻ nói hết câu chuyện của mình chính là cho trẻ tình yêu và sự ấm áp. Khoảnh khắc khi nói xong, trái tim chúng đã được nuôi dưỡng và chữa lành.

Đối với con trẻ, cách tốt nhất để an ủi chúng, chính là nhẫn nại đợi nghe con nói hết.

Tôi đã xem một chương trình Tìm kiếm tài năng, người phụ nữ bắt đầu vẽ thể hiện bài thi của mình. Cây cọ vẽ mềm mại và dịu dàng, tuy nhiên sắp hết thời gian mà bức tranh vẫn chưa hiện ra hình thù gì. Không đủ sự kiên nhẫn để đợi tiếp, bốn vị giám khảo không hẹn mà đã đều bấm đèn dừng cuộc thi cùng lúc.

Nhưng ngay sau đó, người phụ nữ tung bột trắng lên giá vẽ, một bức tranh hoàn hảo lập tức xuất hiện, sự việc diễn ra trong tích tắc đã gây sốc và hứng thú cho khán giả, tiếp đó cô nhận được những tràng pháo tay dài không ngớt. Khi này bốn vị giám mới nhận ra mình đã bỏ lỡ một tài năng.

Đôi khi trong cuộc sống, người làm cha mẹ chúng ta cũng giống như bốn vị giám khảo trong chương trình tìm kiếm tài năng kia.

Vậy nên, hãy cố gắng kiên nhẫn hơn với con trẻ, bạn sẽ thấy con mình tốt hơn rất nhiều so với suy nghĩ của bạn.

Khi mẹ im lặng

Người mẹ vì họng có chút rắc rối nên phải thực hiện một cuộc tiểu phẫu, bác sĩ yêu cầu cô ‘không được nói’ ít nhất trong 10 ngày.

Hôm ấy sau khi đi học về, con trai vừa về nhà đã cằn nhằn: “Con ghét cô giáo của con, con không muốn đi học nữa!”.

Nếu là ngày bình thường, khi nghe con trai nói như vậy, mẹ sẽ mắng cho cu cậu một trận ra trò vì tội lười học. Nhưng vì phải theo lời dặn của bác sĩ, nên mẹ đành im lặng.

Tiếp sau đó, cậu con con trai giận dữ nói với mẹ về sự bất bình của mình:

“Mẹ ơi, hôm nay cô giáo nói rằng bài của con là chép của bạn ngồi cùng bàn. Sự thực không phải thế, là con đã cố gắng làm bài. Vì sao cô giáo không nhìn thấy chứ…”

Thấy mẹ vẫn không nói gì, cậu bé tiếp tục nói lên sự bất bình của mình. Cậu cứ nói, cứ nói, và sau đó đã khóc. Mẹ cậu vẫn không nói gì, chỉ ôm con trai vào lòng an ủi.

Cậu bé nhanh chóng bình tĩnh lại và nói với mẹ: “Cảm ơn mẹ, cảm ơn mẹ đã lắng nghe con nói những điều này. Cảm ơn mẹ đã hiểu con, con chắc chắn sẽ học hành chăm chỉ, khiến cho cô giáo thấy được thành tích của con”.

Nói xong, cậu bé liền vui vẻ chạy về phòng học làm bài tập về nhà.

***

Lắng nghe là đem sự tập trung chú ý đặt vào đối phương. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Kiên nhẫn lắng nghe con trẻ nói hết câu chuyện của mình, chính là để trẻ trải nghiệm được tình yêu và sự ấm áp. Khoảnh khắc đứa trẻ nói xong, trái tim chúng như đã được nuôi dưỡng và chữa lành.

Ngắt lời con vì không hiểu con

Hôm đó cô đi siêu thị và mua hai bắp ngô ngọt. Về nhà sau khi nấu nướng xong, cô mời mẹ chồng và gọi con gái cùng xuống ăn.

Con gái nhanh nhảu nhặt một bắp ngô, cắn một miếng rồi đặt nó vào đĩa. Sau đó cô bé lại lấy bắp ngô kia, cũng ngửi qua rồi cắn một miếng nữa.  

Nhìn thấy cảnh này, người mẹ bực mình mắng: “Con tham lam quá rồi đấy. Ngô này là con và bà nội cùng ăn, mẹ chẳng phải đã dạy con phải học cách chia sẻ hay sao?”.  

Cô con gái sợ hãi mặt tái nhợt, ấp úng nói: “Con, con muốn ngửi nó, xem bắp nào thơm hơn…”

“Con đúng là chỉ nghĩ đến bản thân mình, là ích kỷ quá đấy!”

Khi nghe giọng nói gay gắt của con dâu, mẹ chồng vội vàng chạy đến.

“Cháu à, bà không ăn được ngô, tất cả là dành cho cháu mà”

Nghe bà nội nói, cô con gái lại càng tủi thân khóc nấc lên thành tiếng.

Trong khi lau nước mắt, cô bé nói: “Răng của bà không tốt. Con cắn một miếng và xem bắp nào mềm hơn. Rồi con ngửi nó, cũng để chọn cho bà nội bắp ngô thơm nhất…”

***

Người lớn luôn cảm thấy rằng họ có thể dễ dàng nhìn thấy rõ mọi hành vi của con cái, và với phán đoán của mình, rất nhiều khi họ đã ngắt lời con, không để con nói hết câu, thậm chí còn quát mắng phủ đầu đứa trẻ.  

Hành vi này của cha mẹ, trên thực tế không chỉ bóp nghẹt thiện chí của trẻ, mà chính là bóp nghẹt tâm hồn của chúng.

Những đứa trẻ vốn rất đơn giản, mặc dù chúng không hiểu biết nhiều, nhưng những cảm xúc được thể hiện ra là hoàn toàn chân thật. Một khi cha mẹ cứ mãi chặn đứng những dòng cảm xúc của con, sẽ đến một ngày đứa trẻ sẽ cảm thấy cần phải phòng vệ ngay cả với những người thân yêu trong gia đình. Từ đó, chúng sẽ mất đi cảm giác an toàn trong chính ngôi nhà của mình.

Vậy nên, các bậc cha mẹ thân mến, hãy kiên nhẫn đợi con trẻ nói xong, đừng để những lời quát tháo của bạn đổi lấy cho con sự tự ti và nhút nhát.

Hãy để con trẻ nói xong, lắng nghe giọng nói của con, và nên nhớ đừng bỏ qua cảm xúc của chúng.

Bỏ qua cơ hội lắng nghe con

Một người mẹ có con trai 6 tuổi đang học lớp một. Một hôm đi học về, cậu bé mồ hôi nhễ nhại gọi mẹ: “Mẹ, mẹ, con sẽ kể cho mẹ chuyện này”

Người mẹ thấy con mình toát mồ hôi, bèn nói với vẻ lo lắng:

“Làm sao mà mồ hôi nhễ nhại vậy con. Thôi đừng chạy nữa, không cảm lạnh thì sao?”.

Sau đó, cố lấy nước ấm lau người cho con.

“Mẹ, con sẽ nói với mẹ một chuyện quan trọng!”

“Chuyện quan trọng gì chứ, mau vào phòng làm bài tập về nhà!”

Cậu bé không quan tâm, tiếp tục nói:

“Chỉ là chiều nay …”

“Nhanh lên và làm bài tập về nhà, đừng nói với mẹ là con muốn ra ngoài chơi”.

Cậu bé mặt ỉu xìu, dường như rất thất vọng. Hóa ra, cậu bé chưa bao giờ giành giải nhất cuộc thi chạy, nhưng chiều nay cậu đã cố gắng hết mình và chạy về trước nhất.

Cậu thầm nghĩ: “Tại sao mẹ không muốn nghe mình nói. Mình không muốn nói bất kỳ chuyện gì với mẹ nữa!”

***

Hầu hết các bậc cha mẹ đều yêu thương con cái của mình, nhưng có rất ít người thực sự tôn trọng trẻ.

Không có vấn đề nhỏ trên con đường phát triển và hình thành tính cách của con trẻ. Cha mẹ vẫn luôn muốn quan tâm từng ly từng tý trong cuộc sống của con trẻ, vậy vì sao không cho trẻ cơ hội nói ra câu chuyện của mình với cha mẹ đây?

Nuôi dưỡng một đứa trẻ cũng giống như trồng một cây hoa, phải mất thời gian để quan tâm chăm sóc.

Người mẹ của Armstrong

Tại một vùng nông thôn ở miền Nam nước Mỹ, có một cậu bé vui vẻ nhảy nhót dưới ánh trăng. Người mẹ nhìn thấy cảnh này, tò mò hỏi: “Con đang làm gì vậy?”

Cậu bé chỉ vào mặt trăng và hào hứng nói: “Con muốn lên mặt trăng!”

Người mẹ đã bị sốc bởi ý tưởng của con trai mình, nhưng vẫn lặng lẽ lắng nghe trí tưởng tượng của đứa trẻ.

Sau khi trẻ nói xong, người mẹ mỉm cười nói: “Tốt, nhưng con phải nhớ về nhà ăn tối đấy nhé!”

Nhiều năm sau, hình ảnh người Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng được chiếu trên ti vi. Và người này không ai khác chính là cậu bé năm đó. Anh ấy là Armstrong.

Hãy tưởng tượng, lúc đó, người mẹ không lắng nghe cậu bé nói rồi mắng mỏ cho rằng con mình thật hão huyền. Vậy thì dường như giấc mơ thiên đường trong cậu đã kết thúc, mấy chục năm sau liệu sẽ có Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng?

***

Thế giới của trẻ em đầy sự mới lạ và giàu trí tưởng tượng. Vậy nên, cho dù những ngôn từ của trẻ có ngây ngô đến mức nào, cũng chính là những khám phá của chúng về thế giới này. Dẫu buồn cười thế nào, thì đó cũng đều là trí tưởng tương trong cuộc dạo chơi của đứa trẻ. Dẫu vô lý thế nào, đó cũng chính là sự sáng tạo của trẻ được phóng ra.  

Kiên nhẫn lắng nghe trẻ nói xong, chính là một loại tôn trọng mà cha mẹ dành cho con cái mình. Đó cũng là món quà lớn nhất của cha mẹ dành cho con.

Cha mẹ luôn phàn nàn rằng con mình bước vào thời kỳ nổi loạn, rằng tôi không thể hiểu nổi con tôi, đứa trẻ cũng không hiểu nỗi khổ tâm của cha mẹ. Trên thực tế, đây là những bậc cha mẹ không đợi con nói xong. Và thành quả đổi lại chính là “Vé phạt” mà cuộc sống trả lại cho họ.

Không có công việc nào trên thế giới dễ phạm sai lầm hơn là làm cha mẹ. Nhưng cũng không có công việc nào tự hào hơn là làm cha mẹ.

Trẻ em mang đến cho chúng ta sự ngọt ngào, chúng cũng mang đến nỗi buồn và lo lắng cho chúng ta.

Nhà giáo dục người Pháp, bà Pamela Druckerman đã từng nói: “Ngay cả khi đứa trẻ có điều gì đó sai, cha mẹ cũng nên có trách nhiệm lắng nghe và hiểu động cơ của chúng. Khi trẻ có phản ứng bất thường, chắc chắn phải có một lý do đằng sau. Cha mẹ nên lắng nghe con cẩn thận. Và giải thích cho chúng về thế giới này”.

So với việc làm sao để trẻ vâng lời, thì lắng nghe trẻ nói hết cuộc trò chuyện, đây là một khóa học bắt buộc và quan trọng hơn dành cho cha mẹ.

Chúc các ông bố bà mẹ dưỡng thành chữ Nhẫn, để đủ bình tâm lắng nghe con nói. Có thể kiên nhẫn nghe con nói hết, đó là sự tu dưỡng tốt nhất của cha mẹ!

Theo Cmoney
Vân Hà biên dịch

Video: Hành trình người cha chữa bệnh suy giảm tiểu cầu vô căn cho con gái

videoinfo__video3.dkn.tv||5bb2f448d__